Lá thư của người bệnh, một câu chuyện chứa chan lòng nhân ái

27/02/2015 06:09
Đức Thiện
(GDVN) - Tôi được ra viện sớm, về ăn Tết vui vẻ tại nhà, và tôi rất biết ơn các thầy thuốc...

LTS: Ngành Y là công việc vô cùng nhậy cảm, mỗi việc làm, mỗi hành động của người thầy thuốc đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Thầy thuốc như mẹ hiền, từ ngàn xưa người làm nghề khám chữa bệnh đã được cả xã hội tôn vinh như thế.

Trong vòng xoáy kim tiền thời hiện đại, đôi khi hình ảnh của những người thày thuốc có bị mai một. Song đó chỉ là một phần rất nhỏ và bức thư của độc giả Vũ Tiến Đức (Quảng Xương, Thanh Hóa) -một bệnh nhân- là một trong hàng ngàn minh chứng cho sự tận tụy, đêm ngày vì người bệnh của hàng vạn y bác sỹ trên cả nước.

Nhân ngày 27/2, ngày Thầy thuốc Việt Nam, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng gửi tới độc giả bức thư này. Và, đó cũng chính là sự đồng cảm, sẻ chia của Tòa soạn với những người đang ngày đêm hy sinh bản thân mình, từng giờ từng phút trị bệnh cứu người, giành giật từng giây cho sự sống của đồng loại...

Những lời cảm ơn xúc động

"Tôi là Vũ Tiến Đức (trú tại xã Quảng Vinh, Quảng Xương, Thanh Hóa) là thương, bệnh binh được nhà nước ưu tiên cho hưởng chế độ bảo hiểm y tế (BHYT) 100%. Bản thân tôi cũng là y tá lâu năm trong quân đội, nay đã phục viên về quê, sinh sống. Gần gần 30 năm hưởng BHYT, phần lớn thời gian tôi khám và điều trị tại bệnh viện Trung ương - K71 (chợ Môi, xã Quảng Tâm, Quảng Xương, Thanh Hóa).

Ông Vũ Tiến Đức, tác giả bức thư. Ảnh Đức Thiện
Ông Vũ Tiến Đức, tác giả bức thư. Ảnh Đức Thiện

Ba năm trở lại đây, tôi được chuyển về khám, chữa bệnh tại bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Trung ương (có địa chỉ tại phường Trường Sơn, thị xã Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Do tuổi cao, bệnh tật nhiều hơn, thời gian này, tôi liên tục phải vào điều trị tại bệnh viện.

Thời gian khám và điều trị tại đây, tôi thấy các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế nơi đây đã phục vụ người bệnh rất thân ái, ân cần. Thăm khám, cứu chữa cho người bệnh rất nhiệt tình, chu đáo, không phân biệt đó là ai, giàu hay nghèo, có hay không có chế độ BHYT.

Còn nhớ, khoảng thời gian trước tết Ất Mùi, tôi đột nhiên thấy tức ngực, khó thở liền gắng gượng đi xe máy từ nhà đến Bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám.

Bác sĩ Hoàng Thị Xuân - Trưởng khoa Người Cao tuổi cho biết: “Không chỉ bản thân tôi mà tất cả các bác sĩ trong khoa đều quý mến bác sĩ Tự. Bác sĩ Tự tuy tuổi đời còn trẻ nhưng rất nhiệt tình trong công việc, ân cần, chu đáo và có tâm với bệnh nhân, đúng nghĩa với hình ảnh của một “lương y như từ mẫu”. Vì những cống hiến đó, bác sĩ Tự đã được giới thiệu, đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen”.

Tại đây, tôi được các bác sĩ bệnh viện thăm khám kịp thời và điều trị tại khoa Người Cao tuổi. Phòng tôi nằm điều trị có khoảng gần 10 bệnh nhân. Tất cả bệnh nhân đều được các y, bác sĩ và nhân viên tận tình chăm sóc, chữa trị.

Trong số các bác sĩ đã thăm khám, tôi nhớ như in hình ảnh bác sĩ Nguyễn Thị Tự - người luôn tận tình, thăm nom, khám bệnh và chế độ thuốc men không bỏ sót một ai, một biểu hiện bệnh nào của bệnh nhân, dù là nhỏ nhất. Bản thân tôi vào, ra viện nhiều lần, nhưng không vì thế mà bệnh tình bị xem nhẹ, ngược lại vẫn được các bác sĩ rất quan tâm.

Lần này, tôi được ra viện sớm, về ăn Tết vui vẻ tại nhà, tôi rất biết ơn các thầy thuốc ở khoa Người Cao tuổi, bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Trung ương. Cảm động, nể phục nhất là hình ảnh người bệnh nặng được điều trị khỏi bệnh, trước khi ra viện biếu chị một món quà nhỏ nhưng chị Tự nhất định không nhận.

Và tôi trực tiếp chứng kiến câu chuyện cảm động: "Anh con trai của một bệnh nhân khẩn khoản nói với chị Tự rằng phong bì chỉ có vài trăm nghìn, là lòng thành của gia đình để cảm ơn bác sĩ, mong bác sĩ nhận cho. Công ơn của bệnh viện, của các thầy thuốc chữa bệnh cho nhân dân biết lấy gì so sánh được..." Lúc đó, các sỹ Tự nhất định không nhận và khuyên họ cất tiền đi. Khi bệnh nhân ra về, chị nhẹ nhàng dặn dò người bệnh phải chú ý chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp và thực hành vệ sinh phòng bệnh để nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.

Nhớ lại bản thân tôi cách đó vài tháng, trước khi ra viện có ý biếu chị  món quà rất nhỏ nhưng chị cũng không nhận. Tôi vừa cảm phục vừa tự hào có những đồng nghiệp như chị (vì tôi vốn là y tá).

Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi xin cảm ơn Ban Giám đốc bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Trung ương đã tạo ra môi trường xây dựng nên những thầy thuốc đáng quý, được nhân dân khen ngợi. Nhìn thấy những nụ cười tươi tắn nở bừng trên gương mặt người nữ bác sĩ và gia đình bệnh nhân nọ, tôi thầm nghĩ, càng có nhiều những thầy thuốc như Bác sĩ Tự thì người dân càng có niềm tin khi vào bệnh viện, yên tâm đặt trọn sức khỏe và tính mạng mình trong tay những "lương y như từ mẫu".

Hết lòng vì bệnh nhân

Sau khi nhận được bức thư đầy cảm động của ông Vũ Tiến Đức phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đến Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng TW Sầm Sơn để tìm hiểu thêm thông tin và được biết bác sĩ Nguyễn Thị Tự hiện đang công tác tại nơi đây.

Bác  sĩ  Nguyễn Thị Tự sinh năm 1976, sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Đa khoa năm 2000, chị về công tác tại Khoa Người cao tuổi, Bệnh viện Điều dưỡng và phục hồi chức năng TW Sầm Sơn. Ấn tượng khi gặp gỡ là ở chị toát lên một vẻ nhân hậu, dịu dàng. 

Xác định ngành Y là gian khổ, lắm lúc phải nặng lòng vì nỗi đau của người bệnh nhưng chị đã yêu và đã chọn con đường này. Từ buổi đầu còn nhiều bỡ ngỡ, áp dụng những kiến thức từ giảng đường vào thực tế hàng ngày, chị luôn biết lắng nghe để học hỏi thêm những kinh nghiệm hay của các đồng nghiệp đi trước. 

Trăn trở trước những cơn vật vã vì đau hay những lần ngất lịm đi của người bệnh, chị lại càng làm việc không biết mệt mỏi; luôn cầu tiến và tìm tới những điều mới mẻ, không ngừng học tập nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, cố gắng đóng góp nhiều hơn trong trách nhiệm và phận sự của mình, được nhiều bệnh nhân quý mến.

Bác sĩ Nguyễn Thị Tự khám bệnh cho bệnh nhân cao tuổi. Ảnh Đức Thiện
Bác sĩ Nguyễn Thị Tự khám bệnh cho bệnh nhân cao tuổi. Ảnh Đức Thiện

Với đặc thù bệnh nhân là những người cao tuổi, khó tính, hay cáu gắt và rất dễ kích động, chị đã nắm bắt tâm lý, luôn quan tâm, động viên, an ủi để người bệnh yên tâm điều trị, xem người bệnh như chính người thân của mình. 

Bác sỹ Tự chia sẻ: “Sau khi mỗi lần điều trị cho bệnh nhân, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng có nhã ý cảm ơn nhưng tôi đều từ chối. Thật ra mỗi bệnh nhân vào đây đều có hoàn cảnh khác nhau, đều có những khó khăn nhất định về kinh tế, bệnh nhân vào đây điều trị, khỏi bệnh là chúng tôi thấy vui rồi, chúng tôi luôn xem bệnh nhân như những người thân của mình”.

Là một bác sĩ trẻ, tham gia khám và điều trị cho người bệnh tại khoa Người cao tuổi, chị và đồng nghiệp đã điều trị thành công một số trường hợp bệnh nặng, giúp bệnh nhân và người nhà yên tâm điều trị không xin chuyển lên tuyến trên. Điều đó góp phần nâng cao chất lượng điều trị trong toàn viện và giúp người bệnh đỡ khó khăn tốn kém. 

Chưa hài lòng, thỏa mãn với khả năng chuyên môn của mình, bác sĩ Tự luôn khiêm tốn học hỏi cấp trên và đồng nghiệp, tự giác rèn luyện, tu dưỡng từng lời ăn, tiếng nói, từng thái độ ứng xử khi giao tiếp với mọi người để không ngừng nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp…

Song song với công tác chuyên môn chị còn tích cực tham gia một số công việc của đoàn thể xã hội, thông qua các buổi họp và các buổi giao ban, chị đã tiếp thu, đăng ký và tham gia các phong trào thi đua, thực hiện tốt y đức gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cố gắng phấn đấu hoàn thiện về mọi mặt.

Trưởng điều dưỡng Khoa người cao tuổi – Chị Hoàng Thị Xuân cho biết: “ Không chỉ bản thân tôi mà tất cả các bác sĩ trong khoa đều quý mến bác sĩ Tự, bác sĩ Tự tuy tuổi đời còn rất trẻ nhưng rất nhiệt tình trong công việc, ân cần, chu đáo và có tâm với bệnh nhân, đúng nghĩa với một bác sĩ “lương y như từ mẫu”. Vì những cố gắng đó, bác sĩ Tự đã được đề cử là người phụ nữ 2 giỏi cấp bệnh viện và đã được giới thiệu, đề nghị UBND tỉnh tặng bằng khen”.

Đức Thiện