Không cung cấp thông tin phải bị chế tài

23/06/2012 06:29
Ông Hoàng Hữu Lượng, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), nói: Báo chí là tiếng nói, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
Báo chí và chính quyền cùng chung mục đích. Tại sao chính quyền lại không công khai thông tin trên báo chí để chuyển tải đến người dân, tạo sự đồng thuận? Có những nơi coi báo chí như phía đối đầu, đối lập, điều đó là không đúng…

Không cung cấp thông tin phải bị chế tài ảnh 1

. Phóng viên: Hiện nay nhiều nơi dồn tất cả việc thông tin cho báo chí cho NPN khiến việc tác nghiệp của PV gặp khó khăn. Cách hiểu như vậy có đúng không, thưa ông?

+ Ông Hoàng Hữu Lượng: Phát ngôn với báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí là quy định mang tính pháp quy của Chính phủ do Thủ tướng ban hành. Theo đó, người đứng đầu cơ quan hành chính là chủ tịch tỉnh, thành có trách nhiệm cung cấp thông tin, minh bạch hóa hoạt động của cơ quan với báo chí. Thực tế chủ tịch tỉnh, thành rất bận nên quy chế cho phép cử một người thay mặt làm NPN. NPN có trách nhiệm thay mặt thủ trưởng cơ quan cung cấp thông tin cho báo chí.

Ở đây cần khẳng định lại một điều: Theo tinh thần của quy chế, những người khác trong cơ quan đơn vị vẫn có quyền phát ngôn với tư cách cá nhân.

. Có tình trạng khi xảy ra sự việc dư luận quan tâm thì cơ quan chức năng né báo chí bằng cách hướng dẫn PV đến gặp NPN. Nhưng NPN lại không thể cung cấp thông tin cho PV vì chưa nắm vụ việc...?

+ Theo tôi, khi xảy ra sự việc dư luận quan tâm thì NPN có thể thực hiện bằng nhiều cách để cung cấp thông tin cho báo chí. Một là, NPN có thể chỉ đạo nơi xảy ra sự việc cung cấp thông tin cho báo chí. Hai là, NPN gọi ngay người nắm thông tin lên cung cấp cho mình để cung cấp cho báo chí. Ba là, NPN tổ chức họp báo và ủy quyền cho người nắm thông tin trả lời với báo chí.

. Theo ông, cần sửa đổi những gì để quy chế phát ngôn không trở thành rào cản với báo chí?

+ Quy chế phát ngôn cần sửa theo hướng quy định người đứng đầu chịu trách nhiệm về phát ngôn, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của NPN. NPN không thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc không kịp thời cung cấp thông tin thì phải bị chế tài. Khi có vụ việc, dư luận quan tâm thì thời gian là bao lâu để cung cấp thông tin? Theo tôi, gặp vấn đề nóng chưa thể có thông tin ngay thì cũng chỉ trong hạn 1-2 ngày thôi chứ không thể kéo dài hết ngày này đến ngày khác được.

. Xin cảm ơn ông.

Ngày 22-6, bên lề Hội nghị tập huấn công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại và kỹ năng phát ngôn - cung cấp thông tin cho báo chí do Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng tổ chức, Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng cho biết thêm: “Trường hợp một số NPN né cung cấp thông tin cho báo chí là do lượng thông tin họ nắm chưa đầy đủ, chưa chuẩn xác nên không dám phát ngôn vì sợ sai. Tuy nhiên, theo quy định thì thông tin biết đến đâu cung cấp đến đó, không được giấu giếm, bưng bít. Còn nếu né tránh là vi phạm”.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), cũng nhấn mạnh: Phải xác định rõ người có thẩm quyền để chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, tránh trường hợp im lặng hoặc né tránh gây bức xúc, tạo cảm giác như là thách thức dư luận. “NPN nên chia sẻ với báo chí để ngăn chặn những tác động xấu do thiếu thông tin gây ra” - ông Nghiêm nói.

TẤN TÀI


TRUNG DUNG/Pháp luật TPHCM

Điểm nóng

“Gái gọi sinh viên” Hà Thành ế ẩm mùa Euro

Chuyện cảm động ghi trên đường của vị sư đi một bước, lạy một cái

Bộ Tài chính yêu cầu giảm giá cước vận tải