Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13:

"Hội đồng Bảo hiến sẽ lên tiếng về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa"

03/06/2013 12:39
Ngọc Quang
(GDVN) - “Sự cần thiết của một thiết chế độc lập có quyền tài phán thực chất, thực quyền không chỉ là đơn thuần rà soát xem xét việc chấp hành pháp luật nội bộ của người dân trong nước, mà trên hết có quyền lên tiếng một cách chính danh mạnh mẽ hơn về những hành vi vi phạm trắng trợn pháp luật Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi tin chắc không người Việt Nam nào không phẫn nộ về những hành động ngang ngược này”.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) đã nhấn mạnh như vậy trong bài phát biểu tại phiên họp Quốc hội sáng nay 3/6.

“Ai sẽ báo cáo cử tri về quyền lực được giao?”

Sáng nay, các ĐBQH đã thảo luận, góp ý về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp chỉnh lý, bổ sung trình Quốc hội vào phiên khai mạc kỳ họp thứ 5.

Trong số ý kiến của nhiều ý kiến, đáng chú ý ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng cần có quy định rõ ràng hơn khi thành lập Hội đồng Hiến pháp, còn nếu giữ như Điều 120 (hiện tại) thì không cần thiết phải thành lập hội đồng này.

ĐBQH Phạm Trọng Nhân - tỉnh Bình Dương.
ĐBQH Phạm Trọng Nhân - tỉnh Bình Dương.

ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng, đối với các thiết chế hiến định độc lập tại chương 10 Điều 120 về Hội đồng Hiến pháp có hai phương án. Tuy nhiên, lựa chọn nội dung như vậy hết sức khiên cưỡng, vì có sự khác biệt rất lớn về nội dung và ý nghĩa giữa hai phương án, nhưng cho dù chọn cơ chế bảo hiến nào đi nữa thì trên hết phải phù hợp với tiêu chí, nhiệm vụ của thiết chế hiến định độc lập, đồng thời phải thỏa mãn với ba nội dung cốt lõi mà hiến pháp tuyên bố tại Điều 2 và Điều 4: 

Thứ nhất, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Thứ hai, quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; Thứ ba, Đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.

Đây là những nguyên tắc nền tảng để xác định phương thức tổ chức quyền lực ở nước ta, phải được nghiên cứu một cách cẩn trọng trước khi đề xuất phương án. Nếu theo phương án 1, không có Hội đồng bảo hiến, Hội đồng Hiến pháp và cũng không điều chỉnh thêm bớt bất cứ nội dung nào trong dự thảo, nói cách khác là duy trì cơ chế bảo hiến như hiện nay thì đợt sửa đổi hiến pháp lần này xem như chúng ta chưa hoàn thành nhiệm vụ mà đồng bào cử tri giao phó.

“Ai sẽ báo cáo với đồng bào cử tri về quyền lực được giao, thực thi thế nào? Ai sẽ đứng ra phân minh những vụ việc như: Dừng đăng ký xe máy ở Hà Nội trước đây; Quy định số đo vòng ngực của người điều khiển phương tiện giao thông; Vụ việc thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng); Thông tư cấm phát tán video tiêu cực bằng bất cứ hình thức nào;

Việc cấp mẫu giấy CMTND mới; Phạt xe không chính chủ hay phạt người sử dụng mũ bảo hiểm giả… Mỗi năm có hàng trăm trường hợp như thế, rất tiếc những trường hợp này lại không được kiểm tra và phát hiện từ bất cứ cơ quan quyền lực nào của nhà nước, mà là từ cơ quan báo chí và dư luận xã hội”, ĐB Nhân nhấn mạnh.

Từ những dẫn chứng trên, vị ĐBQH tỉnh Bình Dương đặt vấn đề: Chúng ta sẽ phát hiện các hành vi vi hiến trái pháp luật bằng cơ chế kiểm soát như thế nào và xử lý ra sao nếu không có Hội đồng Hiến pháp hay Tòa án Hiến pháp? Hay chúng ta phải tính đến việc hiến định cơ chế sử dụng công luận và xem đó là một phần tất yếu của cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài.

“Sự cần thiết của một thiết chế độc lập có quyền tài phán thực chất, thực quyền không chỉ là đơn thuần rà soát xem xét việc chấp hành pháp luật nội bộ của người dân trong nước, mà trên hết có quyền lên tiếng một cách chính danh mạnh mẽ hơn về những hành vi vi phạm trắng trợn pháp luật Việt Nam đối với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Tôi tin chắc không người Việt Nam nào không phẫn nộ về những hành động ngang ngược này. Tôi mong muốn Quốc hội hãy lên tiếng và sớm có quyết sách”, ĐB Nhân nói.

Những mâu thuẫn khi quy định vai trò của Hội đồng bảo hiến

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân, nếu chọn phương án 2 như Điều 120 dự thảo hiện nay thì không đáp ứng được đầy đủ các nguyên tắc về vai trò của Hội đồng Hiến pháp. Đây không phải là nội dung quy định một thiết chế độc lập, mà thẩm quyền của Hội đồng Hiến pháp chỉ dừng lại ở việc kiểm tra, tham mưu, kiến nghị và yêu cầu.

Điều đó không khác gì với nhiệm vụ mà UBTVQH, Ủy ban Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội hiện nay đang thực hiện. Hầu như chức năng năng, nhiệm vụ  tạm gọi là tiền kiểm, công tác thẩm tra đã được các cơ quan chức năng này thực hiện một cách cơ bản và hữu hiệu.

ĐB Nhân nêu lên một loạt câu hỏi rất đáng phải suy ngẫm: Như vậy, trách nhiệm hậu kiểm được xem như là nhiệm vụ trọng yếu của Hội đồng Hiến pháp. Tuy nhiên, Hội đồng này sẽ ứng xử thế nào nếu các cơ quan trên không đồng quan điểm hoặc phớt lờ yêu cầu của Hội đồng Hiến pháp nêu ra?

Nghiêm trọng hơn, sẽ phải giải quyết thế nào nếu ý kiến của Hội đồng Hiến pháp không được Quốc hội chấp nhận? Khi đó quan hệ ủy thác quyền lực giữa nhân dân với Hội đồng Hiến pháp và Quốc hội sẽ giải quyết thế nào?

Bên cạnh đó, vị ĐB của tỉnh Bình Dương cũng nêu rõ, tại khoản 1 Điều 120 nói Hội đồng Hiến pháp là cơ quan do Quốc hội thành lập có nói tới tổ chức nhiệm vụ quyền hạn, trình tự thủ tục hoạt động của Hội đồng Hiến pháp và số lượng nhiệm kỳ của các thành viên Hội đồng Hiến pháp do luật định.

“Tôi nghĩ ở đây đã có sự nhầm lẫn trong việc xác định vị trí của Hội đồng Hiến pháp. Ba điểm tại khoản 1 thực chất là quy định nhiệm vụ chứ chưa phải là quyền hạn. Tôi xin nhấn mạnh là nếu chưa xác định được quyền của Hội đồng này trong hiến pháp thì tôi không tin cơ quan này có thể hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao cho.

Thay vì đặt vị trí của Hội đồng Hiến pháp độc lập với ba cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để giám sát và báo cáo với Quốc hội về các hành vi vi hiến thì ngược lại hội đồng này bị chính Quốc hội giám sát bằng quy định tại Khoản 2 Điều 75 và quyết định sự tồn tại của hội đồng này tại khoản 6, 7 Điều 75”, ĐB Nhân phân tích.

Cuối cùng, ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng, từ những căn cứ này, cùng với quan điểm nhất quán Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam… đã đạt được những thành tựu quan trọng, vẫn thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số ý kiến, vì lợi ích của toàn dân tộc Việt Nam chứ không phải vì đảng phái nào cả, thì không cần thiết thành lập Hội đồng Hiến pháp nếu vẫn quy định như Điều 120, đồng thời đề nghị bổ sung công tác hậu kiểm một cách thực chất bằng sự phân công, giám sát, giao quyền cho VKSND.

Ngọc Quang