Kỳ bí chuyện thám hiểm hang "70 gánh vàng"

20/02/2012 17:08
Ngọn núi Khăm Mả hùng vĩ nằm tại địa phận Bản Khuông, xã Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng từ lâu đã nổi tiếng với những chuyện nửa hư nửa thực.

Một trong những câu chuyện đó liên quan đến 70 gánh vàng được chôn sâu dưới lòng núi.


Kỳ bí chuyện thám hiểm hang "70 gánh vàng" ảnh 1
Đường lên núi Khăm Mả.

"Trấn yểm" 70 gánh vàng

Để thông tỏ câu chuyện mang tính huyền bí và tiện đường đi lối về khi dấn thân vào hang vàng Khăm Mả, chúng tôi tìm gặp Trưởng thôn Bản Khuông, ông Nông Lưu Đồng - một trong những người nắm giữ câu chuyện thần bí ở núi vàng nổi tiếng này. Đồng thời, ngôi nhà sàn của gia đình ông Đồng cũng tọa lạc ngay dưới chân núi, phía vào cửa hang - nơi được coi là vùng đất "trấn yểm" cho hang.

Sau một hồi suy nghĩ, cuối cùng ông Đồng cũng chấp nhận tiết lộ về hang vàng. Nhưng ông ra điều kiện, không ghi âm, không chụp ảnh.

Ông Đồng cho biết, trước đây núi Khăm Mả là vùng hoang sơ nhiều thú dữ, là nơi lẩn trốn của đa số các trọng phạm triều đình thời phong kiến. Khu vực đó còn là nơi mà các quan Tàu dùng để chứa kho báu khi có biến.

Hơn chục năm về trước, chính ông Đồng là người đã lần theo các câu chuyện và tìm ra cửa hang dẫn vào phía trong.

"Cửa hang hẹp, chỉ một người chui qua. Nhưng phía trong thì rộng mênh mông. Ở trên một cột nhũ đá còn hàng chữ Hán ghi rõ "kim ngân thất thập đám" (vàng bạc bảy mươi gánh - PV).

Khi tôi động đến hàng chữ thì bất ngờ hang chuyển động, bụi và đá đổ xuống. Hoảng sợ, tôi chạy lên cửa hang nhìn xuống thì đá lấp gần hết hang phía trong", ông Đồng nhớ lại.
T10-hang-vang-1.jpg
Ông Đồng kể về hang vàng.
Sau sự kiện đó, ông Đồng xuống núi và phát hiện phía dưới một hốc đá gần ngôi nhà sàn một hố đất lạ. Thò tay vào, ông Đồng phát hiện khá nhiều xương người và những búi tóc.

Nhớ lại chuyện "trấn yểm" vàng trên núi, để đảm bảo an toàn cho gia đình, ông Đồng đành lấp lại hố đất và không bao giờ còn ý tưởng vào trong hang núi tìm vàng.  

Xương người và thanh kiếm bị mất

Tò mò, chúng tôi quyết định vào trong hang núi để khám phá sự thật. Từ ngôi nhà sàn của ông Đồng, chỉ 20 phút đi bộ ngược lên lưng chừng vách núi là thấy được cửa hang.

Đúng như lời ông Đồng, cửa hang rất hẹp, chỉ một người khéo léo lách qua mới có thể vào được. Tuy nhiên, cửa hang khá sâu, muốn xuống được phải bám chặt vào các mỏm đá mà nhích xuống.

Tiến vào phía trong khoảng 6m, từng viên đá hộc hiện ra như có một sự sắp đặt của người xưa. Người bạn dẫn đường bảo:

"Phía dưới những tảng đá này có rất nhiều xương người và ngựa. Trước đây, khi các quan cho lính chuyển vàng đến để giấu đã giết chết cả người lẫn ngựa để bịt đầu mối".

Chúng tôi thận trọng khom mình, bò sát vách khe núi tiến vào phía trong nhưng như lời ông Đồng, hang đã bị lấp và chỉ còn những mỏm đá hộc chìa ra.

Cẩn thận lật từng viên, mùi tử khí bốc lên vô cùng khó chịu. Những mẩu xương đủ các sắc màu hiện ra khiến chúng tôi không khỏi rùng mình.

Đáng ngạc nhiên, càng lật những viên đá và càng đào sâu xuống thì lại càng nhiều xương. Xương người, ngựa cùng nhiều thứ kim loại khác khiến chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về tính xác thực của câu chuyện.


T10-hang-vang-4.jpg
Trong hang có cả xương người và xương ngựa.
Anh bạn dẫn đường đang khom người bới đống đá thì chợt nhớ ra một chuyện: "Hơn chục năm trước khi phát hiện ra cửa hang, người ta thấy một thanh kiếm lớn đâm ngập chuôi vào một tảng đá xanh.

 Đó chính là chìa khóa mở ra kho báu. Nhưng chỉ một thời gian sau, tảng đá ấy bị đập vỡ và thanh kiếm bị lấy đi, đến giờ vẫn không biết tung tích thanh kiếm ở đâu".

Một cao niên ở Bản Khuông khẳng định: "Thanh kiếm và xương người là có thật. Đó là những vật "trấn yểm" bảo vệ kho báu. Người lạ vào hang, không biết các ký hiệu nên đá rơi xuống đã lấp hang".

Trả giá vì lòng tham

Từ khi có thông tin phát hiện ra hang vàng núi Khăm Mả, khá nhiều nhóm săn vàng đã mò đến mong tìm ra kho báu.

Ngay sau ngày ông Đồng thoát chết vì hiện tượng đá sập đã có một nhóm 13 người từ thị xã Cao Bằng với đủ mọi dụng cụ dò vàng có mặt tại bản với ước vọng phát tài.

Họ tìm kiếm liên tục trong hơn một tuần lễ, không biết có "săn" được vàng hay không nhưng quá nửa trong số ấy bị thương tật do đá đè, sụt đất hoặc trúng độc.

Chưa hết, một nhóm thanh niên 6 người huyện Quảng Uyên cũng lần tới tìm vàng. Họ tìm đủ mọi cách vào hang nhưng đều bất thành. Cuối cùng nhóm người quyết định nổ mìn phá đá. Tuy nhiên, mìn chưa kịp nổ thì người chỉ huy lăn đùng ra ngất xỉu, mồm sùi bọt mép như hiện tượng trúng độc.

Tưởng mọi chuyện chỉ có thế, ai ngờ khi về đến nhà, 5 trong 6 thanh niên lần lượt ốm chết không rõ nguyên do. Chỉ còn lại một thanh niên bị ngất là sống sót, tuy nhiên theo một nguồn tin, người này vì bị chấn động mạnh nên tinh thần hoảng loạn và hiện đang sống tại thị xã Cao Bằng.

"Sau đó nữa vẫn còn những nhóm tìm vàng không rõ quê quán ở đâu lên núi săm soi. Nhưng tất cả đều ra về vì không có cách nào lọt được vào phía trong cửa hang", ông Đồng cho hay.
"Dù núi Khăm Mả có kho báu hay không thì ngành văn hóa huyện Trùng Khánh vẫn phải vào cuộc để trấn an dư luận. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức có thể để không ảnh hưởng đến tín ngưỡng tập tục của bà con và không để kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền nhảm về kho báu trên núi".
Ông Lương Văn La (Trưởng phòng Văn hóa huyện Trùng Khánh)

Trần Hòa/Bee