Khánh Hòa chung tay phòng, chống tái nghiện ma túy

01/12/2013 10:54
Theo MINH HẠNH/ Báo Khánh Hòa
(GDVN) - Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người nghiện ma túy sau khi cai nghiện, trở về cộng đồng đã tái sử dụng chất ma túy như: Việc tổ chức quản lý đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng thiếu chặt chẽ; việc quan tâm giải quyết việc làm, động viên tư tưởng người sau cai nghiện ít, trong khi đó những người sau cai nghiện thường có mặc cảm với gia đình, xã hội; người nghiện sau khi cai nghiện ma túy về lại địa phương thường không có việc làm ổn định...
Hiện nay, cả tỉnh chỉ có 1 trung tâm cai nghiện ma túy tại xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh). Có một vấn đề đặt ra là, trung tâm cai nghiện trở thành nơi các đối tượng nghiện hút quen biết nhau, sau khi cai nghiện trở về địa phương, mối quan hệ này đã trở thành điều kiện cho những người sử dụng ma túy gặp gỡ, tiếp xúc với nhau và mau chóng bị tái nghiện.

Lực lượng chuyên trách trong công tác hỗ trợ cho người nghiện tái hòa nhập cộng đồng còn hạn chế và chưa đáp ứng nhu cầu; số lượng người nghiện lớn nên kinh phí quốc gia không thể hỗ trợ đầy đủ. Công tác tuyên truyền vẫn chưa làm cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu niên hiểu hết tác hại của ma túy và cách phòng tránh, chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng nhằm nâng cao hiểu biết của người dân trong phong trào đấu tranh với tệ nạn ma túy và giúp đỡ người lầm lỡ trở về với cộng đồng.

Nhằm hạn chế khả năng tái nghiện và giúp cho người nghiện hòa nhập tốt cộng đồng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Tại trung tâm cai nghiện, không chỉ đơn thuần là cai nghiện ma túy, mà bản thân người nghiện còn phải được giáo dục nâng cao trình độ văn hóa, giáo dục về nhận thức. Vì chỉ khi người nghiện có quyết tâm đoạn tuyệt với ma túy thì kết quả sau cai mới khả quan.

Người nghiện cải tạo tại Trung tâm cai nghiện (Ảnh minh họa)
Người nghiện cải tạo tại Trung tâm cai nghiện (Ảnh minh họa)

Việc tổ chức đào tạo nghề tại các trung tâm cai nghiện, cần liên kết với các trường đào tạo nghề để giúp cho học viên vừa có nghề thực tế, vừa có chứng chỉ nghề hợp pháp. Song song với quá trình đó, tạo điều kiện cho người cai nghiện tham gia lao động, tiếp cận, sử dụng nghề mà họ đang học vào thực tiễn.

Mặt khác, người nghiện thường hay mặc cảm và tự ti, chính vì vậy, việc thành lập các trung tâm y tế, tư vấn tâm lý, hỗ trợ cho người nghiện sau cai là một trong những biện pháp cần thiết, giúp người nghiện điều trị bệnh lâu dài, giúp đỡ họ trở về hòa nhập cộng đồng được thuận lợi. Các trung tâm giới thiệu việc làm và chính quyền địa phương cần quan tâm tìm việc làm và hỗ trợ cho người sau cai nghiện.

Một trong những giải pháp giúp người nghiện từ bỏ hẳn việc sử dụng ma túy là các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên... cần có những chương trình hành động cụ thể, thiết thực, tùy theo tình hình địa phương, tùy vào điều kiện và đặc điểm riêng của từng gia đình để có sự phối hợp một cách hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong quản lý, giúp đỡ người lầm lỡ; tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền, đấu tranh triệt xóa các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, xóa các tụ điểm phức tạp về tệ nạn ma túy, hình thành phong trào toàn dân đấu tranh chống tệ nạn ma túy một cách sâu rộng.

Trong thời gian tới, cần xác định tình hình tệ nạn và tội phạm ma túy tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong cả nước và trên địa bàn tỉnh, trong đó công tác phòng, chống tái nghiện đóng một vai trò quan trọng. Công tác này đòi hỏi sự quyết tâm và có sự kết hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, tổ chức xã hội, gia đình nhằm chung tay ngăn chặn tệ nạn ma túy.

Theo MINH HẠNH/ Báo Khánh Hòa