Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Hộ chiếu mới: Thế giới lên án, Trung Quốc phớt lờ

25/11/2012 08:30
Tổng hợp
(GDVN) - "Chúng ta không thể chỉ phản đối, mà còn phải có biện pháp đáp trả lại và ở mức độ nào, hàm lượng nào thì phải cân nhắc. Như cách của Ấn Độ trong vụ này là tấn công", ông Nguyễn Hùng Cường, giảng viên luật quốc tế và thành viên Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, khoa Luật - ĐHQG Hà Nội nói.
Ngày 24-11, Bắc Kinh tiếp tục phớt lờ mọi phản ứng của các nước láng giềng về hộ chiếu điện tử in chìm một số vùng lãnh thổ nước ngoài, từ đường lưỡi bò ôm trọn biển Đông đến đảo Đài Loan và các tỉnh của Ấn Độ.
Báo Tuổi trẻ đưa tin, Nhân Dân Nhật Báo ca ngợi quyển hộ chiếu mới với tựa đề “Trung Quốc huy hoàng”. Báo này còn cho đăng cả trang hộ chiếu số 8 có in chìm hình bản đồ Trung Quốc, thòng thêm đường lưỡi bò ôm trọn biển Đông. Báo Buổi Sáng Bắc Kinh còn dẫn thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam bịa đặt trắng trợn rằng công dân Trung Quốc cầm hộ chiếu đường lưỡi bò vẫn nhập cảnh vào Việt Nam “bình thường”.
Hộ chiếu điện tử Trung Quốc cũng in hình hai địa danh nổi tiếng của Đài Loan là đầm Nhật Nguyệt ở huyện Nam Đầu và vách đá Thanh Thủy ở thành phố Hoa Liên. Báo chí Đài Loan chỉ trích lãnh đạo lãnh thổ này đã phản ứng quá “lề mề” về động thái xâm phạm chủ quyền ngang ngược của Bắc Kinh. Thời Báo Đài Bắc cho rằng Đài Loan đã quá chậm chạp so với Philippines và Việt Nam, hai quốc gia sớm phản ứng gay gắt Trung Quốc.

Hộ chiếu mới của Trung Quốc in “đường lưỡi bò” không có giá trị pháp lý, bị thế giới phản đối. Ảnh: XINHUA
Hộ chiếu mới của Trung Quốc in “đường lưỡi bò” không có giá trị pháp lý, bị thế giới phản đối. Ảnh: XINHUA

Dư luận và báo chí Đài Loan kêu gọi nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu hành động cứng rắn hơn. 
Thời Báo Đài Bắc khẳng định Đài Loan từ lâu đã không đồng ý chuyện Trung Quốc gộp lãnh thổ này vào bản đồ chính thức của Bắc Kinh. Do đó hành vi in địa danh của Đài Loan vào hộ chiếu là một hành động gây hấn.
Thời Báo Tự Do cho biết nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu đã chỉ thị cho Hội đồng liên lạc với Trung Quốc chính thức gửi công hàm phản đối Bắc Kinh. “Hai địa danh du lịch nổi tiếng này thuộc về quyền tài phán của Đài Loan chứ không thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc” - chính quyền Đài Loan nhấn mạnh.
Sau đó, Hội đồng liên lạc đã yêu cầu Chính phủ Trung Quốc hãy giải quyết vấn đề chủ quyền của Đài Loan “một cách thực tế”. “Trung Quốc đã phớt lờ sự thật và châm ngòi tranh chấp bằng những hình ảnh lãnh thổ và danh thắng của Đài Loan in trong hộ chiếu của họ. Đài Loan sẽ không chấp nhận hành động này. Bắc Kinh nên đối diện với sự thật. Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc hãy tránh gây ấn tượng xấu rằng họ đang đơn phương và cố tình thay đổi hiện trạng”.
Cũng theo báo Tuổi trẻ, chính quyền Ấn Độ đã lập tức có hành động đáp trả Trung Quốc. Hãng tin Press Trust of India cho biết Đại sứ quán Ấn Độ tại Bắc Kinh bắt đầu cho đóng dấu bản đồ hình ảnh là bang Arunachal Pradesh và Aksai Chin của Ấn Độ mà Trung Quốc đòi chủ quyền lên hộ chiếu của du khách Trung Quốc trước khi nhập cảnh vào Ấn Độ.
“Chúng tôi đã bắt đầu cấp visa bằng bản đồ Ấn Độ ngay khi phát hiện loại hộ chiếu của Trung Quốc có in chìm hình ảnh hai tỉnh Arunachal Pradesh và Aksai Chin” - một quan chức ngoại giao Ấn Độ cho biết.
Báo The Hindu cho biết Chính phủ Ấn Độ quyết định phản ứng Trung Quốc bằng hành động. “Ấn Độ cho rằng hành động tốt hơn lời nói” - một quan chức chính quyền New Delhi nhấn mạnh.
Cũng về vấn đề Trung Quốc cấp hộ chiếu mới cho công dân nước này, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, trả lời báo Pháp luật TPHCM, ông Nguyễn Hùng Cường, giảng viên luật quốc tế và thành viên Trung tâm Luật Biển và Hàng hải Quốc tế, khoa Luật - ĐHQG Hà Nội, cho rằng hành vi in bản đồ "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu của Trung Quốc không có giá trị pháp lý.
Vị chuyên gia này khẳng định: Theo luật quốc tế hiện nay, việc in một cái "đường lưỡi bò" trên hộ chiếu như vậy không hề có giá trị pháp lý, bởi nó không dựa trên một nguyên tắc nào cả. Trung Quốc đã làm như vậy vào năm 2009 khi họ đưa ra công hàm phản đối bộ hồ sơ của Việt Nam gửi lên Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa. Vụ hộ chiếu lần này về bản chất không khác gì việc họ đưa ra công hàm lần trước. Tuy nhiên, theo ông Cường, mặc dù bản đồ này không có giá trị pháp lý với cộng đồng quốc tế nhưng sau này nếu Trung Quốc công bố với thế giới, họ sẽ sử dụng tất cả các loại bản đồ, công hàm, các tài liệu, biện pháp, ví dụ Trung Quốc thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa, mời thầu dầu khí ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam... làm chứng cứ. Ý nghĩa của việc in "đường lưỡi bò" lên hộ chiếu là như vậy. Nó chỉ là một hành động tiếp theo một chuỗi các hành động rất có tính hệ thống để khẳng định một điều rằng Trung Quốc đang quản lý vùng đấy. Còn quản lý có đúng không, có phù hợp với luật quốc tế không thì đó là câu chuyện hoàn toàn khác. Trước lo lắng, giả sử Việt Nam, Philippines hoặc một nước thứ ba nào đó đóng dấu lên hộ chiếu có "đường lưỡi bò"của Trung Quốc thì có được xem là công nhận bản đồ đó không, ông Nguyễn Hùng Cường nhất mạnh: " Nhiều người lo ngại việc đóng dấu hải quan lên hộ chiếu Trung Quốc là thể hiện sự công nhận "đường lưỡi bò". Thực ra việc đóng dấu này chỉ có nghĩa là tôi chấp nhận cho công dân của nước anh vào lãnh thổ của tôi, không có nghĩa rằng tôi công nhận những nội dung in trên hộ chiếu của anh. Việt Nam đóng dấu hay nước nào đóng dấu cũng vậy. Tất nhiên ta có thể cẩn thận hơn bằng cách cấp thị thực rời. Về vấn đề này, ông Dương Danh Huy (Quỹ Nghiên cứu biển Đông) cho rằng: Hộ chiếu đường lưỡi bò cho thấy Trung Quốc tham vọng và cực đoan thế nào về tranh chấp biển Đông. Việt Nam cần phản đối mạnh mẽ và có biện pháp để không đóng dấu lên hộ chiếu đó, thí dụ như đóng dấu lên một văn kiện khác. Ngoài ra, thị thực chúng ta cấp cho người Trung Quốc có thể ghi rằng Việt Nam không chấp nhận đường lưỡi bò trên hộ chiếu của họ.
Việt Nam cũng phải có những biện pháp để đối phó một cách cơ bản hơn, ví dụ cùng các nước khác đề nghị đưa Trung Quốc ra tòa.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Lê Vĩnh Trương (Quỹ Nghiên cứu biển Đông) nêu bật vấn đề: đối phó với hộ chiếu đường lưỡi bò, Việt Nam cần dựa vào luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam về lãnh sự, chủ quyền và cả những thỏa thuận chưa thành luật như Tuyên bố về ứng xử trên biển Đông (DOC) để xác định thế đứng chính nghĩa về pháp lý. Việt Nam cũng cần vận động các nước trong cộng đồng quốc tế và Đông Nam Á cùng lên tiếng và hành động chống lại âm mưu bá quyền của Trung Quốc.
Việt Nam có thể không cho nhập cảnh người mang hộ chiếu Trung Quốc phi pháp có in hình đường lưỡi bò, cho xuất cảnh người Trung Quốc mang hộ chiếu này. Dấu đóng mộc của cơ quan an ninh xuất cảnh Việt Nam cần ghi rõ: “Việt Nam không thừa nhận đường chữ U” bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Ngoài ra, Việt Nam cần kiện Trung Quốc ra các cơ quan quốc tế về hành vi xâm phạm chủ quyền. Việt Nam còn phải chuẩn bị đối phó với những âm mưu tương tự của Trung Quốc về lãnh sự, các giấy tờ tư pháp như về kết hôn, di trú, làm việc của công dân hai nước, các chứng từ thương mại, văn hóa, kinh tế, giáo dục, khoa học, kỹ thuật, các văn bản giao dịch...
Đồng thời, chúng ta cần có những bài viết bằng tiếng Anh gửi đi các báo có uy tín trên thế giới để đánh động âm mưu của Trung Quốc và dựa vào sức mạnh của luật quốc tế. Tính chính đáng của luật pháp sẽ thuyết phục các nước. Kể cả khi các nước khác không sẵn sàng chống lại hộ chiếu đường lưỡi bò thì Việt Nam vẫn phải kiên quyết chống lại đến cùng.
Tổng hợp