Việt Nam không liên kết với quốc gia này chống lại quốc gia khác

Hơn 30 cuộc ngoại giao, Trung Quốc vẫn chưa chịu rút giàn khoan

30/05/2014 07:03
Ngọc Quang
(GDVN) - Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước.
Trước sự ngang ngược của Trung Quốc, Việt Nam vẫn hết sức kiềm chế, bày tỏ mọi thiện chí, sử dụng mọi kênh đối thoại. Cho đến nay đã có hơn 30 cuộc giao thiệp với các cấp khác nhau của Trung Quốc để phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các tàu vũ trang, tàu quân sự ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nguy hiểm và nghiêm trọng hơn.

Các tàu hộ tống bảo vệ giàn khoan của Trung Quốc đã rất hung hăng bắn vòi nước có cường độ mạnh và đâm húc thẳng vào các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết: “Thủ tướng chỉ đạo là phải làm thế nào đưa thông tin ra nước ngoài, tuyên truyền để nhân dân Trung Quốc và bạn bè thế giới hiểu được sự thật. Có nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài cũng đã bày tỏ thái độ không hài lòng với những việc làm vừa qua của lãnh đạo Trung Quốc”.

Trung Quốc vẫn ngang ngược, chưa chịu rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.
Trung Quốc vẫn ngang ngược, chưa chịu rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Những ngày qua, dư luận Việt Nam và quốc tế cũng đặt ra câu hỏi: Liệu Việt Nam có nên liên kết với một nước khác để chống lại sự xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc? Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia cho biết: “Việt Nam thi hành chính sách độc lập, tự chủ, không liên minh liên kết với quốc gia này chống lại quốc gia kia. Vì vậy ngay cả khi phải sử dụng các biện pháp pháp lý, chúng ta cũng không có sự phối hợp với bên thứ hai”.

Cũng theo ông Hải, ngay trong lĩnh vực đấu tranh pháp lý cũng rất phức tạp, có nhiều

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Lãnh đạo Việt Nam sẽ cân nhắc và quyết định sử dụng các biện pháp pháp lý theo luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng và lợi ích chính đáng của mình”.

hình thức đấu tranh khác nhau và tòa án cũng nhiều, thí dụ: Tòa án công lý quốc tế; Tòa án trọng tài; Tòa án luật biển. Hình thức cũng có rất nhiều như: kiện riêng hay tham gia vào một vụ kiện nào đấy.

“Chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu để tìm được phương án tối ưu nhất, dù bằng hình thức này hay hình thức khác thì cũng là nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của đất nước”, ông Hải khẳng định.

Kinh tế Việt Nam không lệ thuộc Trung Quốc

Trước tình hình căng thẳng trên, thời gian qua có những ý kiến lo ngại nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực từ Trung Quốc.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chia sẻ, tại buổi họp của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Trong thời đại toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng, lại đều là thành viên của WTO và các hiệp định hợp tác kinh tế khu vực; là hai nước láng giềng có nền kinh tế đang phát triển, đặc biệt Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nên hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư bình đẳng, cùng có lợi.

Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đồng thời mở rộng thị trường, đàm phán và tham gia nhiều khuôn khổ hợp tác mới, trong đó có nhiều hiệp định thương mại tự do với các đối tác lớn trên tế giới. Việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các đối tác trên thế giới nhằm giảm rủi ro, lệ thuộc của Việt Nam vào một thị trường nhất định, giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, bền vững.

Tại buổi họp báo Chính phủ, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương đã giải tỏa nhiều lo lắng khi khẳng định, các hoạt động kinh doanh giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua hoàn toàn bình thường. Xuất nhập khẩu vẫn đang tăng trưởng tốt, đặc biệt là hai nhóm hàng quan trọng là nông lâm sản và công nghiệp chế biến tăng trưởng ở mức cao.

“Không phải đến bây giờ có sự việc này thì Đảng và Chính phủ mới tính đến các biện pháp tránh việc phải lệ thuộc vào một thị trường. Có một vấn đề là chúng ta nói rất nhiều, xuất siêu sang Trung Quốc 13 tỷ USD nhưng nhập siêu lên tới 30 tỷ USD. Để điều chỉnh thì chúng ta phải tăng xuất khẩu hoặc giảm nhập khẩu. Nhưng chúng ta nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là các mặt hàng để phục vụ sản xuất, sau đó lại xuất khẩu sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... 4 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu đã tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng ta cũng đã tính tới các thị trường khác và đang phát triển tốt”, ông Hải khẳng định.

Ngọc Quang