Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

'Kẻ miệt thị thợ xây như lợn ăn cám sống ở nơi không có con người'

06/11/2012 07:21
Chuyên Đắc
(GDVN) - “Không biết anh này sống ở đâu và làm gì, nhưng tôi đoán được là anh đang sống ở một nơi mà xã hội không tồn tại mà con người thì không có, anh ta được giáo dục ở một môi trường mà không cần phải nói tới nhân tính hay cảm xúc..."
Sự việc một nam thanh niên buông lời miệt thị người thợ xây "húp canh như lợn ăn cám" tiếp tục gây lo lắng, phẫn nộ trong xã hội. Gửi tới báo Giáo dục Việt Nam, độc giả Nguyễn Bá Duy chia sẻ về những kỷ niệm một thời từng đi làm phu hồ: “Tôi là một sinh viên ngành Việt Nam học, tôi thấy ăn như thế là bình thường. Tôi cũng từng đi phụ hồ, đôi khi vì hoàn cảnh tôi còn ăn một cách có thể nói là "nhớp nhóa" hơn thế nữa nhưng tôi vẫn thấy ngon.

Làm như thế tôi cảm thấy hòa đồng với những người cùng làm với tôi hơn và tôi thấy vui chứ chẳng e ngại gì. Kẻ có phát ngôn như thế này không phải con nhà giàu đâu, nếu là con nhà giàu thì chắc chắn không vào cơm bình dân rồi. Tôi nghĩ đó là kẻ suốt ngày rúc trong nhà để cha mẹ chăm bẵm và không cho tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài, lâu lâu đi lạc vào cơm bình dân thấy cảnh đó nên nghĩ làm lạ”.
"Mong những người đang làm công việc thợ hồ không có gì phải hổ thẹn vì công việc của mình đã nuôi sống được gia đình vợ con và cũng không biết bao nhiêu người trở thành tỷ phú và thành đạt cũng từ công việc vất vả và chịu khó mà nên”, độc giả Đào Văn Thanh muốn nhắn nhủ tới những người phu hồ, thợ xây.
"Mong những người đang làm công việc thợ hồ không có gì phải hổ thẹn vì công việc của mình đã nuôi sống được gia đình vợ con và cũng không biết bao nhiêu người trở thành tỷ phú và thành đạt cũng từ công việc vất vả và chịu khó mà nên”, độc giả Đào Văn Thanh muốn nhắn nhủ tới những người phu hồ, thợ xây.
Độc giả Phạm Văn Minh lại cho rằng, người miệt thị thợ xây này đang sống ở nơi không có con người: “Không biết anh này sống ở đâu và làm gì, nhưng tôi đoán được là anh đang sống ở một nơi mà xã hội không tồn tại mà con người thì không có, anh ta được giáo dục ở một môi trường mà không cần phải nói tới nhân tính hay cảm xúc. Tôi không biết anh ta đang làm gì, có lãnh đạo người khác hay không, hay học đại học xong rồi vẫn đi làm nhân viên bình thường, vậy thì có gì mà phải khinh người khác như vậy, người ta húp canh như heo, còn anh ngồi coi heo húp thì anh là con gì?...”

Độc giả Bùi trí nhận định: “Chỉ bọn ăn sung mặc sướng từ bé, không biết gì mới phát ngôn được những câu vô văn hóa như vậy!”

“Không có thợ hồ thì cái thằng ăn nói linh tinh kia có mà ra vỉa hè mà nằm à? Ai xây nhà cho mà ở vậy?”, độc giả có tên  Manh Dương bức xúc.

Dù vô cùng thất vọng với phát ngôn “người thợ xây húp canh như lợn ăn cám” nhưng Độc Long tin rằng con số những người vô văn hóa như thế chỉ là số ít: “Tôi cho rằng, lời phát ngôn mang tính miệt thị của nam thanh niên mà trong bài viết đã đề cập chính là sự thể hiện của một kẻ vô văn hóa, cho dù là người có học thức. Thật đáng buồn cho những loại người như vậy, họ tự huyễn hoặc, cho mình là lịch thiệp có văn hóa nhưng thật ra đó là những kẻ vô cùng kệch cỡm không hơn không kém, tôi tin rằng rằng đó chỉ là thiểu số, cá biệt mà thôi”.

Thợ hồ không có gì phải hổ thẹn vì công việc của mình làm đã nuôi sống được gia đình và giúp bao người thanh tỷ phú là những gì Đào Văn Thanh muốn nhắn nhủ: “Thật vô lương tâm cho kẻ đã phát ngôn ra những câu vô văn hoá như vậy. Bản thân tôi khi đang là sinh viên cũng đã đi làm thợ hồ để cuộc sống bớt đi khó khăn. Công việc đó tuy hơi vất vả nhưng đồng tiền thật làm từ mồ hôi nước mắt mà có được. Có lẽ con người có biệt danh "Ngơ ngác" kia trưa bao giờ biết kiếm tiền và cũng đang ăn bám vào cha mẹ mình. Có lẽ lúc nào đó, anh ta sẽ phải hối hận vì những phát ngôn vô lương tâm của mình. Mong những người đang làm công việc thợ hồ không có gì phải hổ thẹn vì công việc của mình đã nuôi sống được gia đình vợ con và cũng không biết bao nhiêu người trở thành tỷ phú và thành đạt cũng từ công việc vất vả và chịu khó mà nên”.

Những câu chuyện về văn hóa ứng xử mà Nguyễn Nguyễn từng tai nghe mắt thấy, kể ra đây đã cho chúng ta cái nhìn thấu đáo hơn: “Tôi đã theo dõi việc này từ đầu tới giờ và nói thật tôi rất bức xúc. Không phải tôi bức xúc với riêng anh chàng này mà tôi bức xúc với tất cả những người tự cho mình là "học cao hiểu rộng" thì được quyền miệt thị, xem thường người khác.

Theo tôi một người có văn hóa và một người có học thức hết sức khác nhau chứ không thể nào gộp chung được. Giả sử bạn rơi vào một trường hợp mà tất cả mọi người đều xếp hàng chờ tới lượt mình mà bạn cứ chen ngang cho nhanh thì trong mắt tôi bạn là người không hề có một tí văn hóa nào cả dù bạn có là giáo sư hay tiến sĩ gì tôi cũng mặc. Tôi là một người "quê chánh gốc" vì tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng sâu của tỉnh Đồng Tháp nhưng hiện tôi sống và làm việc ở một thành phố và xin thưa với các bạn rằng những điều mà tôi biết còn nhiều hơn những người "thành phố" nhiều đấy.

Tôi biết được cuộc sống và những điều mà chỉ có ở "nhà quê" và tôi cũng biết những điều mà chỉ có ở "thành phố". Còn những người "thành phố" thì sao? Có biết được những thứ ở quê như tôi không?

Hiện tại tôi mở dịch vụ internet máy lạnh và tôi sẽ kể cho các bạn nghe một vài điều mà tôi gặp hàng ngày. Chỗ của tôi, khách vào đa số là sinh viên nhưng thỉnh thoảng cũng có rất nhiều người "nhà quê" vào để ôn luật giao thông. Bạn biết không 99% những người nhà quê đó khi vào và ra khỏi phòng họ đều đứng lại và kéo đóng cửa lại một cách nhẹ nhàng, từ tốn. Nhưng ngược lại 99% sinh viên khi ra vào họ chỉ biết mở cửa chứ không bao giờ biết đóng cửa như thế nào cả. 1% còn lại thì biết đóng của nhưng cách mà họ đóng cửa làm tôi còn bực mình hơn là họ để cho tôi đóng.

Bạn biết họ đóng thế nào không? Khi vừa ra khỏi cửa họ không bao giờ dừng lại để đóng cả mà chỉ "tiện tay" kéo cửa thật nhanh rồi đi luôn và kết quả thì hai cửa đập vào nhau. Một tiếng "ầm" lớn "tổ chảng" phát ra làm tất cả mọi người trong phòng đều giật mình.

Bởi vậy tôi mới nói học thức và văn hóa là hai chuyện khác nhau. Đừng nghĩ người ta ít học hoặc không được đi học là người ta không có văn hóa. Thật đáng buồn thay khi mà những người học thức rất cao mà ý thức lại rất thấp. Nhìn những sinh viên vào tiệm tôi mà trong lòng tôi lúc nào cũng hiện lên câu hỏi "không biết cha mẹ họ tốn nhiều tiền cho họ đi học để làm gì khi mà một trong những hành động rất cơ bản và rất nhỏ để thể hiện mình là một người có văn hóa họ cũng không có được?". Tôi không biết nên trách bản thân họ hay trách cách giáo dục của gia đình họ hoặc là cách giáo dục của xã hội”.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Chuyên Đắc