Hội nghị Chợ Đệm tháng 8/1945: Ba lần họp Xứ ủy Nam Bộ Giáo sư Trần Văn Giàu

18/08/2017 06:09
Theo Quân đội nhân dân
(GDVN) - Giáo sư Trần Văn Giàu (1911 – 2010) là nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và là nhà giáo Việt Nam.

Giáo sư Trần Văn Giàu (1911 – 2010) là nhà hoạt động cách mạng, nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử, triết học và là nhà giáo Việt Nam.

Từ năm 15 tuổi ông đã lên học tại Sài Gòn rồi sang du học tại Pháp.

Năm 1930 ông bị trục xuất về nước sau khi tham gia biểu tình trước Dinh tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các chiến sĩ cách mạng tham gia khởi nghĩa Yên Bái.

Thay vì mang về một tấm bằng tiến sĩ hay kỹ sư, Trần Văn Giàu về nước với một án chính trị.

Cũng từ đó, ông trở thành một người “cách mạng chuyên nghiệp”.

Bốn lần vào tù ra khám, 12 năm bị giam cầm đày ải trong các nhà lao khét tiếng man rợ như Côn Đảo, Tà Lài; sau đó chỉ đạo khởi nghĩa thành công ở khắp các tỉnh, thành phố phía Nam Tổ quốc với tư cách bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.

Câu chuyện về Nam Bộ trước ngày khởi nghĩa dưới đây được chính Giáo sư Trần Văn Giàu kể lại trong nhiều cuộc nói chuyện với các sinh viên trường Đại học Tổng hợp (trước đây) và ghi lại chi tiết trong hồi ký của ông.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Tin Nhật đầu hàng làm chấn động mạnh dư luận. Đảng phái, chính khách, quần chúng đều bàn luận xôn xao.

Người ta tự hỏi, hỏi nhau: Nhật đầu hàng rồi thì việc gì sẽ xảy ra ở xứ ta, ở Sài Gòn những ngày tới.

Vấn đề lớn được đặt ra cấp bách trước Xứ ủy và Thành ủy là thời cơ đã chín muồi cho khởi nghĩa, không thể để mất thì giờ được, dù chỉ một ngày.

Lo lắng nhất của chúng tôi bấy giờ là Nam Bộ phải tự quyết định một vấn đề hết sức trọng đại trong điều kiện chưa nối lại được liên lạc với Trung ương.

Chờ chỉ thị thì biết ngày nào mới có?

Khởi nghĩa trễ quá thì sẽ thất bại. Tự mình quyết định trong việc rất lớn như thế này thì có được không?

Chúng tôi cho rằng tốt nhất là phải nắm thời cơ, phải dám nghĩ, dám làm, dám độc lập tác chiến theo phương hướng chung đã nêu trong Nghị quyết Trung ương cuối năm 1939.

Hội nghị Chợ Đệm lần thứ nhất

Ngày 15/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập hội nghị nhận định tình hình, xác định nhiệm vụ cần kíp:

Thời cơ khởi nghĩa tới rồi. Thời cuộc chắc sẽ chuyển biến nhanh. Ta phải kịp tận dụng thời cơ lúc Nhật đã đầu hàng.

Trong khi chờ quyết định của một cuộc họp Xứ ủy, Thường vụ thành lập ngay một ủy ban khởi nghĩa để hoàn thành kế hoạch khởi nghĩa cho Sài Gòn và toàn Nam Bộ.

Thành phần gồm: Tôi - Trần Văn Giàu và Nguyễn Văn Trấn đều là đại diện Đảng Cộng sản; Nguyễn Văn Tư, đại diện Tổng công đoàn Nam Bộ;

Huỳnh Văn Tiểng, đại diện Thanh niên Tiền phong và một người thuộc lực lượng vũ trang.

Thanh niên Tiền phong với tầm vông vót nhọn ở Nam Bộ (1945). Ảnh tư liệu.
Thanh niên Tiền phong với tầm vông vót nhọn ở Nam Bộ (1945). Ảnh tư liệu.

Trên thực tế thì Trấn, Tiểng và tôi trước đó đã bàn luận kỹ nhiều lần về những nét lớn của kế hoạch khởi nghĩa, cũng đã chuẩn bị xây dựng lực lượng quần chúng cách mạng sẵn sàng giành chính quyền khi thời cơ đến.

Về cơ bản, không có gì là bất cập. Ủy ban Khởi nghĩa sẽ trình cụ thể kế hoạch này, một khi Xứ ủy quyết định khởi nghĩa.

Dự tính cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn có thể nổ ra và thành công vào ngày 17, nếu trễ là 18/8/1945. Chúng tôi gọi là “bấm nút”.

Tối 16 rạng ngày 17/8/1945, Hội nghị Xứ ủy mở rộng họp tại Chợ Đệm.

Ngày trước, Chợ Đệm thành danh nhờ vựa bán đệm lớn nhất Nam Kỳ, sau này càng nổi tiếng vì những cuộc biểu tình cách mạng, thuộc vành đai đỏ của Sài Gòn, một căn cứ tin cậy của Xứ ủy Nam Bộ từ năm 1944.

Vào thời điểm đó, họp hội nghị, dù là hội nghị lớn, không còn sợ ai bắt nữa, nhưng vẫn phải cảnh giác.

Anh Bảy Trấn xếp cho hội nghị họp ở một địa điểm bên kia chợ, phải qua đò, đi một khúc lộ, đến một đoạn bờ hai bên trống trơn, dễ cảnh giới.

Chúng tôi họp trong căn nhà nhỏ phía sau một nhà ngói lớn có vườn, nếu báo động thì rút ra phía rạch có nhiều dừa nước, khá an toàn.

Dự hội nghị có đông đủ xứ ủy viên, một số đồng chí chủ chốt của các tỉnh trọng yếu, đặc biệt là mời thêm ba đồng chí đàn anh là: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Văn Nguyễn và Bùi Công Trừng cùng dự.

Đây là những cây lý luận và văn chương.

Hội nghị Chợ Đệm tháng 8/1945: Ba lần họp Xứ ủy Nam Bộ Giáo sư Trần Văn Giàu ảnh 2

Nhìn lại Tổng khởi nghĩa năm 1945 tại Sài Gòn – Gia Định sau 71 năm

Tuy là khách mời nhưng hội nghị nhất trí để các đồng chí chẳng những có quyền thảo luận mà còn được quyền biểu quyết.

Chập tối ngày 16, anh em ngồi trên đệm trải dưới đất, bắt đầu họp.

Tôi báo cáo chủ trương, kế hoạch của Thường vụ và của Ủy ban Khởi nghĩa, đại ý là:

Nay thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, chúng ta đủ sức khởi nghĩa thành công để khi Đồng minh đến, họ đứng trước thực tế là Việt Nam đã độc lập.

Chắc rằng các đồng chí, đồng bào ở Bắc, Trung cũng làm như thế. Ta không sợ lẻ loi, chỉ sợ chậm trễ hay, tệ hơn nữa là vắng mặt trong tổng khởi nghĩa.

Kế hoạch khởi nghĩa đã sẵn sàng, chỉ chờ “bấm nút”, có thể là đêm 17 hoặc đêm 18.

Đề nghị hội nghị cho quyết định và chỉ định Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ. Tình hình khách quan đòi hỏi phải có quyết định dứt khoát, mau lẹ và thành công cầm chắc.

Tôi đại chủ quan, chắc rằng hội nghị sẽ êm xuôi, kết thúc bằng một nồi cháo gà để sáng hôm sau các đại biểu ra về chuẩn bị hành động.

Lúc đầu, mấy anh em chất vấn về tình hình khách quan, về tương quan lực lượng, về các đảng phái và dự đoán biến chuyển của thời cuộc.

Tôi trả lời xuôi chảy, có Bảy Trấn bổ sung đắc lực.

Bất ngờ, một đồng chí được mời đặt câu hỏi: Trong bối cảnh thế giới, trong nước hiện nay, chúng ta có cần khởi nghĩa giành chính quyền không?

Liệu khởi nghĩa có trót lọt không, hay là ta nên tìm một giải pháp khác đỡ nguy hiểm mà về lâu dài thì chắc ăn hơn, tức là không bạo động mà đấu tranh chính trị để đi dần đến độc lập dân chủ.

Lập luận của đồng chí không tán thành khởi nghĩa đại thể như sau:

- Kinh nghiệm thất bại của Công xã Pa-ri 1871 cũng như Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 cho thấy: Khởi nghĩa được nhưng không giữ nổi chính quyền.

Ở nước ta, Đồng minh sẽ vào để giải giáp quân Nhật, có cả Pháp đi theo, họ sẽ tiêu diệt lực lượng cách mạng đã bộc lộ hết khi khởi nghĩa, gây tổn thất nặng cho phong trào, không biết bao giờ mới khôi phục lại nổi.

Có thể thắng Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng làm sao thắng được hai đế quốc lớn như Anh, Pháp?...

Khí thế ngày tổng khởi nghĩa 25/8/1945 tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Khí thế ngày tổng khởi nghĩa 25/8/1945 tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Cũng dễ hiểu là sau đó đã nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi, quyết liệt giữa bên tán thành khởi nghĩa và bên không tán thành khởi nghĩa.

Mãi đến tận khuya. Hội nghị tạm ngừng. Anh em ăn cháo gà, chợp mắt một chút, đến sáng, sau một bình trà đậm, lại tiếp tục tranh luận. Không có gì mới, bên nào cũng giữ vững lập trường của mình.

Bên không tán thành khởi nghĩa đưa ra một lý do lớn: Nếu ta khởi nghĩa ở Nam Bộ (ở Sài Gòn) mà ở Bắc, Trung (Hà Nội, Huế) không có khởi nghĩa thì ta lại bị rơi vào tình thế cuối năm 1940.

Thất bại nặng, bị tiêu diệt, khởi nghĩa địa phương.

Tôi giải thích rằng các đồng chí ở Bắc, Trung cũng như ta ở trong Nam, không thể bỏ qua thời cơ chín muồi.

Hội nghị Chợ Đệm tháng 8/1945: Ba lần họp Xứ ủy Nam Bộ Giáo sư Trần Văn Giàu ảnh 4

Tổng khởi nghĩa Tháng 8/1945 ở các địa phương trong cả nước

Họ chắc chắn lập luận, quyết định như ta, là khởi nghĩa cướp chính quyền. Nếu ở đây ta không làm khởi nghĩa thì còn gì tội lỗi lớn hơn nữa.

Tôi định phá vỡ bế tắc bằng cách nêu ra câu hỏi: Nếu trong mấy ngày này mà Hà Nội khởi nghĩa thì ta sẽ làm gì?

Hưởng ứng bằng khởi nghĩa hay lại phê phán ngoài Bắc phiêu lưu, không nắm vững tình hình, rồi cứ ngồi ngó?

Bên chống khởi nghĩa lúng túng rõ. Số anh em đứng giữa trả lời: Trường hợp đó thì còn do dự gì nữa, phải khởi nghĩa tiếp theo thôi.

Tôi đưa ra kết luận tạm thời, được mọi người đồng ý:

1- Hôm nay chưa quyết định ngày khởi nghĩa, nhưng ta cứ nắm vững quan điểm phải khởi nghĩa.

Tất cả phải hoàn chỉnh sự chuẩn bị lực lượng vũ trang xung phong và động viên đạo quân chính trị.

Nhanh chóng phát triển Mặt trận Việt Minh bao gồm thêm nhiều cánh tả của những tổ chức quốc gia, tôn giáo, đẩy phong trào quần chúng lên mức cao nhất, sẵn sàng khởi nghĩa.

2- Theo dõi từng ngày từng giờ tình hình miền Bắc. Hễ được tin Hà Nội khởi nghĩa thì Sài Gòn và Nam Bộ “bấm nút” khởi nghĩa ngay.

Các thành viên Hội nghị Chợ Đệm phải túc trực ở Sài Gòn và vùng quanh để sẵn sàng họp lại.

3- Trong lúc chờ đợi tình thế cách mạng cho phép thì Việt Minh và Đảng Cộng sản ra hoạt động công khai.

Thanh niên Tiền phong - Ban Xí nghiệp lấy lại tên Tổng công đoàn, làm thành viên độc lập của Việt Minh.

Thanh niên Tiền phong và Tân Dân chủ đoàn chính thức tuyên bố là thành viên Mặt trận.

Các đảng bộ toàn Nam Bộ sẵn sàng chờ lệnh khởi nghĩa. Hội nghị Chợ Đệm lần thứ nhất tạm ngưng.

Hội nghị Chợ Đệm lần thứ hai và lần thứ ba

Sau Hội nghị Chợ Đệm lần thứ nhất, phong trào quần chúng phát triển thuận lợi.

Từ sáng ngày 18, người ta thấy trước nhà bác sĩ Phạm Ngọc Thạch treo cờ đỏ búa liềm.

Ông thủ lĩnh nổi tiếng của Thanh niên Tiền phong hăng hái làm một chuyện “đã rồi” trước lễ tuyên thệ lần thứ hai, tập hợp trên 5 vạn Thanh niên Tiền phong ở vườn Ông Thượng sáng 18/8/1945.

Hội nghị Chợ Đệm tháng 8/1945: Ba lần họp Xứ ủy Nam Bộ Giáo sư Trần Văn Giàu ảnh 5

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời

Tôi phê bình ổng, ổng cười trừ, chẳng lẽ treo rồi lại hạ xuống!

Cùng lúc, nhà hàng Anh Long - cơ quan liên lạc của Thành ủy Sài Gòn cũng treo cờ đỏ sao vàng. Các sự kiện này gây tiếng dội hết sức mạnh trong thành phố.

Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản tổ chức hai cuộc mít tinh buổi tối để ra công khai và động viên lực lượng quần chúng tại rạp hát Nguyễn Văn Hảo (nay là rạp Công Nhân đường Trần Hưng Đạo-PV).

Tổng công đoàn, Thanh niên Tiền phong, Tân Dân chủ đoàn đều tuyên bố là thành viên chính thức của Việt Minh.

Lực lượng thân Nhật tập hợp lại trong “Mặt trận Quốc gia thống nhất” ra tuyên ngôn, tổ chức biểu tình gần cả chục vạn người, nhưng vẫn hoang mang cực độ.

Cuối cùng họ đồng ý hợp tác với Việt minh dưới ba khẩu hiệu: Việt Nam hoàn toàn độc lập; Chánh thể Dân chủ Cộng hòa; Chánh quyền về Việt Minh.

Ở Nam Bộ, một hiện tượng phổ biến lúc đó là “hai chính quyền song song tồn tại”, một bên chính quyền bù nhìn có hình thức rỗng, một bên là Việt Minh có thực quyền.

Từ Hà Nội, tin tức được truyền ra là Việt Minh đã nắm chính quyền từ ngày 19/8/1945. Sáng sớm 21, chúng tôi lại kéo nhau đến Chợ Đệm họp cuộc hội nghị lần thứ hai.

Chắc mẩm lần này hội nghị sẽ thông qua quyết định nhanh chóng, tôi đề nghị:

Đêm 22 khởi nghĩa ở Sài Gòn, sáng 23 biểu tình chính trị vũ trang  khoảng 1 triệu người, hoan nghênh danh sách Ủy ban Hành Chánh Lâm thời Nam Bộ.

Sau đó, các tỉnh khởi nghĩa trong vài ngày theo hình mẫu của Sài Gòn. Nội trong sáng 21, phải xong hội nghị để các đại biểu kịp về địa phương truyền lệnh.

Nào ngờ, bên phản đối lại nêu một ý kiến mới: Đánh ngụy thì dễ nhưng thế nào quân Nhật cũng can thiệp, do bản chất quân phiệt của nó.

Hơn nữa, Anh cũng bắt Nhật phải chống cách mạng.

Ngoài Bắc ra sao không rõ, nhưng trong Nam này, quân Nhật đông lắm, nó can thiệp thì ta thất bại.

Nhiều anh em ngơ ngác!

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nổi nóng: Nói như mấy anh thì chẳng bao giờ có cách mạng hết! Không Pháp thì Nhật, hết Nhật rồi Anh, kiếp nô lệ biết đời nào xong?

Pháp, Nhật cũng có lúc mạnh, lúc yếu. Lúc này khác với hồi 1940.

Nhật thua trận, đầu hàng, mất tinh thần dữ lắm, kêu khóc tuyệt vọng, làm Ha-ra-ki-ri (mổ bụng tự sát-PV), bán vũ khí lấy tiền uống rượu giải sầu, chờ ngày về nước với vợ con.

Sĩ quan cao cấp chờ ngày bị treo cổ. Nhật cũng có hận thù với Mỹ, Anh, Pháp, ghét phương Tây da trắng đã bỏ bom nguyên tử trên đất họ.

Nếu ta làm cách mạng, và thực tế, ta đã, đang làm có hiệu quả, họ sẽ không coi ta là kẻ thù, đừng sợ bị “chém ngang lưng”, ta có thể trung lập hóa họ được.

Hai bên tranh cãi về khả năng Nhật can thiệp nhưng thực tế có gì mà cãi cho ra ăn, ra thua, cãi mãi sẽ không còn thời cơ để khởi nghĩa thắng lợi nữa.

Tôi bèn đề ra một thỏa ước: Giao cho Đảng bộ Tân An làm khởi nghĩa thí điểm, lấy kinh nghiệm đó để bấm nút cho Sài Gòn và các tỉnh.

Chọn Tân An vì đây là vị trí chiến lược phía Tây Nam Sài Gòn. Con đường bộ duy nhất nối liền miền Đông và miền Tây Nam Bộ đi qua Tân An, qua hai cầu Vàm cỏ Đông và Vàm cỏ Tây.

Quân Nhật ở hai miền tất phải nhờ cái lộ 4 và hai cầu Vàm Cỏ.

Ta khởi nghĩa, kiểm soát đường, cầu nhưng vẫn để cho quân Nhật qua lại tự do. Họ sẽ biểu lộ rõ thái độ can thiệp hay không.

Mọi người đều đồng ý.

Các đồng chí lãnh đạo Tân An: Nguyễn Văn Trọng, Lê Minh Xuân xin có đêm 21, ngày 22 để truyền lệnh, tập hợp lực lượng và đêm 22 khởi nghĩa ở thị xã, rồi toàn tỉnh.

Sáng 23 sẽ trở lại báo cáo. Hội nghị phải ngồi chờ tại chỗ.

Chúng tôi ở lại Chợ Đệm để bàn và quyết định danh sách Ủy ban Hành chánh Lâm thời Nam Bộ.

Hướng chung là đưa thêm nhân sĩ, trí thức yêu nước vào.

Anh Thạch và tôi có thương lượng với vài ba bác sĩ, kỹ sư, luật sư có tiếng tăm. Họ đồng ý ủng hộ nhưng không tham gia Ủy ban.

Tôi đề nghị anh Thạch làm chủ tịch, tôi làm phó, nhưng anh Thạch giãy nẩy, viện cớ là nhà anh đã treo cờ búa liềm rồi.

Kế hoạch khởi nghĩa ở Sài Gòn và huy động phối hợp các tỉnh xung quanh tham gia biểu tình chính trị đã được chuẩn bị tỉ mỉ, chỉ chờ “bấm nút”.

Dự kiến đầu hôm 24 phát lệnh; 0 giờ ngày 25 là xong, sáng 25 biểu tình.

Sáng sớm ngày 23, như trông đợi, đoàn đại biểu Tân An lên Chợ Đệm, không phải bằng xe đạp mà đi ô tô treo cờ đỏ sao vàng to tướng.

Từ chiều tối 22, ta đã giành chính quyền ở thị xã, làm chủ Đường 4 và hai cầu. Quân Nhật không can thiệp. Ta đang triển khai khởi nghĩa ra tất cả các quận, xã.

Hội nghị Chợ Đệm lần thứ ba rất ngắn vì còn gì nữa mà cãi?

Trước khi lên yên xe đạp về trụ sở Ủy ban Khởi nghĩa, tôi cùng với Nguyễn Văn Trấn, Dung Văn Phúc (Dương Quang Đông) và vài đồng chí nữa ghé qua nhà lồng ăn một tô cháo lòng Chợ Đệm.

Khỏi phải nói rằng Trấn, Tiểng, Tư đều hết sức phấn khởi khi được phép tiến hành khởi nghĩa...

Theo Quân đội nhân dân