Không để Thành phố Hồ Chí Minh mãi trầm uất vì cơ chế

21/11/2017 07:26
Trinh Phúc
(GDVN) - “Nơi từng được xem là hòn ngọc Viễn Đông vẫn oằn mình trong khói bụi kẹt xe và ngập chìm sau những cơn mưa nặng hạt”.

Ngày 20/11, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đa số các đại biểu tán thành chủ trương Thành phố Hồ Chí Minh cần có cơ chế, chính sách đặc thù để làm động lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân đoàn Bình Dương cho rằng: “Giai đoạn dân số vàng ngắn ngủi của Việt Nam đã bước vào chặng cuối cùng, bẫy thu nhập trung bình sẽ không để chúng ta kịp giàu thì đã vội già.

Nơi từng được xem là hòn ngọc Viễn Đông vẫn oằn mình trong khói bụi kẹt xe và ngập chìm sau những cơn mưa nặng hạt.

Nếu chúng ta không mạnh dạn vượt rào, không đủ dũng cảm và tự tin một lần dấn thân cho cái mới thì tiềm năng vẫn mãi là những viễn cảnh tốt đẹp trong các đề án”.

Đại biểu Phạm Trong Nhân đoàn Bình Dương (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Phạm Trong Nhân đoàn Bình Dương (ảnh quochoi.vn).

Theo đại biểu  Phạm Trong Nhân: “Việc tạo cơ chế riêng cho thành phố không phải là ưu đãi thêm cho địa phương mà đây như một liều thuốc khỏe cần thiết giao cho thành phố tự tìm cho mình để giúp cho thành phố có đủ sức tiếp tục gồng gánh và neo kéo những toa tàu để tiếp tục cuộc hành trình.

Tôi đồng tình Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi dẫn lời cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu để thay lời kết của mình: "Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi có trong tay nguồn lực, tôi sẽ cho ai trước, đầu tư vào chỗ nào trước?

Dĩ nhiên tôi sẽ đầu tư vào chỗ động lực người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để tạo ra của cải vật chất và lấy đó làm đầu tàu kéo những người chưa biết làm ăn, người nghèo đi lên.

Còn nguồn lực đó nếu chia nhỏ ra thì tất cả chúng ta nắm tay nhau cứ đi hàng ngành, cùng nghèo và rất chậm để có người khá người giàu".

Singapore đã thành cường quốc cũng từ chính câu nói này”.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh quochoi.vn).

Đồng quan điểm, đại biểu Dương Trung Quốc đoàn Đồng Nai cho rằng: “Có đại biểu đã dùng khái niệm là "đã chín muồi" nhưng tôi cho rằng nó đã "chín mõm" rồi, điều đó có nghĩa là không thể kéo dài được nữa.

Từ một thành phố sầm uất nó đang trở nên trầm uất vì tất cả các cơ chế ràng buộc nó.

Tôi muốn tiếp cận vấn đề này từ góc độ nghề nghiệp của mình, không nói đến hàng nghìn năm xa xưa, nền văn minh Óc Eo mà chúng ta tiếp cận được xưa nhất ở vùng đất gắn liền với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ, nó là một nơi có thể nói phát triển mạnh mẽ.

Từ hơn 3 thế kỷ nay, khi vùng đất Nam Bộ được minh định vào trong bản đồ Đại Việt.

Đường lối sáng suốt của các Chúa Nguyễn đã nhìn ra biển và nhìn về phương Nam, sớm biến Nam Bộ không những thành một vựa lúa mà thành một trung tâm để thu hút thương mại biển ở khu vực này.

Lúc đó Nam Bộ của chúng ta đã là một trong những thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất ở trong khu vực.

Chủ nghĩa thực dân Pháp xâm lược nước ta, chủ nghĩa thực dân là phản động về chính trị, nhưng lợi ích thuộc địa và tầm nhìn của chủ nghĩa tư bản đã phát hiện ra Nam Kỳ là một trong những mảnh đất rất màu mỡ và trù phú.

Người Pháp chiếm Sài Gòn năm 1859, việc đầu tiên của họ là phá thành Sài Gòn nhưng họ lại phát triển rất mạnh mẽ một Sài Gòn năng động về mặt kinh tế với thủy xưởng của nó.

Đến năm 30 của thế kỷ trước nó xếp thứ 8 trong hệ thống các cảng của nước Pháp và hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới.

Như thế rõ ràng tầm nhìn là họ nhận ra điều đó và chính danh xưng mà ngày hôm nay chúng ta nhắc đến như niềm tự hào "hòn ngọc Viễn Đông" là chính trong nảy nở, soi sáng ngay trong thời kỳ đen tối của thời kỳ thuộc địa là do tầm nhìn của họ”.

Không để Thành phố Hồ Chí Minh mãi trầm uất vì cơ chế ảnh 3Giao kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua tương” là không nên

Theo đại biểu Dương Trung Quốc: “Chúng ta giành độc lập, Sài Gòn trở thành Thành Phố Hồ Chí Minh, nhưng chúng ta trải qua 30 năm chiến tranh liên tục, trong 30 đó chế độ chính trị phản động nhưng Sài Gòn vẫn là trung tâm kinh tế phát triển.

Từ năm 1864, người Pháp đã phát biểu rằng "Sài Gòn không những có vị trí chiến lược về mặt chính trị, quân sự mà nó là kho hàng lớn nhất ở Viễn Đông", thời điểm đó Singapore chỉ là một xóm chài.

Cho nên chúng tôi muốn nói tầm nhìn rất quan trọng. Chúng ta biết rằng sau khi đất nước thống nhất, chúng ta đứng trước rất nhiều khó khăn, đứng trước không ít những nhận thức không đầy đủ đã kìm hãm Sài Gòn.

Nhắc đến thời kỳ này là Sài Gòn phá rào, cố gắng bứt phá trong một cơ chế hết sức hạn chế, công cuộc đổi mới mở ra Sài Gòn phát triển.

Nhưng chúng ta thấy đến thời điểm này vẫn nằm chung trong mặt bằng chung, ràng buộc bởi những cơ chế không khác những địa phương khác.

Rõ ràng chúng tôi muốn nhắc nhiều đến tầm nhìn. Chúng ta thường hay nhắc đến một nguyên lý cổ điển là "không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng", nguyên lý có giá trị về mặt đạo lý, về ứng xử xã hội, về phân chia.

Lúc này chúng ta rất sợ thiếu và chỉ sợ cào bằng. Vì vậy, tôi nghĩ với nghị quyết này không chỉ mở ra cho Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ mang lại cho đất nước lợi ích về vật chất mà điều quan trọng hơn cả vật chất, vật chất chỉ là sự thuyết phục, chính là cơ chế.

Tôi rất tin không cần phải đến 5 năm, nếu chúng ta làm tốt những cơ chế sẽ được ứng dụng ở những nơi khác, sự hưởng lợi chung của cả nước.

Ngay Hà Nội, chúng ta đã có luật về Hà Nội rồi nhưng tôi cảm thấy luật đó vẫn chưa đủ, Hà Nội vẫn chịu nhiều sự ràng buộc.

Tôi tin rằng thành công của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ mang lại sự giải thoát, sự bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước”.

Không để Thành phố Hồ Chí Minh mãi trầm uất vì cơ chế ảnh 4Thủ tướng ủng hộ phân cấp, phân quyền tối đa cho Thành phố Hồ Chí Minh

Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Đặng Thuần Phong, Bến Tre cho rằng: “Tôi muốn nói vai trò đầu tàu và những chính sách đầu tư cho đầu tàu của chúng ta thời gian qua.

Nếu xét nghĩa nào đó, chúng ta một thời đầu tư dàn đều, thiếu mũi nhọt, các đầu tàu làm động lực để chuyển cả vùng, chuyển cả đất nước lại bị bó hẹp trong điều kiện của mình, trong việc cân đối ngân sách, cho nên việc đóng góp của các đầu tàu rất lớn cho phát triển đất nước.

Đổi lại các đầu tàu này vẫn mãi chạy bằng đầu máy hơi nước, trong khi bây giờ người ta đi bằng nguyên tử rồi thì điều kiện để phát triển thúc đẩy là vấn đề phải nghiên cứu, tính toán.

Hiện nay, không riêng gì các thành phố trực thuộc Trung ương, chúng ta đã có 16 tỉnh đóng góp ngân sách để nuôi thêm 47 tỉnh còn lại, xét nghĩa nào đó những tỉnh mà thụ hưởng ngân sách Trung ương cũng phải biết tri ân những đầu tàu này, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, tới giai đoạn này chúng ta mới tính giải quyết sức ỳ cho những đầu tàu này để cho có sinh lực mới, có diện mạo mới và mạnh mẽ hơn để lôi kéo làm lay chuyển cả vùng và cả quốc gia, tôi thấy việc đó phải đương nhiên đáng lẽ chúng ta phải tính toán từ lâu”.

Trinh Phúc