Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – vị Đại tướng ham học và trọng dụng nhân tài

23/09/2018 06:56
Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY
(GDVN) - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng kỳ tài gồm đủ đức tài trọn vẹn. Ông là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, một nhà quân sự thiên tài.

LTS: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một vị Đại tướng ham học, quan tâm đào tạo và trọng dụng nhân tài, trong bài viết lần này, Đại tá Đặng Việt Thủy đã có những chia sẻ sâu sắc về vị hùng dân tộc vĩ đại này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, nhà quân sự kiệt xuất, Anh hùng dân tộc, Quốc công Tiết chế thời nhà Trần.

Ông không chỉ là một nhà quân sự thiên tài, có đạo đức trong sáng, nêu gương trung quân, đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của gia tộc và bản thân, nêu gương trung quân, mà còn là một vị vương gia ham học, quan tâm đến việc trọng dụng và đào tạo nhân tài cho đất nước.

Trần Quốc Tuấn là con của An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Liễu là anh ruột vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh).

Công chúa Thụy Bà, em ruột Trần Liễu, đã đem ông về nuôi như con; lớn lên mặt mũi khôi ngô, thông minh hơn người, văn võ đều giỏi, lại có lòng yêu dân, yêu nước sâu sắc.

Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa trên: bienphong.com.vn).
Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (Ảnh minh họa trên: bienphong.com.vn).

Năm 1258, quân Mông Cổ tiến vào nước ta, ông được vua Trần Thái Tông cử làm Tiết chế, chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Sau chiến thắng đầu tiên, triều đình nhà Trần rất tin tưởng vào khả năng quân sự của ông.

Năm 1284, nhà Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, Trần Quốc Tuấn lại được cử làm Tiết chế Quốc công, thống lĩnh các lực lượng quân sự, lãnh đạo cuộc kháng chiến.

Ông đã tiến hành cuộc tổng duyệt binh ở bến Đông Bộ Đầu (Bắc Hà Nội ngày nay), các vương hầu đều đưa quân đến dự.

Trong cuộc tổng duyệt binh này, ông đã đọc bài "Hịch tướng sĩ" nổi tiếng, nói lên quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của mình, khích lệ lòng yêu nước của quân sĩ, cổ vũ họ xông vào cuộc chiến đấu vì nước, vì dân.

Sau đó, ông phân công các tướng đưa quân đi phòng vệ các nơi hiểm yếu. Trong những ngày chuẩn bị, ông cũng góp phần hòa giải mối nghi ngờ trong dòng họ, đoàn kết hơn nữa lực lượng lãnh đạo.

Quân Nguyên tấn công nước ta từ hai phía nam và bắc. Tình thế hết sức nguy ngập, ông buộc phải cho quân ta vừa đánh vừa lui để bảo toàn lực lượng.

Mặt khác cùng hai vua Trần rút về phía nam, kêu gọi nhân dân ở các vùng giặc đi qua, kể cả Kinh thành Thăng Long, thực hiện chiến thuật "vườn không nhà trống".

Thượng hoàng Trần Thánh Tông lo lắng, hỏi ông có nên hàng hay không, Trần Quốc Tuấn đã khẳng khái trả lời: "Bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã, rồi hãy hàng!". Từ đó, hai vua Trần yên tâm cùng ông chỉ đạo cuộc kháng chiến.

Tháng 5/1285, thấy thời cơ đã đến, sau khi bàn bạc cẩn thận, ông ra lệnh tổng phản công. Quân sĩ và nhân dân cùng phối hợp đánh cho giặc Nguyên tan tành ở các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.

Năm 1288, vua Nguyên cho quân tướng tiến sang đánh trả thù. Vua Trần hỏi ông: "Năm nay thế giặc ra sao?", ông đáp: "Năm nay giặc đến dễ đánh". Nắm được chỗ mạnh và chỗ yếu của giặc, ông quyết định giáng cho chúng một đòn quyết định. Chiến dịch Bạch Đằng được chuẩn bị.

(Ảnh minh họa: news.zing.vn).
(Ảnh minh họa: news.zing.vn).

Tháng 4/1288, toàn bộ lực lượng thủy quân của giặc do Ô Mã Nhi chỉ huy đã bị tiêu diệt trên sông Bạch Đằng. Bộ binh của chúng bị truy đuổi đến tận biên giới.

Thất bại nặng nề trong cuộc xâm lược lần thứ ba đã buộc nhà Nguyên phải từ bỏ mưu đồ xâm chiếm nước ta. Trần Quốc Tuấn được vua Trần phong tước Đại vương.

Không ham phú quý, danh vọng và quyền hành, ông xin về thái ấp Vạn Kiếp sống những năm tháng cuối đời tuy không lúc nào quên việc phòng thủ đất nước.

Từ nhỏ, Trần Quốc Tuấn đã tỏ rõ là một người hiếu học. Ở thời Lý - Trần, những người thuộc tầng lớp đại quý tộc như Trần Quốc Tuấn thường được hưởng những đặc quyền đặc lợi của xã hội ngay từ khi họ mới ra đời.

Họ được phong cấp thái ấp, lớn lên được phong tước vương, tước hầu, có thể giữ những trọng trách của triều đình nếu như họ muốn.

Những người thuộc một tầng lớp như vậy rất dễ sa vào cảnh "Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú ruộng vườn, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước; hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát" như Trần Quốc Tuấn đã viết trong bài "Hịch tướng sĩ".

Nhưng đối với ông, ngay từ nhỏ Trần Quốc Tuấn rất ham học. Ông đã đọc rất nhiều các sách thao lược quân sự của Trung Quốc, nghiền ngẫm Binh pháp Tôn tử của Tôn Vũ và nghiên cứu phép dùng binh của Ngô Khởi...

Với bài Hịch tướng sĩ, một áng thiên cổ hùng văn, Trần Quốc Tuấn đã tỏ ra là người có tài về văn học và rất am hiểu lịch sử Trung Quốc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên, Hịch tướng sĩ là cái mốc đánh dấu cuộc chuyển biến tư tưởng - một tiền đề dẫn đến mọi chiến công mà người khởi xướng là Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – vị Đại tướng ham học và trọng dụng nhân tài ảnh 3Nhìn lại trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288

Trần Quốc Tuấn đã soạn ra sách Binh thư yếu lược để giáo dục, huấn luyện cho các tướng sĩ phép dùng binh.

Sách vừa tổng kết binh pháp, vừa chú ý đến việc thực hành với sự vận dụng những tư tưởng quân sự cho phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Điều ông răn dạy người làm tướng là: "... Tướng mà gần người hiền, tiến người tài, ngày thường cẩn thận, rộng rãi, giỏi việc dẹp loạn, đó là tướng chỉ huy được mười vạn người.

Tướng mà dùng nhân ái đối với kẻ dưới, lấy tín nghĩa để phục nước láng giềng, trên biết thiên văn, dưới tường địa lý, giữa biết việc người; coi bốn biển như một nhà; đó là tướng chỉ huy được cả thiên hạ không ai địch nổi" (Binh thư yếu lược).

Với Binh thư yếu lược, Trần Quốc Tuấn thực sự trở thành nhà lý luận quân sự xuất sắc đầu tiên của nước ta.

Sau ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông - Nguyên, Trần Quốc Tuấn đã tập hợp kinh nghiệm về phép dùng binh của mình mà soạn ra bộ sách Vạn Kiếp tông bí truyền thư.

Với hai bộ sách lớn này đã nói lên tinh thần ham học hỏi, cần cù lao động sáng tạo của Trần Quốc Tuấn.

Ngay cả khi đã trở thành đệ nhất công thần của triều đình, với chức vị là bậc đại vương của đất nước, ông vẫn chăm lo soạn sách nhằm để lại kinh nghiệm về phép dùng binh cho các thế hệ mai sau.

Binh thư yếu lượcVạn Kiếp tông bí truyền thư là sách gia truyền, đã dạy các tướng lĩnh cầm quân đánh giặc.

Trần Khánh Dư - một tướng giỏi cùng thời đã hết lời khen: Đó là sách "năm hành cảm ứng với nhau, chín cung cân nhắc với nhau, cương và nhu phối hợp với nhau, chẵn và lẻ quanh vòng với nhau, không lẫn âm với dương, thần với sát...".

Những bộ binh thư quan trọng đó, dù đã bị thất lạc hoặc bị đời sau thêm bớt, nhưng không thể phủ nhận sự có mặt và hiệu quả của nó đối với lịch sử quân sự Việt Nam.

Ngoài những tác phẩm đã kể trên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn còn có "Di chúc tâu trình vua". Di chúc của Trần Quốc Tuấn là một bản tổng kết lịch sử hết sức quan trọng, vừa là một kiệt tác lý luận quân sự nổi tiếng, có ý nghĩa vô cùng lớn.

Bên cạnh việc thường xuyên giáo dục tinh thần yêu nước, lòng căm thù giặc sâu sắc cũng như kinh nghiệm chiến đấu cho tướng sĩ, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn còn rất quan tâm đến việc trọng dụng, đào tạo nhân tài.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – vị Đại tướng ham học và trọng dụng nhân tài ảnh 4Danh tướng Trần Khánh Dư với chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288

Ông là người biết dùng người hiền lương và thường tiến cử những người tài giúp nước. Môn khách của ông nhiều người trở nên anh hùng.

Theo các tài liệu, sử sách ghi lại, dưới sự giáo dục, chỉ bảo của Trần Quốc Tuấn, nhiều người đã thành đạt, cống hiến hết mình cho đất nước. Có thể kể đến một số tấm gương tiêu biểu sau:

Dưới sự chỉ bảo, giáo dục của ông, Phạm Ngũ Lão đã lập được nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên, từ một người nông dân "đan sọt làng Phù Ủng" đã trở thành một danh tướng đời Trần.

Phạm Ngũ Lão là người văn võ song toàn, chỉ huy mưu trí, táo bạo. Ông là một vị tướng cầm quân giỏi, bách chiến bách thắng, như nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã nói: "Hễ đánh là thắng, tấn công là chiếm được".

Ông coi quân có kỷ luật, đối đãi tốt với mọi người, đồng cam cộng khổ với binh sĩ. Ông coi của cải như không, tất cả chiến lợi phẩm thu được đều sung vào kho quân, thưởng phạt công bằng, nghiêm minh.

Phạm Ngũ Lão không chỉ có tài năng về quân sự, mà thơ văn của ông cũng đầy cảm xúc chân thành (như bài khóc cha nuôi Trần Hưng Đạo) hoặc phóng khoáng, có chí lớn (như bài Thuật hoài: Hoành giáo giang sơn cáp kỷ thu/ Tam quân tì hổ khí thôn ngưu...).

Phạm Ngũ Lão sau được phong chức Điện súy thượng tướng quân, tước Quan nội hầu, có uy tín rất lớn trong triều và được vua Trần Anh Tông tin yêu cho lập phủ đệ ngay trong vườn cau của triều đình ở kinh thành.

Với sự giúp đỡ của Trần Quốc Tuấn, Trương Hán Siêu đã nổi bật lên là một danh sĩ của thế kỷ XIII.

Hán Siêu là người học giỏi nổi tiếng, được Trần Quốc Tuấn nuôi làm môn khách.

Bài "Phú sông Bạch Đằng" của ông đến nay vẫn còn được lưu truyền. Năm 1363, vua Trần truy phong ông chức Thái phó và cho thờ ở Văn Miếu.

Về hai viên tướng khác là Yết Kiêu và Dã Tượng, vốn là gia nô của Trần Quốc Tuấn.

Hồi thế kỷ XIII, gia nô thường chỉ là người giúp việc, phục vụ trong các gia đình vương hầu quý tộc, thân phận rất nhỏ bé.

Nhưng ở trong gia đình Trần Quốc Tuấn, hai gia nô Yết Kiêu, Dã Tượng đã phát huy được tài năng của mình, trở thành những viên tướng có tài và đã lập được nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết:  

"Hưng Đạo Vương có gia nô tên là Dã Tượng, Yết Kiêu, đối đãi rất hậu. Đến khi quân Nguyên đến, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng thì theo đi. Lúc quan quân thua trận, thuyền quân đều chạy tan, vương muốn đi theo lối chân núi, Dã Tượng nói: "Yết Kiêu chưa thấy đại vương, tất không dời thuyền đi chỗ khác".

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn – vị Đại tướng ham học và trọng dụng nhân tài ảnh 5Trận Đông Bộ Đầu - Chiến công hiển hách của quân dân ta thời nhà Trần

Vương đi ngay đến Bãi Tân, duy có thuyền của Yết Kiêu vẫn còn ở đấy. Vương mừng lắm, nói rằng: "Chim hồng hộc bay được cao là nhờ ở sáu cái lông cánh, nếu không có sáu cái lông cánh ấy thì cũng như chim thường thôi".

Vương nói xong thì thuyền chèo đi, quân kỵ của giặc đuổi theo không kịp. Vương đến Vạn Kiếp, chia quân đóng giữ ở Bắc Giang" (Đại Việt sử ký toàn thư, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội - 1971, trang 56).

Yết Kiêu và Dã Tượng đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung thành đối với chủ, với cấp trên, về dũng khí và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao của người lính.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đánh giá rất đúng về vai trò của họ. Họ thực sự là chỗ dựa tin cậy, là "sáu cái lông cánh" của chim hồng hộc (chim hồng hộc là loài chim bay cao bay xa, dùng để chỉ người có chí lớn).

Nguyễn Địa Lô cũng là gia nô của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Năm 1285, khi đạo quân Nguyên của Toa Đô từ Chiêm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở đấy là Trần Kiện đã hèn nhát bỏ đi đầu hàng. Sự kiện này đã gây cho cuộc kháng chiến lúc bấy giờ những tổn thất rất lớn.

Toa Đô lập tức sai người dẫn Trần Kiện về Yên Kinh (Trung Quốc). Nhưng khi bọn Trần Kiện đến biên giới phía Bắc, các đội dân binh ở đây dưới sự chỉ huy của một số thủ lĩnh kiệt xuất như Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh, đã đón đánh cho tơi bời.

Gia nô của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là Nguyễn Địa Lô cũng có mặt trong cuộc tập kích này. Chính Nguyễn Địa Lô đã bắn chết Trần Kiện.

Ngoài những người kể trên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn còn đào tạo cho nhà Trần nhiều nhân vật có tài văn học hoặc chính trị, quân sự như Trần Thì Kiến, Phạm Lãm, Trịnh Dũ, Ngô Sĩ Thường, Nguyễn Thế Trực...

Trần Quốc Tuấn rất thương yêu binh lính, luôn dặn dò các tướng sĩ phải một lòng "phụ tử chi binh", vì thế các tướng sĩ và quân lính luôn luôn tin tưởng và trung thành với ông, trở thành một đội quân bách thắng.

Các con của ông đều là những danh tướng lập nhiều công trong kháng chiến chống Nguyên. Đó là: Hưng Vũ Vương Trần Quốc Hiển, Hưng Trí Vương Trần Quốc Nghiễn, Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, Hưng Hiến Vương Trần Quốc Uy.

Trần Quốc Tuấn có một người con gái lớn là Trinh Công chúa, Hoàng hậu của vua Trần Nhân Tông, sau được con là vua Trần Anh Tông tôn làm Khâm Từ Bảo Thánh hoàng thái hậu. Bà là người được triều đình và nhân dân rất tôn kính.

Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là một bậc tướng kỳ tài gồm đủ đức tài trọn vẹn. Ông là vị anh hùng dân tộc vĩ đại, một nhà quân sự thiên tài.

Mùa thu năm Canh Tý (1300), Thượng quốc công, Bình Bắc Đại nguyên soái, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn qua đời.

Theo lời dặn, thi hài ông được hỏa táng, thu vào bình đồng và an táng trong vườn An  Lạc, giữa cánh rừng An Sinh ở miền Đông Bắc Tổ quốc.

Triều đình và nhân dân lập đền thờ ông tại Vạn Kiếp (Chí Linh, Hải Dương) và nhiều nơi khác trong cả nước.

Trăm họ kính trọng gọi ông là Hưng Đạo Đại Vương hoặc Đức Thánh Trần.

Tài liệu tham khảo:

- Trần Quốc Tuấn, Hịch tướng sĩ, Nxb Trẻ, TP Hồ Chí Minh - 2000.

- Đại Việt sử ký toàn thư, Tập II, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội - 1971.

- Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Việt Nam - Các nhân vật lịch sử - văn hóa, Cục Bảo vệ an ninh nội bộ và Văn hóa tư tưởng, Hà Nội - 2008.

- Nguyễn Khắc Thuần, Danh tướng Việt Nam, Tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội - 1997.

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Danh nhân quân sự Việt Nam, Tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.

Đại tá ĐẶNG VIỆT THỦY