Hôm nay, Chính phủ báo cáo bổ sung với Quốc hội về tình hình biển Đông

10/06/2013 18:38
Ngọc Quang
(GDVN) - Chiều ngày 11/6, Quốc hội sẽ tổ chức một phiên họp riêng để nghe báo cáo tình hình, diễn biến mới về biển Đông. Đây là nội dung mới được bổ sung vào chương trình kỳ họp, trên cơ sở đề nghị của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13.

Mở đầu kỳ họp thứ 5, Chính phủ đã có báo cáo tổng thể về tình hình kinh tế - xã hội trước Quốc hội, trong đó có đề cập: “Độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước được giữ vững. Tiềm lực quốc phòng tiếp tục được củng cố. Tăng cường quản lý biên giới, các hoạt động tuần tra bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển, bảo vệ và cứu nạn ngư dân; chỉ đạo kịp thời, phù hợp, bảo đảm chủ quyền nước ta trên Biển Đông”.

Tuy nhiên, nhiều ĐB Quốc hội tỏ ra rất quan tâm tới tình hình biển Đông, về những công tác thực hiện bảo vệ chủ quyền biển đảo, hỗ trợ ngư dân bám biển… cho rằng báo cáo này của Chính phủ chưa đề cập cụ thể tình hình hiện tại và hướng triển khai trong thời gian tới, mà thông tin còn chung chung.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhiều ĐB Quốc hội đã thẳng thắn đề cập tới chủ quyền biển đảo Việt Nam, đặc biệt là nhấn mạnh tới quyền chủ quyền với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

ĐB Dương Trung Quốc bày tỏ: "Chúng ta núi liền núi, sông liền sông, biển liền biển với một nước Trung Hoa đang trỗi dậy, nhưng luôn gợi lại những bài học quá khứ của ông cha ta phải đương đầu. Sự ví von này không ngoài mục đích nhắc nhở rằng, sức khỏe của quốc gia không thể chỉ quan tâm ngắn hạn và một khi không chữa trị sớm thì dễ bùng phát vào cùng một thời điểm mà không lường trước được, đe dọa sự an nguy của quốc gia".

ĐBQH Dương Trung Quốc.
ĐBQH Dương Trung Quốc.

ĐB Dương Trung Quốc đã chuyển lời của những người làm công tác sử học tới Chính phủ: “Sang năm vừa đúng 40 năm Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam (1974) và 35 năm cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), Chính phủ nên chỉ đạo sinh hoạt chính trị thế nào để ghi nhận lịch sử dân tộc một bài học sâu sắc về chiến tranh, cũng là bài học về hòa bình. Chỉ có thấm nhuần những bài học về lịch sử thì mới bảo vệ vững chắc được chủ quyền và giữ gìn hòa hiếu lâu bền với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.

ĐB Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa) cho hay, đã qua nhiều kỳ họp Quốc hội, cử tri luôn luôn quan tâm đặc biệt tới tình hình biển Đông và nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Ông đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong thời gian qua nhằm đảm bảo giữ môi trường hòa bình, ổn định cùng với bảo vệ được chủ quyền biển đảo. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp an ninh trên biển thời gian gần đây, ĐB Lê Nam đề nghị:

Thứ nhất, Chính phủ cần phải một mặt thông tin kịp thời những diễn biến về công tác quản lý bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên biển Đông cho các tầng lớp nhân dân và cán bộ Đảng viên; tăng cường tuyên truyền, phát huy tinh thần yêu nước và củng cố lòng tin của nhân dân vào đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước. Những chủ trương mà Đảng và Nhà nước ta đang triển khai để nhằm giữ vững chủ quyền trên biển Đông.

Thứ hai, cần có cơ chế chính sách, giải pháp thiết thực, có nhiều hình thức tháo gỡ khó khăn, trợ giúp vốn liếng, kỹ thuật để đảm bảo hoạt động đánh bắt bình thường của hơn 4 triệu ngư dân trên các vùng biển thân yêu của đất nước. 
Nơi đây, hàng nghìn đời những người con đất Việt kế tiếp lao động, sản xuất mưu sinh. Đây là một chủ trương phải được ưu tiên và có giải pháp quyết sách đồng bộ, cùng với việc tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển, nhất là thăm dò khai thác dầu khí .  
“Thực trạng đối với ngư dân của chúng ta hiện nay thấy rằng có rất nhiều khó khăn, tàu bè phương tiện thì nhỏ bé, cách thức khai thác thì lạc hậu, sự liên kết của ngư dân trên biển không cao, chính sách của Nhà nước hỗ trợ giúp đỡ ngư dân cũng chưa được bao nhiêu… Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sẽ có những chính sách đặc biệt để tạo điều kiện cho ngư dân bám biển”, ĐB Nam bày tỏ.

ĐB Quốc hội Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa).
ĐB Quốc hội Lê Nam (tỉnh Thanh Hóa).
Thứ ba, tiếp tục tăng cường sức mạnh quốc phòng và khả năng chiến đấu cho lực lượng vũ trang, dứt khoát không để bị động, bất ngờ. 
Cần chăm lo tới lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, bộ đội biên phòng… để duy trì được hiệu lực của luật pháp trên biển; tiếp tục củng cố các cơ sở pháp lý về chủ quyền, quyền chủ quyền của biển đảo Việt Nam để thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó cũng cần tăng cường đối thoái, tăng cường xây dựng các quan hệ láng giềng hữu nghị, phát huy các nhân tố tích cực trong quan hệ quốc tế để giữ gìn sự ổn định trên biển Đông. ĐB Nam nhấn mạnh: “Dĩ bất biến ứng vạn biến là phương trâm cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đã luôn được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam tiếp thu, ứng xử và có những quyết sách đúng đắn. Chủ quyền thiêng liêng trên biển Đông là sự bất biến, không thể nhân nhượng, không thể thay đổi”.
Ngọc Quang