Hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam từ những gợi mở của Thủ tướng

26/12/2016 12:04
GS Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Địa phương nào và bất cứ ai làm nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi.

LTS: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nguyên Đại biểu Quốc hội Khoá X, XI, XII gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích về một số hướng đi cho nông nghiệp sạch Việt Nam từ những gợi mở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Gần đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu tại Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam: 

“Khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ diễn ra rất quyết liệt trên toàn cầu thì Việt Nam chúng ta có 3 thế mạnh rất quan trọng.

Một là nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, hai là công nghệ thông tin và thứ ba là du lịch…

Phấn đấu sớm đưa Việt Nam thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp”. 

Thủ tướng nêu rõ tầm nhìn, khát vọng xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đa chức năng, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Thủ tướng chỉ đạo rất cụ thể: 

“Phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, không bó hẹp nông nghiệp công nghệ cao theo quy hoạch cũ trước đây. Địa phương nào và bất cứ ai làm nông nghiệp công nghệ cao đều được Chính phủ hỗ trợ tín dụng ưu đãi. 

Chính phủ sẽ tạo một cơ chế mở hoàn toàn cho doanh nghiệp. Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ảnh: Báo Nhân Dân.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ảnh: Báo Nhân Dân.

Tôi chỉ đạo luôn với ngân hàng Nhà nước gói hỗ trợ này phải mở rộng 5 - 7 ngân hàng tham gia để tạo ra cơ chế thị trường minh bạch thông thoáng, chống chỉ định bao cấp để phát sinh chi phí không chính thức”.

Việt Nam nỗ lực phấn đấu vươn lên, từng bước đứng trong nhóm các quốc gia nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, có vị thế quan trọng trong mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. 

Từ nền tảng phát triển nông nghiệp, thúc đẩy nhiều ngành khác như công nghiệp chế biến, thực phẩm, công nghiệp sản xuất máy móc và vật tư đầu vào cho nông nghiệp, phát triển các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng. 

Căn cứ một số đề nghị của Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: 

“Không phải địa phương nào được quy hoạch trong các vùng nông nghiệp công nghệ cao thì mới được phép đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. 

Thay vào đó, cần phải bảo đảm rằng mọi nông dân Việt Nam bất kể vùng miền nào, bất kể quy mô nào, tính chất như thế nào cũng được khuyến khích áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. 

Bởi vì nguyên tắc quan trọng của kinh tế thị trường là cạnh tranh, từ đó, mới nâng cao chất lượng tín dụng, chống tiêu cực, chi phí không chính thức”.

Muốn phát triển, nông nghiệp phải “sạch”

Vấn đề thực phẩm an toàn đang nổi lên hơn lúc nào hết. 

Theo số liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, “trong 5 năm gần đây, mỗi năm Việt Nam chi khoảng nửa tỷ USD để nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật”.

Hàng năm chúng ta đã nhập về tới 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật, có tới 90% nhập từ Trung Quốc. Chúng ta nhập tới 4100 loại khác nhau, thuộc 1643 hoạt chất hoá học (trong khi ở Trung Quốc người ta chỉ cho phép sử dụng 630 hoạt chất mà thôi). 

Nhiều loại hoá chất cấm vẫn được nhập lậu như Phospho hữu cơ, Clo hữu cơ, Wofatox, Monitor, Kelthan…

Hậu quả là ô nhiễm nông sản phẩm, kể cả nông sản phẩm xuất khẩu. Tháng 10/2016, Mỹ trả lại Việt Nam 10.000 tấn gạo do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. 

Tai hại hơn là có tới 35% các trường hợp ung thư có liên quan đến thực phẩm bẩn, nhất là do nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. 

Chúng ta đừng nên quên, bình quân mỗi năm có tới 200.000 ca ung thư mới, trong số này có tới 70.000 bệnh nhân đã tử vong vì căn bệnh nan y này. 

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ảnh: Hồng Thủy.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, ảnh: Hồng Thủy.

Hội các ngành Sinh học Việt Nam đã vận động thành lập các trang trại “Rau bảo đảm” với hai yêu cầu là, trồng rau trong nhà lưới và không sử dụng phân đạm hoá học. 

Trồng trong nhà lưới thì tránh được bướm và không có bướm thì không có sâu. Sử dụng phân hữu cơ thay cho phân đạm hoá học thì tránh được việc tích luỹ nitrit (một yếu tố gây ung thư). 

Nhiều nhà sinh học đang phấn đấu sản xuất thuốc trừ sâu sinh học để có thể phục vụ cho các ruộng rau không có điều kiện lắp lưới.

Việc chăn nuôi cũng cần đổi mới.

Ít ai biết rằng với đàn lợn 28,3 triệu con hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về tổng đàn và thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn.

Nhưng cần phải đảm bảo không được sử dụng các thuốc tạo nạc rất độc hại như Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine, đồng thời cần nâng cao năng suất chăn nuôi. 

Trong khi năng suất thịt lợn ở Việt Nam là 1,7-1,8 tấn /năm thì năng suất này ở Pháp, ở Mỹ là 2,5 tấn và ở Đan Mạch là 3,0-3,2 tấn.

Một vụ lúa, một vụ tôm ở Sóc Trăng thành công là gợi ý cho nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Chúng ta phải đối đầu với biến đổi khí hậu, vì đó là hiện tượng đang đến sớm hơn do với các suy đoán trước đây. 

Từ cuối năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn đã làm mất đi 1 triệu tấn lương thực ở đồng bằng sông Cửu Long và làm cho trên 1 triệu người dân thiếu nước ngọt. 

Đang có nhiều ý kiến phải xem xét lại cơ cấu sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long, nơi có tới 18 triệu dân và đang cung cấp 90% lượng gạo và 60% lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước. 

Theo GS.Võ Tòng Xuân thì: “Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời ngày nay nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua… một cách bền vững hài hòa với thiên nhiên. 

Những vùng theo hệ thống lúa-tôm của Sóc Trăng hiện nay được giàu có nhờ trồng lúa rất thành công trong mùa mưa và sau khi dứt mưa thì cũng vừa gặt lúa xong, liền cho nước mặn vào nuôi tôm. 

Đến mùa mưa tới, nông dân trở lại trồng lúa.

Chúng ta hãy thay đổi tư duy, không buộc nông dân trồng lúa quá nhiều để cho quan lên chức và nuôi dân các nước khác có ăn, để họ làm giàu nhờ sản xuất các sản phẩm giá trị hơn lúa”.

Chúng ta cũng cần xem xét lại cơ cấu xuất khẩu nông sản phẩm. 

Hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam từ những gợi mở của Thủ tướng ảnh 3

Đổi mới toàn diện giáo dục không khó, nếu Bộ biết lắng nghe

(GDVN) - GS. Nguyễn Lân Dũng cho rằng rào cản đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà còn rất nhiều, và nó đến từ chính cơ chế, bộ máy quản lý quan liêu của Bộ

Năm nay lượng gạo xuất khẩu chỉ còn thu được 3,45 tỷ USD, trong khi lượng tôm xuất khẩu thu được tới 2,6 tỷ USD (hy vọng đến các năm 2025-2030 sẽ tăng lên đến 8-10 tỷ USD).

Tất nhiên còn phải đi kèm với những đổi mới về giống tôm sạch bệnh và cho năng suất cao. 

Về rau quả xuất khẩu tiềm năng cũng rất lớn, năm nay đã thu về tới 2 tỷ USD (trong đó riêng về trái cây là 1,7 tỷ USD). Có tới 98,9 % trái cây xuất khẩu thuộc về 10 loại là thanh long, nhãn, dưa hấu, sầu riêng, măng cụt, vải, xoài, dừa, chuối và chanh, trong đó thanh long chiếm đến 49,9 %. 

Sắp tới bơ sẽ tràn ngập Tây Nguyên do với công thức 1000 cây cà phê có 200 cây bơ làm cây che bóng thay cho cây muồng trước đây. 

Tích tụ ruộng đất nông nghiệp để sản xuất lớn, chú trọng các công nghệ mới

Nông nghiệp sẽ thay da đổi thịt khi nông thôn thực hiện tích tụ ruộng đất để tạo nên những cánh đồng mẫu lớn. Chuyện này đã khá phổ biến ở nhiều tỉnh phía Nam nhưng là chuyện mới bắt đầu ở phía Bắc. 

Đáng chú ý là bốn khu Nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hà Nam. Đó là Nhân Khang, Nhân Bình –Xuân Khê (Lý Nhân), An Mỹ-Dông Du (Bình Lục) và Liêm Tiết (TP Phủ Lý).

Khu Nhân Khang đã tích tụ được 23,4 ha (Công ty Cổ phần An Phú Hưng nhận 21,5 ha đang đầu tư sản xuất); khu Xuân Khê 54,4 ha (đã giao cho Công ty VinEco - Tập đoàn Vingroup đầu tư sản xuất); khu Nhân Bình 11,4 ha; khu Liêm Tiết 17,9 ha. 

Tại xã Nhân Khang 200 lao động được đào tạo thành những công nhân nông nghiệp.

Bà con góp đất cùng canh tác để sản xuất hàng hoá nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Riêng tiền cho thuê đất là 21 triệu/ha/năm và có lẽ sang năm trên mỗi ha bình quân sẽ thu được khoảng 3 tỷ đồng. 

Về chính sách đối với các cánh đồng mẫu lớn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: 

“Việc tích tụ ruộng đất là một vấn đề hết sức bức xúc, trói buộc nền nông nghiệp Việt Nam.

Cái nào thuộc về phạm vi của Chính phủ như nghị định, thông tư liên quan chúng tôi sẽ sửa ngay. Những cái thuộc về Quốc hội chúng tôi sẽ trình Quốc hội xem xét”

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thừa nhận: 

“Chính sách đất đai hiện nay cần phải được hoàn thiện thêm một bước nữa theo hướng nới rộng quy định về hạn điền. Tích tụ ruộng đất phải được xem là một hành động hợp quy và hợp pháp. 

Hiện nay đã có chủ trương điều chỉnh theo hướng này và hy vọng sớm được thực hiện. 

Hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam từ những gợi mở của Thủ tướng ảnh 4

GS.Nguyễn Lân Dũng: Muốn kết quả tốt, cả ngành giáo dục phải cố gắng, trung thực

(GDVN) - Đây chỉ là ý kiến cá nhân của tôi trước một đề án lớn, rất mong được nghe thêm ý kiến của các bạn đồng nghiệp.

Ngành nông nghiệp cũng đã xin ý kiến của Chính phủ và được đồng ý về chủ trương sẽ giảm khoảng 700.000 ha diện tích đất lúa so với hiện nay để chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho phù hợp theo tiêu chí giá trị kinh tế cao hơn cây lúa”.

Chúng ta biết rằng với 7,753 triệu ha trồng lúa hiện nay chúng ta đứng thứ 5 trên thế giới và nếu giữ được sản lượng 7,72 triệu tấn thì ta vẫn đứng thứ nhì so với các nước trồng lúa nước trên thế giới. 

Về cây trồng biến đổi gen chúng ta đi hơi chậm so với nhiều nước khác, nhưng Chính phủ đã cho phép đưa vào sản xuất các giống ngô, đậu tương và bông chuyển gen. 

Hiện nay không ai còn lo ngại về tính an toàn của cây chuyển gen khi thấy ngô chuyển gen đã chiếm 90% ở Mỹ, 98% ở Canada, 95% ở Argentina, 81% ở Brazil, và đậu tương chuyển gen đã chiếm 93% ở Mỹ, 98% ở Canada, 100% ở Argentina và 92% ở Brazil.   

Muốn có nền nông nghiệp công nghệ cao chúng ta phải đẩy mạnh việc tạo ra các công nghệ mới và tăng cường việc chuyển giao công nghệ. 

Trong thời gian 2013-2016 các nhà khoa học nước ta đã tạo ra được tới 149 giống cây trồng, vật nuôi đủ tiêu chuẩn áp dụng vào sản xuất. Đồng thời ngành nông nghiệp cũng đã công nhận 65 quy trình công nghệ và 35 tiến bộ kỹ thuật. 

Chương trình tự nguyện đưa tiến bộ KHKT vào hộ nông dân và Chương trình truyền hình Sinh ra từ làng đã thường xuyên giới thiệu những điển hình nông dân biết làm giàu ngay trên mành đất của mình. 

Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà nông sản phẩm của chúng ta đã được xuất ra tới 160 quốc gia và vùng lãnh thổ thu về không dưới 30 tỷ USD.

Với chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ đồng ý sẽ dành ra một gói từ 50.000 - 60.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, tôi tin rằng đang có rất nhiều cơ hội mở ra cho nền nông nghiệp Việt Nam phát triển, sạch và bền vững.

GS Nguyễn Lân Dũng