Hoàng Sa phải có đại biểu Hội đồng nhân dân và mở rộng về đất liền

29/02/2016 08:53
THÙY LINH
(GDVN) - Đề xuất Hoàng Sa có đại biểu HĐND đã được 100% đại biểu đại diện cho các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội TP Đà Nẵng biểu quyết thông qua.

Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV và đại biểu HĐND khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Đà Nẵng tổ chức mới đây, đề xuất huyện Hoàng Sa phải có đại biểu tham gia HĐND TP. Đà Nẵng khóa IX được biểu quyết thông qua.

Đặc biệt, Đà Nẵng đang trình phương án Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hoàng Sa - “mở rộng Hoàng Sa về đất liền” đang được nhân dân, dư luận đồng tình ủng hộ…

Ông Bùi Văn Tiếng cho biết tại hội nghị hiệp thương, đề xuất Hoàng Sa có đại biểu HĐND được 100% đại biểu đại diện cho các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội TP Đà Nẵng biểu quyết thông qua. Ảnh: Thùy Linh
Ông Bùi Văn Tiếng cho biết tại hội nghị hiệp thương, đề xuất Hoàng Sa có đại biểu HĐND được 100% đại biểu đại diện cho các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội TP Đà Nẵng biểu quyết thông qua. Ảnh: Thùy Linh

Theo ông Bùi Văn Tiếng (nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP. Đà Nẵng, người đề xuất ý kiến trên) thì việc đề xuất Hoàng Sa có đại biểu HĐND được 100% đại biểu đại diện cho các hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội TP Đà Nẵng biểu quyết thông qua tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất.

“Hiện nay UBND huyện Hoàng Sa có một chủ tịch UBND huyện chưa có cử tri, chưa có dân thì có thể ông chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa làm đại biểu của huyện tại HĐND TP”, ông Tiếng cho biết.

Về phương án Điều chỉnh địa giới hành chính huyện Hoàng Sa (bao gồm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập hai phường Mân Thái, Thọ Quang thuộc quận Sơn Trà vào huyện Hoàng Sa), theo ông Tiếng hiện đã được trình cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phê chuẩn, còn có kịp cuộc bầu cử hay không thì phải chờ. 

“Hiện UBND huyện Hoàng Sa có một chủ tịch UBND huyện chưa có cử tri, chưa có dân thì có thể ông chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa làm đại biểu của huyện tại HĐND TP. 

Với phương án mở rộng Hoàng Sa vào đất liền, nếu khả thi thì có thể tới đây Hoàng Sa không chỉ là có đại biểu của Hoàng Sa trong HĐND TP mà còn có cả HĐND huyện Hoàng Sa với cử tri của mình nữa”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Những người lính trẻ tìm hiểu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Thùy Linh
Những người lính trẻ tìm hiểu về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa tại một cuộc triển lãm. Ảnh: Thùy Linh

Trao đổi về vấn đề này, ông Đặng Công Ngữ (nguyên Giám đốc sở Nội Vụ TP. Đà Nẵng, nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa) cho biết bây giờ Hoàng Sa cần có đại biểu HĐND riêng.

Ông Ngữ cho biết, vì trước khi Đà Nẵng là một trong mười địa phương tham gia thí điểm không có HĐND cấp xã phường, quận huyện thì có một đại biểu quận Sơn Trà kiêm luôn huyện Hoàng Sa. 

“Việc giới thiệu đại biểu HĐND của huyện Hoàng Sa là chuyện bình thường. Giờ thực hiện Luật Tổ chức HĐND mới thì buộc các cấp chính quyền phải có đại biểu, HĐND. Còn việc tổ chức HĐND huyện Hoàng Sa như thế nào thì Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về việc thực thi hoạt động cho phù hợp”, ông Ngữ cho biết.

Theo ông Ngữ, năm 1961 khi Chính phủ Việt Nam Cộng hòa chuyển Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Thừa Thiên- Huế về cho tỉnh Quảng Nam thì nhập Hoàng Sa vào địa giới hành chính xã Định Hải (thuộc Hòa Vang). Năm 1969, chuyển xã Định Hải nhập vào xã Hòa Long trên đất liền thuộc huyện Hòa Vang. 

Ông Đặng Công Ngữ - người từng sát sao, luôn đau đáu với Hoàng Sa...Ảnh: Thùy Linh
Ông Đặng Công Ngữ - người từng sát sao, luôn đau đáu với Hoàng Sa...Ảnh: Thùy Linh

Việc kéo Hoàng Sa vào đất liền, ông Ngữ cho rằng cần phải thực hiện theo trình tự quy định tách nhập theo thực tế hiện hành. Muốn thực tế hóa thì phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, các cấp.

Địa phương phải làm tốt công tác nhân sự, sự đồng thuận của nhân dân, các thủ tục hành chính cần thiết. Cái quan trọng là để đấu tranh đòi lại Hoàng Sa, kể cả trước mắt và lâu dài.

“Muốn kéo Hoàng Sa vào đất liền là trong tâm thức của mỗi người dân Việt, phải luôn nhớ đó là lãnh thổ bị Trung Quốc chiếm. Ý thức, tình cảm của mọi người dân luôn luôn trăn trở Hoàng Sa là của Việt Nam là nó gần rồi”, ông Ngữ tâm sự.

Nguyên Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa chia sẻ, trước đây đã có tiền lệ, nên mở rộng Hoàng Sa về đất liền là chuyện rất bình thường, hợp lý. Đây còn là tiền đề để đòi lại Hoàng Sa trước mắt cũng như lâu dài. Từ đó, thực thi đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn, phát triển, bảo vệ, khai thác vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

THÙY LINH