Hơn 10.000 người trong "Lực lượng 47" đang làm gì trên mạng?

26/12/2017 06:39
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - Hiện Lực lượng 47 có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có kỹ năng sử dụng công nghệ cao

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/12, cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng đã được đề cập nhiều lần.

Hơn 10.000 hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng mới 20 năm kể từ khi nước ta bước vào thế giới của mạng internet, Việt Nam đã là một quốc gia phát triển nhanh, đến nay có 62,7% người dân sử dụng internet.

"Sự phát triển này có hai mặt. Ở mặt trái, các thế lực lợi dụng internet để chống phá. Nội dung chống phá không thay đổi, nhưng lực lượng, phương tiện, thủ đoạn, công nghệ thì rất mới", Thượng tướng nói.

Thượng tướng cho biết Quân ủy trung ương xác định bảo vệ Tổ quốc thì quân đội vẫn là nòng cốt, tác chiến bây giờ không chỉ trên bộ, trên biển, trên không nữa mà có tác chiến trên cả không gian mạng, thậm chí tác chiến trên vũ trụ.

"Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng", phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị nói.

"Có người hỏi tôi thông tin này có thể công khai không. Tôi thấy các thế lực và nước khác cũng đang tuyên bố là đang có cuộc chiến tranh trên không gian mạng thực sự. Nên chúng ta hàng giờ, hàng phút, hàng giây phải sẵn sàng chủ động tác chiến, đấu tranh với các quan điểm sai trái".

Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - trình bày tại hội nghị ngày 25/12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam - trình bày tại hội nghị ngày 25/12 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết hiện lực lượng này (gọi là lực lượng 47 - theo Chỉ thị 47) đã có hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, "vừa hồng vừa chuyên", kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao thực hiện nhiệm vụ.

Xuất hiện các biểu hiện "an ninh phi truyền thống"

Cũng phát biểu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an - cho rằng hiện nay các vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống đều đã xuất hiện ở Việt Nam dưới dạng này hay dạng khác.

Nói về tình hình tội phạm xuyên quốc gia, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành lấy ví dụ tỉ lệ người Việt phạm tội ở Nhật Bản tăng lên. 

Bộ Công an điều tra thì thấy xuất hiện những nhóm người nước ngoài ở Nhật, phối hợp với một số tổ chức ở Việt Nam đưa người sang Nhật đào tạo, lao động với nhiều lời hứa hẹn. Nhưng sang tới nơi không có việc làm, dẫn tới phạm tội…

Một ví dụ khác là nạn buôn người sang các nước Trung Đông. Ông Thành kể khi sang Dubai (Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất), đến đại sứ quán đã thấy có người Việt đứng khóc vì bị lừa bán, ông phải chỉ đạo xử lý ngay.

Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - thứ trưởng Bộ Công an - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - thứ trưởng Bộ Công an - phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị sau đó, ông Trần Quốc Vượng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên thường trực Ban Bí thư - nhận định cuộc đấu tranh trên không gian mạng là vấn đề khó khăn phức tạp không chỉ riêng ở Việt Nam.

"Vấn đề có quyết tâm, quan tâm và đầu tư không. Người ta đặt câu hỏi là một lực lượng làm công tác tuyên giáo hùng hậu như thế này, chúng ta có tới 800 tờ báo cách mạng, vậy mà chúng ta lại chịu thua trên mặt trận này? Đây thực sự là một thách thức", ông Vượng nói.

Công tác tuyên giáo Thành phố Hồ Chí Minh phải luôn đi trước một bước

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Những thách thức và nguy cơ về công tác tư tưởng mà Thành phố phải đối diện rất gay gắt hơn nơi nào hết và hơn bao giờ hết. Điều đó đòi hỏi công tác tuyên giáo Thành phố phải luôn đổi mới, luôn đi trước một bước".

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Nhân, Thành phố Hồ Chí Minh có một Đảng bộ với hơn 220.000 đảng viên, là nơi tập hợp đông đảo các giới đồng bào, văn nghệ sĩ, trí thức, phóng viên, người lao động, sinh viên... cả nước tụ về, và luôn là nơi trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch.

"Nhiệm vụ phía trước của Đảng bộ Thành phố là tiếp tục lãnh đạo thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh", ông Nhân nói.

"Để biến thời cơ thành động lực, hiện thực cách mạng mới cần có sự tự tin, quyết tâm đổi mới cao độ, sự đồng thuận trước hết trong cấp ủy, bộ máy chính quyền, các doanh nghiệp, nhà khoa học, thanh niên, và cần sự ổn định chính trị".

Theo Tuổi Trẻ