Hỗ trợ cai nghiện, phòng chống mại dâm đạt nhiều kết quả tích cực

25/12/2015 09:19
THỤY MIÊN
(GDVN) - Đó là một trong những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2011-2015 mà Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua đã có những điều chỉnh tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy và mại dâm đồng thời đáp ứng các thông lệ quốc tế. Trong đó, phải kể đến việc triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành cơ sở cai nghiện tự nguyện.

Kết quả, giai đoạn 2011 - 2015 đã tổ chức, quản lý, chữa trị cai nghiện cho trên 217 nghìn lượt người; dạy nghề cho trên 52,5 nghìn người; quản lý sau cai nghiện trên 58 nghìn người, trong đó quản lý sau cai tại nơi cư trú trên 43,5 nghìn người (chiếm 73,5%), quản lý sau cai tại Trung tâm gần 16 nghìn người (chiếm 26,5%); duy trì và xây dựng mới được trên 3,5 nghìn xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.

Chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua đã có những điều chỉnh tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy và mại dâm.
Chính sách phòng, chống tệ nạn xã hội thời gian qua đã có những điều chỉnh tích cực, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới công tác quản lý, giáo dục đối tượng nghiện ma túy và mại dâm.

Bên cạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, công tác quản lý nhà nước về trẻ em từng bước hoàn thiện, quyền trẻ em được bảo đảm, xã hội hóa bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em đạt kết quả cao.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã nghiên cứu sửa đổi và trình Quốc hội cho ý kiến về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1235/QĐ-TTg vể Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em đến năm 2020. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực trẻ em được tăng cường, quyền trẻ em ngày càng được bảo đảm.

Tính đến hết năm 2015, cả nước có 85% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống còn 6,5%; 80% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tiếp tục gặt hái nhiều thành công với các chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam”, “Em không phải bỏ học”, “Cùng em đến trường”. Kết quả huy động Quỹ trong 5 năm đạt gần 300 tỷ đồng. Gần đây nhất, Bộ cũng đã phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam triển khai Chương trình thiện nguyện “Cặp lá yêu thương”, bước đầu thu hút được sự quan tâm, chung tay, giúp sức của toàn xã hội.

Bên cạnh đó, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đạt nhiều kết quả tích cực. Sau khi Luật Bình đẳng giới và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được ban hành, công tác triển khai đã được thực hiện đồng bộ, hiệu quả từ Trung ương tới địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo thực hiện bình đẳng giới trên thực tiễn.

Tỷ lệ phụ nữ tham gia điều hành, quản lý doanh nghiệp ở nước ta đạt hơn 20%, là tỷ lệ khá cao so với khu vực và thế giới; tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt trên 80%; Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao trong khu vực và trên thế giới.

THỤY MIÊN