Khiếp đảm trên cung đường gỗ lậu

28/08/2011 07:07
MINH TÂN – TƯỜNG VĂN/Pháp luật TPHCM
(GDVN) -Không hề lén lút, hàng trăm lâm tặc ngang nhiên sử dụng xe hai bánh không biển số chở những lóng gỗ “khủng”...
Xe chở gỗ lậu đến điểm tập kết
Xe chở gỗ lậu đến điểm tập kết


 Lâm tặc nối đuôi nhau phóng như bay trên Quốc lộ 25 và đường ĐT646 thuộc huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Thực trạng này gây nên nỗi hãi hùng đối với người dân địa phương thời gian gần đây.

Đường đua của lâm tặc

Từchập tối đến khoảng nửa đêm, QL25 đoạn từ xã Krông Pa xuống ngã tư Cây Me (thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa) khá vắng vẻ, lâu lâu mới có vài chiếc xe máy, ôtô qua lại. Người ta ngại qua đây bởi cung đường này đã trở thành đường đua của các đối tượng vận chuyển gỗ lậu.

Từ rừng đặc dụng Krông Trai, rừng Suối Trai, Krông Pa... lâm tặc vận chuyển các loại gỗ lim, trắc, hương, cà te... qua các tuyến đường quanh QL25, ĐT646 về xã Suối Bạc, khu phố Tây Hòa, thị trấn Củng Sơn tiêu thụ.

Tạt vào quán nước ven QL25 gần ngã tư Cây Me, chúng tôiđượcchị chủ quán cho biết: “Đã thành thông lệ, tối đến là lúc lâm tặc rục rịch về xuôi. Họ đi từng tốp từ 20 đến 30 xe, lúc cao điểm lên tới năm, sáu chục xe, hầu hết đều là Honda 67, xe Trung Quốc “độ” chạy với tốc độ cả trăm cây số/giờ”.

Sau lưng chúng tôi chợt xuất hiện một người đàn ông đeo kính đen, mặc đồ rằn ri, đứng rít thuốc liên tục, mắt cứ ngó nghiêng, quan sát mọi động tĩnh xung quanh. Chị chủ quán nháy mắt thì thầm: “Đồng đảng của lâm tặc đấy, hắn làm nhiệm vụ cảnh giới xem có công an, kiểm lâm không.

Với tình hình này, độ nửa tiếng nữa chúng sẽ về”. Chúng tôi vội lên xe chạy ngược về cầu Chà Mâm chờ đợi. Trên đường thỉnh thoảng có những chiếc xe máy chở cưa, rìu, rựa chạy qua, người cầm lái nhìn chúng tôi bằng ánh mắt dò xét.

Đúng như lời chị chủ quán nói, trên cung đường tối mịt mùng và im ắng đến rợn người, âm thanh của pô xe rền vang mỗi lúc một lớn dần, ánh đèn pha loang loáng. Lâm tặc đến gần, trên mỗi xe máy chở ba, bốn lóng gỗ dài chạy vụt qua. Chúng tôi lập tức bám theo, anh đồng nghiệp vội rút máy ảnh ra chụp.

Thấy ánh đèn flash lóe lên, lâm tặc càng nẹt pô, rú ga phóng điên cuồng do tưởng cơ quan chức năng truy đuổi. Khoảng hai cây số, bỗng từ phía sau chúng tôi có sáu người đi ba xe máy vượt lên kẹp xe chúng tôi vào giữa, một tên hất hàm hỏi: “Chụp gì đấy?”. “Dạ mới mua máy ảnh, tụi em chụp vu vơ thử máy ấy mà” - tôi mau miệng trả lời.

Thấy chúng tôi ăn mặc bình dân, vai không lỉnh kỉnh túi xách như những nhà báo nên họ bỏ đi, không quên buông lời đe dọa: “Ranh con ra đường giờ này làm gì, mau mà biến đi, bọn tao còn thấy sẽ cho người máng chết đó”. Chúng tôi bám theo khoảng 500 mét, hai xe máy trong nhóm họ bỗng chạy chậm lại rồi quay ngoắt về phía chúng tôi.

Biết gặp chuyện chẳng lành, tôi vội vàng vòng lại, nhưng hết hồn vì trước mặt xuất hiện hàng chục xe gỗ lậu dàn hàng ngang chạy như điên. Biết không còn lối thoát, tôi lao đại xe xuống rãnh sâu ven đường để tránh, chờ các “hung thần” đi rồi mới khiêng xe lên đường. 21 giờ, xe tuần tra của kiểm lâm xuất hiện, chẳng thấy bóng dáng xe chở gỗ lậu nào. Đến 23 giờ, lực lượng chức năng đi nơi khác tình trạng trên lại tiếp diễn.

Họa đến với dân

Lịch hoạtđộng của lâm tặc rấtđều đặn, khi cơ quan chức năng tăng cường tuần tra thì chúng lùi thời điểm hoạt động. Với người dân địa phương, nhất là những hộ ở hai bên đường, lâm tặc đã đem đến cho họ bao nỗi kinh hoàng. Vào ban đêm người dân thường đóng chặt cửa, hãn hữu lắm mới dám ra đường.

Em Trần Văn Hùng (10 tuổi, ở thôn Tân An, xã Suối Bạc) cho biết: “Trước đây cháu cùng bạn bè thường rủ nhau ra trước nhà hóng gió, chơi đùa, một lần suýt bị xe chở gỗ máng phải, từ đó chẳng đứa nào còn dám ra đường vào ban đêm nữa”.Anh Nguyễn Văn Quang (nhân viên một công ty bảo hiểm, chi nhánh TP.Tuy Hòa) kể: “Do tính chất công việc nên mỗi tuần tôi thường qua lại thị trấn Củng Sơn, cố gắng hoàn thành công việc trước 5 giờ chiều để về lại Tuy Hòa. Những hôm xong việc trễ, tôi không dám về bởi chỉ sợ xe của lâm tặc tông vào”.

Đến nay, người dân thôn Tân An, xã Suối Bạc vẫn nhớ như in trường hợp chị Nguyễn Thị Xem (SN 1962, ngụ trong thôn) bị đối tượng Đặng Thanh Được (trú thị trấn Củng Sơn) chạy xe máy chở gỗ gây tai họa ngay trước cổng nhà.

Chị Xem kể: “Lúc đó khoảng sáu giờ tối 25 tháng Chạp năm ngoái, đang từ nhà hàng xóm trở về, tôi bỗng thấy vật gì húc mạnh phía sau lưng rồi không biết chi nữa. Ba ngày sau tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy, toàn thân băng bó trắng toát. Vụ tai nạn làm tôi gãy tay, chân và chấn thương cổ phải điều trị tại bệnh viện hơn một tháng”.

Chồng chị Xem mất sớm, một mình chị nuôi bốn người con bằng nghề làm thuê cuốc mướn. Từ lúc bị tai nạn đến nay, chị không đủ sức khỏe để làm việc, chỉ ngồi một chỗ vì chấn thương cổ, cử động rất khó, các con phải nghỉ học để phụ giúp mẹ. Hiện gia đình chị gặp nhiều khó khăn, nợ nần chồng chất.

Theo ông Phạm Quang Lý, Trưởng thôn Tân An, không chỉ người dân nơi khác vận chuyển gỗ lậu, trong thôn cũng có một số thanh niên tham gia lúc nông nhàn. Biết thế nhưng địa phương cũng bó tay vì không có chức năng kiểm soát, ngăn chặn, chỉ có thể vận động họ chấm dứt.

Ông Vũ Công Tâm - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện - cho biết: “Việc ngăn chặn nạn vận chuyển gỗ lậu rất khó khăn do hầu hết các đối tượng đều manh động, sẵn sàng chống trả khi bị truy đuổi. Chúng còn cắt cử người túc trực khắp nơi theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng để tìm cách đối phó”.

Ông Phạm Đình Phụng - Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa - thừa nhận: “Vấn nạn lâm tặc hiện nay rất nan giải do lực lượng chuyên trách mỏng, thiếu phương tiện, mức răn đe, xử phạt còn thấp. Hiện chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu và không tiếp tay cho cái ác, cái xấu, làm trái pháp luật. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các lực lượng hữu trách tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm để răn đe”.

Thời gian gần đây tình trạng chống người thi hành công vụ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng tăng đột biến. Hàng chục vụ lâm tặc tấn công gây thương tích, bao vây trụ sở công quyền, bắt giữ cán bộ kiểm lâm làm con tin... đang nóng bỏng ở giải đất miền Trung.

Trước thực trạng lâm tặc hoành hành, rất mong các ngành chức năng tại huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên có biện pháp mạnh để ngăn chặn, bảo vệ tài nguyên và giữ gìn kỷ cương phép nước
 
    

MINH TÂN – TƯỜNG VĂN/Pháp luật TPHCM