“Kiên trì đòi vỉa hè, không để mất uy tín với người dân”

25/05/2017 09:56
Phương Linh
(GDVN) - “Kiên trì thực hiện việc lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè tới nơi tới chốn, không để mất uy tín với người dân.”

Trên đây là yêu cầu của ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, được nêu ra tại buổi sơ kết tình hình lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè từ đầu năm 2017 cho đến nay.

Buổi sơ kết này vừa được tổ chức vào ngày 24/5, ở trụ sở của Ủy ban nhân dân thành phố.

186 tuyến đường, chỉ có 85 tuyến đường có vỉa hè thông thoáng

Báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Tường – Phó ban chuyên trách, Ban An toàn giao thông thành phố cho biết, trong thời gian vừa qua, với sự tham gia chỉ đạo thực tế của lãnh đạo các quận huyện, công tác lập lại trật tự lòng lề đường, vỉa hè đã có những chuyển biến đáng ghi nhận.

Một số tuyến đường, khu vực đã cơ bản thông thoáng, đạt yêu cầu về mỹ quan đô thị. Trong 4 ngày của tháng 5, đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố dã tiến hành đợt 1, đi kiểm tra ở 186 tuyến đường trọng điểm của thành phố, thì có 85 tuyến đường có vỉa hè thông thoáng.

Ngoài ra còn có 86 tuyến đường có kinh doanh theo giới hạn vạch sơn trên vỉa hè, vẫn còn nơi dành cho người đi bộ, 15 tuyến đường vẫn còn xảy ra tình trạng buôn bán phức tạp.

Một trường hợp lấn chiếm vỉa hè để đậu xe ô tô tại địa bàn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Một trường hợp lấn chiếm vỉa hè để đậu xe ô tô tại địa bàn quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Nhiều tuyến đường vẫn còn xảy ra tình trạng bị lấn chiếm vỉa hè vào ban đêm, ngày nghỉ, chủ yếu là dùng để kinh doanh hay làm nơi để xe.

Nguyên nhân của những tồn tại này, được đại diện lãnh đạo Ban An toàn giao thông thành phố chỉ ra, đó là do nhiều nơi cách làm chưa thích hợp, cách tuyên truyền đi theo lối mòn, chưa tạo được sự đồng tình, thuyết phục từ phía người dân, nhận thức của người dân chưa được chuyển biến.

Song song đó, công tác kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm vẫn chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục, thiếu tính kiên quyết, nhất là ở cấp phường, xã, làm dư luận có thể hiểu rằng có tình trạng bao che, bảo kê, tiêu cực.

Đại diện lãnh đạo các quận huyện phát biểu tại buổi họp đã đề xuất, cần tăng cường tuyên truyền cho người dân hiểu rõ rằng, việc giữ gìn trật tự vỉa hè cũng là trách nhiệm của mình, chứ không phải chỉ là trách nhiệm từ phía chính quyền.

Kiên trì “đòi” vỉa hè, lập lại trật tự lòng lề đường

Ngay sau khi nghe báo cáo về tình hình trật tự lòng lề đường, vỉa hè của thành phố trong thời gian qua, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận định: Nhiều quận huyện đã chưa thực hiệm nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố trong việc này.

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, thời gian vừa qua, ông Nguyễn Thành Phong đã nhận được nhiều tin nhắn của người dân, phản ánh vấn đề này, vấn đề kia cho ông biết.

“Nói mà không làm đến nơi đến chốn là người dân phê bình ngay. Người dân cần những cán bộ nói là làm, nói được làm được, chứ không phải nói thì hay, mà làm thì không xong” – ông Nguyễn Thành Phong nói tiếp.

Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Kiên trì "đòi" vỉa hè để không mất uy tín với dân (ảnh: P.L)
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Kiên trì "đòi" vỉa hè để không mất uy tín với dân (ảnh: P.L)

Chủ tịch Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải nghĩ đến phương án tổ chức vỉa hè làm sao cho hiệu quả. Cửa hàng kinh doanh, buôn bán không có chỗ để xe, mà chúng ta không có hầm ngầm thì phải làm sao?

Nếu vỉa hè rộng thì có thể nghĩ đến phương án dành 1 khoảng cho người đi bộ, còn dành 1 khoảng để giữ xe vào một thời điểm nào đó. Giải pháp xử lý vỉa hè phải có tinh thần chia sẻ với người dân, nhưng cũng không nên xem vỉa hè, lòng đường là nơi giải quyết xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Việc lập lại trật tự lòng lề đường, “đòi” lại vỉa hè cần phải thực hiện kiên trì, làm tới nơi tới chốn để không mất uy tín đối với người dân.

Trong thời gian sắp đến, cứ 3 tháng 1 lần, Chủ tịch thành phố sẽ chủ trì họp về công tác chấn chỉnh trật tự lòng lề đường, vỉa hè, xem các địa phương đã làm được những gì, còn điều gì tồn tại, chỗ nào chưa giải quyết thì sẽ được bàn để có hướng giải quyết ngay.

“Xử lý nghiêm những nơi để tái lấn chiếm, quá trình thực thi công vụ mà cán bộ nào không hoàn thành nhiệm vụ thì mời nghỉ, đi làm việc khác” – ông Nguyễn Thành Phong kết luận.

Phương Linh