Hơn 50 học sinh thất học 1 năm vì phụ huynh phản đối sáp nhập trường

11/09/2014 06:41
Xuân Hòa
(GDVN) - Chỉ vì phụ huynh phản đối việc sáp nhập trường mà hơn 53 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 của xã Quang Sơn, Đô Lương, Nghệ An phải nghỉ học.

Không cho con đến trường để phản đối quyết định sáp nhập trường

Phản đối việc ngành chức năng ra quyết định xóa bỏ điểm trường lẻ tiểu học Văn Hà để sáp nhập vào điểm trường chính nên hàng chục hộ gia đình có con em đang độ tuổi đến trường từ lớp 1 đến lớp 3 của các xóm 8, xóm 9, xóm 10 ( thuộc khối Văn Hà, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương) đã cho con em mình nghỉ học hơn 1 năm nay. 

Điểm trường Văn Hà gồm 4 phòng học cấp 4, trong đó có 3 phòng học với đầy đủ bàn ghế, bảng là nơi học tập của các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 của khối Văn Hà. Mặc dù đã đưa vào hoạt động khá lâu nhưng do được xây dựng bằng gạch, ngói  kiên cố nên đến nay điểm trường này vẫn sử dụng để dạy và học tốt.

Những em học sinh tiểu học khối Văn Hà đứng trước cổng điểm trường của khối vì không được bố mẹ cho đến trường
Những em học sinh tiểu học khối Văn Hà đứng trước cổng điểm trường của khối vì không được bố mẹ cho đến trường

Theo nhiều người dân cho biết, nguyên nhân chính là do vào đầu năm học 2013 - 2014, cơ quan chức năng đã quyết định xóa bỏ điểm trường lẻ Văn Hà để sáp nhập về trường chính của xã Quang Sơn mà  không thông qua ý kiến của người dân, dẫn đến người dân đã bức xúc phản đối. Theo người dân có con em học tại điểm trường lẻ này thì cần tiếp tục để con em họ tiếp tục được học tại điểm trường này. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng vẫn không thống nhất quan điểm này mà vẫn quyết định chuyển toàn bộ số học sinh tại đây về điểm trường chính.

Để các em học sinh không phải lỡ học theo đúng chương trình nên chính quyền, đoàn thể của cấp, ngành địa phương đã nhiều lần đi tuyên truyền vận động. Nhưng kết quả cuối cùng các phụ huynh vẫn không đồng ý nên hơn 53 em học sinh từ lớp 1 đến 3 của khối Văn Hà đã phải nghỉ học suốt 1 năm qua. Không những vậy sang đến năm học mới 2014 - 2015 có 27 cháu tại các xóm trên đã đến tuổi vào lớp 1 cũng có nguy cơ không được đến trường. Bởi người dân cho rằng nếu không cho con họ học ở điểm trường cũ thì sẽ không chở con mình đi học.

Theo cô Đặng Thị Hương – Giáo viên mần non tại điểm trường Văn Hà cho biết, để phản đối quyết định sáp nhập trường của học sinh bậc tiểu học nên các phụ huynh tại đây cũng không cho con mình trong độ tuổi mầm non đến trường. Hiện tại cả khối Văn Hà có 65 cháu đã đến tuổi đi học mầm non nhưng chỉ có 6 đến 8 cháu được đến trường.

Các phòng học tại điểm trường lẽ vẫn đầy đủ trang thiết bị dạy học và các phòng học vẫn đang còn tốt nhưng để trống trong khi hơn 53 em học sinh phải nghỉ học vì phụ huynh phản đối việc sáp nhập điểm trường này về điểm trường chính
Các phòng học tại điểm trường lẽ vẫn đầy đủ trang thiết bị dạy học và các phòng học vẫn đang còn tốt nhưng để trống trong khi hơn 53 em học sinh phải nghỉ học vì phụ huynh phản đối việc sáp nhập điểm trường này về điểm trường chính

“ Việc này xuất phát từ việc phụ huynh phản đối việc sáp nhập của bậc tiểu học và chỉ mới xuất phát  từ năm 2013 đến nay. Còn trước đó các phụ huynh vẫn cho các cháu đến tuổi đến trường theo đúng quy định, độ tuổi. Chúng tôi đã nhiều lần vận động nhưng không thành công”, cô Hương cho biết.

Theo các phụ huynh tại khối Văn Hà thì từ điểm lẻ Văn Hà đến điểm chính nơi gần nhất cũng có chiều dài hơn 2km, nơi xa phải hơn 3km. Trong khi đó lứa tuổi học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 các em còn quá nhỏ không thể tự đi lại. Người dân ở khối Văn Hà chủ yếu làm nông nghiệp thời gian rảnh rỗi cũng không có nhiều. Đường lên điểm trường chính khó đi, nhất là về mùa lũ lụt thường bị ngập cản trở việc đi lại nên chuyển các em lên điểm trường chính học là không phù hợp. Từ những lập luận đó nên họ kiên quyết không cho con em mình đến trường để phản đối chính sách trên của địa phương.

Việc sáp nhập liệu đã hợp lý hay chưa?

Sau khi nắm bắt được thông tin từ phía người dân chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Lê Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn. Theo ông Vĩnh thì không có chuyện chính quyền không họp bàn với người dân trước khi xóa bỏ điểm trường Văn Hà.

Ông Vĩnh khẳng định: “ Chúng tôi đã làm đúng qui trình và thông qua dân trước khi thực hiện. Theo đó, bằng hình thức tiếp xúc cử tri và thông báo chủ trương. Tại các cuộc tiếp xúc, đã có ý kiến cử tri thắc mắc, phản đối và đã được giải thích”.

Đường từ các xóm thuộc khối Văn Hà đến điểm trường chính đều xa hơn 2km và nhiều ổ gà, ổ trâu khi trời mưa thành những vũng nước lớn rất khó đi lại
Đường từ các xóm thuộc khối Văn Hà đến điểm trường chính đều xa hơn 2km và nhiều ổ gà, ổ trâu khi trời mưa thành những vũng nước lớn rất khó đi lại

Về việc người dân phản đối vì cho rằng từ nhà đến điểm trường chính đường xa, lũ lụt việc đưa đón con em sẽ ảnh hưởng đến công việc thì ông Vĩnh cũng thừa nhận các phụ huynh nêu vậy là có cơ sở. Nhưng ông Vĩnh cũng lập luận lại rằng, nếu trời mưa lụt thì nhà trường sẽ cho học sinh nghỉ và tổ chức dạy bù. Việc học ở điểm trường chính sẽ có điều kiện cơ sở vật chất tốt hơn và đường sá thì huyện đang đầu tư. Việc học ở điểm trường lẻ sẽ không đảm bảo sĩ số và tập trung các em về học tại một điểm trường chính sẽ tạo điều kiện để trường được công nhận chuẩn Quốc gia giai đoạn 2.

Theo nhiều phụ huynh thì để quyết tâm đưa các em đến trường thì chính quyền xã Quang Sơn đã không giao dịch hành chính đối với những hộ dân không cho con em đến trường, phê vào hồ sơ một số người là “không chấp hành chủ trương của địa phương”. Không những vậy giữa năm học 2013 – 2014 chính quyền đã huy động lực lượng để tháo dỡ điểm trường Văn Hà nhưng bị người dân tập trung phản đối nên không thực hiện được.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND xã Quang Sơn nói: “Các giao dịch khác chúng tôi vẫn tiến hành bình thường theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Chỉ có hồ sơ vay vốn ngân hàng là chúng tôi có xác nhận tình trạng nợ của các hộ, còn cho vay hay không là quyền của ngân hàng”.

Chỉ một đoạn ngắn này được rải đá dăm nhưng cũng chư được lu nén nên đá lởm chởm rất khó đi lại
Chỉ một đoạn ngắn này được rải đá dăm nhưng cũng chư được lu nén nên đá lởm chởm rất khó đi lại

Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể huyện Đô Lương và xã Quang Sơn đã huy động hệ thống chính quyền để thực hiện chủ trương sáp nhập trường. Tuy nhiên, công an xã Quang Sơn và công an huyện Đô Lương lại triệu tập nhiều người dân tại khối Văn Hà lên gọi hỏi, điều tra về việc người dân treo, cầm băng rôn, khẩu hiệu, mặc dù không có nội dung chống đối hay tiêu cực. Điển hình như bà Trần Thị Sáu (xóm 9) bị triệu tập 4 lần; chị Nguyễn Thị Hoa (xóm 10) bị triệu tập 5 lần; chị Phạm Thị Minh và chồng là Nguyễn Quý Dần (xóm 8) bị triệu tập 6 lần….

Nhưng người dân cho rằng mình không vi phạm pháp luật và quy định nào của nhà nước nên đã không lên trình diện khi được triệu tập. Về vấn đề này ông Lê Văn Thủy - Trưởng công an xã Quang Sơn cũng thừa nhận là có việc trên.

Hai thầy giáo Nguyễn Hàm Bắc và Nguyễn Hàm Hành có lên hát góp vui cho các cháu thiếu nhi trong đêm Trung thu 2013 đã bị Phòng Giáo dục và Phòng Nội vụ huyện Đô Lương mời lên làm việc, phải viết bản kiểm điểm và bị công an về điều tra. Về việc này ông Nguyễn Tất Tây - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đô Lương giải thích làm như vậy là để “chấn chỉnh, nhắc nhở giáo viên thực hiện đúng chủ trương”.

Nhưng phải chăng vì quá nóng lòng đưa Trường tiểu học Quang Sơn thành trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2 mà chính quyền và các đơn vị chức năng địa phương xã Quang Sơn và huyện Đô Lương đã đặt lợi ích này lên trước vấn đề thất học của hàng chục học sinh. Bởi theo quan sát của phóng viên từ các xóm thuộc khối Văn Hà lên điểm trường chính có độ dài nơi gần cũng trên 2km, nơi xa phải hơn 3km. Con đường đi từ khối Văn Hà về điểm trường chính hiện vẫn gồ gề và khó đi, nhiều vũng nước nằm giữa mặt đường tạo thành những vũng lầy . Có một đoạn đường ngắn đã được đổ đá nhưng không được thi công mà vẫn để lởm chởm đá rất khó đi. Còn về lí do không đảm bảo sĩ số lớp học như ông Vĩnh đưa ra là không thuyết phục bởi vì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ qui định sĩ số tối đa, không qui định số học sinh tối thiểu của một lớp học. Bên cạnh đó việc các cháu còn nhỏ nhưng đến nay tại trường chính tiểu học xã Quang Sơn vẫn chưa có chế độ ăn bán trú.

Ngoài ra theo quy định tại khoản b, điều 45 - Điều lệ trường tiểu học (Ban hành kèm theo văn bản hợp nhất Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 và Thông tư số 50/2012/TT-BGDĐT ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) có quy định rõ về khoảng cách từ nơi ở của các học sinh đến trường học cụ thể như sau: “Đối với khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu công nghiệp, khu tái định cư không quá 500m; đối với khu vực ngoại thành, nông thôn không quá 1km; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không quá 2km”. Như vậy, cư dân khối Văn Hà thuộc diện nông thôn thì việc xóa điểm trường lẻ khối Văn Hà là trái với Điều lệ trường tiểu học.

Biết rằng việc đưa các em học tập trung và đến một cơ sở khang trang hơn là điều nên làm. Việc người dân phản đối không cho con họ đến trường là sai bởi các em không có tội, cái đó là quyền lợi của các em được hưởng. Nhưng nếu thời điểm để sáp nhập chưa thực sự hợp lý thì có nên làm hay không? Bởi ở đây nó không chỉ ảnh hưởng đến việc học của một vài em học sinh mà có đến hơn 50 em học sinh và hàng trăm hộ gia đình. Nếu chỉ vì vài mục tiêu nhỏ cần đạt được thì cần xem xét lại để giữa chính quyền và người dân có tiếng nói chung không làm ảnh hưởng đến việc học của các em học sinh.

Nếu hợp lý chắc rằng người dân sẽ thực hiện đúng quy định và chủ trương của chính quyền. Chắc rằng các phụ huynh ở vùng hiếu học như Quang Sơn cũng không muốn con em của mình phải lưu ban, thất học như hiện nay. Mong rằng ngành giáo dục và chính quyền tỉnh Nghệ An sớm quan tâm đến vấn đề trên để có cách xử lý thấu đáo cho hàng chục em học sinh đang phải nghỉ học tiếp tục được đến trường.

Xuân Hòa