Kiểm ngư, chứng khoán, thuế cũng được quyền điều tra?

27/02/2015 15:39
Ngọc Quang
(GDVN) - Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, dự thảo Luật không có điều khoản nào quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra...

Sáng nay (27/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, nhằm  nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004.

Kiểm ngư, chứng khoán, thuế cũng được quyền điều tra?

Theo tờ trình do Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an ký, nói rõ về bổ sung quy định Kiểm ngư, cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, có hai loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành về các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, không bổ sung Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 không chỉ đạo bổ sung các cơ quan này.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bổ sung Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, vì tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán ngày càng gia tăng, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Việc bổ sung quy định Kiểm ngư, Ủy ban Chứng khoán nhà nước và cơ quan Thuế là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra sẽ huy động được sức mạnh tổng hợp tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là ở những lĩnh vực có tính chất đặc thù như thủy sản trên biển, thuế, chứng khoán; kinh nghiệm của các nước cho thấy những cơ quan này đều được giao thẩm quyền điều tra. Cùng đó, việc giao cho các cơ quan này thẩm quyền điều tra ban đầu góp phần giảm tải ở các cơ quan điều tra chuyên trách.

Đối với nội dung này, ông KSor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, mở rộng ra thì phải cân nhắc chức năng nhiệm vụ của các ngành đó, bởi vì không chỉ dừng lại ở ngành này mà một loạt ngành khác cũng có nhu cầu cần cơ quan điều tra.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, nếu những cơ quan nói trên được quyền điều tra thì nhiều cơ quan khác cũng đề nghị có quyền được điều tra.

Ông Nguyễn Doãn Khánh đồng thời nêu ra hai vấn đề tồn tại ở dự thảo luật này:

Thứ nhất, về mặt hình thức số lượng cơ quan điều tra chuyên trách giảm, nhưng thực chất số lượng cơ quan điều tra hình sự thì tăng lên ở 2 nhóm: Một là, tăng số cơ quan có chức năng thực hiện một số hoạt động điều tra; Hai là tăng số lượng điều tra nội bộ trong từng cơ quan điều tra. Như vậy, mục tiêu giảm là chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ hai, chưa xử lý được những vấn đề bất cập của bộ máy cơ quan điều tra so với chức năng, nhiệm vụ yêu cầu. Chúng ta biết rằng việc giải quyết chiếm tới 85% ở cấp huyện, thế nhưng chúng ta vẫn duy trì cơ cấu tổ chức theo hình “nón ngược”, tức là trên thì to nhưng dưới thì bé.

Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội Chính Trung ương. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng Ban Nội Chính Trung ương. ảnh: Ngọc Quang.

Thường trực Ủy ban Tư pháp thì chỉ rõ, dự thảo Luật không có điều khoản nào quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra – là những chức danh chủ chốt của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Dự thảo Luật còn thiếu nhiều quy định khác liên quan đến Điều tra viên như ngạch Điều tra viên; số ngạch Điều tra viên ở mỗi cấp, việc thi nâng ngạch… Thường trực Ủy ban Tư pháp cho rằng đây là những vấn đề rất quan trọng và không thể thiếu của các Luật về tổ chức bộ máy. Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị bổ sung các nội dung nêu trên vào dự thảo Luật.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng đã có nhiều hiện tượng xảy ra vi phạm pháp luật ở cấp công an xã, vì vậy với trình độ như hiện nay và thực trạng hiện nay thì phải làm rõ giao quyền cho công an xã đến đâu, và giao như thế nào thì phải quy định vào luật, không quy định trong pháp lệnh.

Ủng hộ quan điểm này, ông Nguyễn Doãn Khánh đánh giá: "Nếu không quy định rõ thì sẽ dễ dẫn đến lẫn lộn giữa quản lý hành chính và thực hiện chức năng nhiệm vụ của điều tra viên".

Ông Khánh cũng cho rằng, không nên đưa công an xã vào luật này, vì đây là luật danh cho cơ quan điều tra, trong khi công an xã không phải cơ quan điều tra.

Có cần chức danh "trợ lý điều tra"?

Ủng hộ xây dựng luật này, nhưng nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời đặt ra câu hỏi về nguy cơ phình to bộ máy nhà nước khi xuất hiện thêm chức danh "Trợ lý điều tra".

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề: "Trong quy định công chức, viên chức thì không có cái này. Chức danh tới đâu thì phải có tiền lương đến đấy. Trợ lý hiện nay chỉ để phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo. Tôi đề nghị phải làm rõ điều này?".

Ông KSor Phước thì cho rằng không nên có riêng một Cục cảnh sát phòng chống công nghệ cao, mà cần tập trung vào các tội danh cụ thể, qua đó có sự phối hợp với nhiều đơn vị khác.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay. ảnh: Ngọc Quang.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay. ảnh: Ngọc Quang.

Trước ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, đặt ra vấn đề tinh giản biên chế đối với hoạt động điều tra hiện nay hơi  khăn, bởi vì việc này xuất phát từ tình hình thực tế tình hình an ninh trật tự vẫn còn phức tạp như hiện nay. Trong mấy năm gần đây, chúng ta thấy đặc xá mỗi năm khoảng 1,4 vạn thì điều tra và đưa các đối tượng vào cải tạo tại các trại mỗi năm trên 1,5 vạn.

Tại sao cần bổ sung thêm vai trò “trợ lý điều tra?”. Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, thông thường chủ trì công tác điều tra có Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng, các Điều tra viên. Nhưng để tiến hành công tác điều tra thì dứt khoát không thể chỉ một điều tra viên làm được, mà phải có các bộ phận khác như trinh sát, kỹ thuật, khám nghiệm hiện trường… hay công tác khám xét thì cần có vai trò của điều tra viên và những người giúp việc, do đó mong muốn có “trợ lý điều tra”.

Dự thảo luật có 71 điều, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004. Do được ban hành từ lâu nên Pháp lệnh năm 2004 chưa có điều kiện thể chế hóa, cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về nguyên tắc, tổ chức, hoạt động và cơ chế kiểm soát quyền lực của các cơ quan tư pháp, các quy định về ghi nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân... trong hoạt động điều tra hình sự.

Pháp lệnh năm 2004 cũng chưa có quy định về quản lý công tác điều tra hình sự nên đã có tình trạng Bộ, ngành nào tổ chức, quản lý Cơ quan điều tra thì Bộ, ngành đó ban hành văn bản hướng dẫn về nghiệp vụ điều tra, về bổ nhiệm, miễn nhiệm Điều tra viên nên thiếu tính thống nhất trong chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động điều tra hình sự.

Ngọc Quang