Khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV

20/10/2016 08:10
Ngọc Quang
(GDVN) - Kỳ họp dự kiễn diễn ra trong 26 ngày, các Đại biểu Quốc hội sẽ có điều kiện tranh luận trực tiếp tại nghị trường khi thảo luận về các dự án luật.

Sáng nay, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ có điều kiện tranh luận trực tiếp tại nghị trường. ảnh: quochoi.vn
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu sẽ có điều kiện tranh luận trực tiếp tại nghị trường. ảnh: quochoi.vn

Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe các báo cáo của Chính phủ và báo cáo của cơ quan thẩm tra về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020;

Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015);

Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Theo chương trình làm việc, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 26 ngày (không kể ngày nghỉ), dự kiến bế mạc vào chiều 23/11.

Điểm đặc biệt tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian thảo luận, quyết định các vấn đề kinh tế -xã hội của đất nước. Đây là công việc thường chỉ thiết kế vào chương trình kỳ họp cuối năm ở khóa trước.

Công tác xây dựng pháp luật cũng là nhiệm vụ trọng tâm (chiếm khoảng 63% thời gian của kỳ họp), do ở kỳ họp trước đã dành nhiều thời gian để kiện toàn nhân sự.

Theo đó, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 dự án, 1 nghị quyết; cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết.

Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội giám sát tối cao về “Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp” và tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong 2,5 ngày.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, ở kỳ họp này, các Đại biểu có thể dơ tay hoặc dơ biển để đăng ký và Chủ tọa điều hành sẽ tạo điều kiện để các Đại biểu có thể tranh luận trực tiếp tại nghị trường.

Các Bộ trưởng cũng sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình thảo luận, để giải đáp những thắc mắc của các Đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng các dự án luật.

Ngọc Quang