Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13:

"Làm rõ thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước"

21/05/2013 12:14
Ngọc Quang
(GDVN) - "Các quy định về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, bổ nhiệm, cách chức các chức danh trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc giữ chức vụ chủ tịch quốc phòng và an ninh đã làm rõ hơn nội hàm thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước...".

Về thẩm quyền của Chủ tịch nước với hoạt động hành pháp, ông Phan Trung Lý, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, có 3 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành như quy định của dự thảo, khi cần thiết Chủ tịch nước yêu cầu họp bàn về những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị khi cần thiết Chủ tịch nước yêu cầu họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm.

Loại ý kiến thứ ba không tán thành như quy định tại dự thảo mà đề nghị giữ như hiến pháp hiện hành.

UB soạn thảo sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 đề nghị tăng thẩm quyền của Chủ tịch nước.
UB soạn thảo sửa đổi Dự thảo Hiến pháp năm 1992 đề nghị tăng thẩm quyền của Chủ tịch nước.

UB soạn thảo hiến pháp nhận thấy, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước, thay mặt nhà nước về đối nội, đối ngoại. Trong một số trường hợp cần thiết, Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm nhằm giúp Chủ tịch nước thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình.

Do đó, UB soạn thảo sửa đổi hiến pháp chỉnh lý và trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung này theo hướng: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.

Ông Phan Trung Lý - Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội: "UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, căn cứ vào mô hình tổ chức bộ máy của nhà nước ta và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp".
Về thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang, có ý kiến cho rằng có nên cân nhắc Chủ tịch nước thống lĩnh lực lượng vũ trang như trong Hiến pháp? Về vấn đề này, ông Phan Trung Lý nêu ý kiến của UB dự thảo sửa đổi hiến pháp: "Quy định về vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước là kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992".

Mặt khác, các quy định về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, bổ nhiệm, cách chức các chức danh trong lực lượng vũ trang nhân dân hoặc giữ chức vụ chủ tịch quốc phòng và an ninh đã làm rõ hơn nội hàm thẩm quyền thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước.

Về thẩm quyền phong hàm cấp tướng và bổ nhiệm các chức danh trong quân đội nhân dân Việt Nam tại khoản 5 Điều 93, có hai loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị ngoài thẩm quyền phong hàm cần bổ sung quy định về thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Đồng thời, ngoài việc bổ nhiệm cần bổ sung việc miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, Chủ tịch nước với tư cách là thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân nên cần thiết phải quy định thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ Tư lệnh quân khu, quân chủng, quân đoàn và tương đương, vì đây là các chức danh chỉ huy quân đội chứ không phải là chức danh quản lý nhà nước.

UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy, căn cứ vào mô hình tổ chức bộ máy của nhà nước ta và thực tiễn công tác cán bộ hiện nay, việc Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh Tổng tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp.

"Do đó, UB soạn thảo sửa đổi Hiến pháp dự kiến chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến về việc bổ sung các trường hợp về phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân trong các lực lượng vũ trang nhân dân và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam cho đầy đủ và phù hợp", ông Lý nhấn mạnh.

Lực lượng vũ trang nước Việt Nam
Lực lượng vũ trang nước Việt Nam
Giải thích về những yêu cầu lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước sẽ được áp dụng chung theo các quy định của pháp luật hiện hành,Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng không cần thiết phải quy định vấn đề này trong dự thảo.
Ông Phan Trung Lý cũng cho biết, có loại ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: "Chủ tịch nước có quyền giải tán Quốc hội, tuyên bố bầu cử sớm, giải tán Chính phủ, cách chức Thủ tướng để Quốc hội bầu Thủ tướng mới, thành lập Chính phủ mới".
Về ý kiến này, UB soạn thảo sửa đổi hiến pháp giải thích: Việc người đứng đầu quốc gia giải tán Quốc hội, Chính phủ chỉ xảy ra ở một số nước, nơi quyền lực tập trung chủ yếu ở Tổng thống do dân bầu trực tiếp - Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu bộ máy hành pháp.
Ở Việt Nam, với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nên không thể quy định một thiết chế nào có thể “giải tán” Quốc hội. Do vậy, Ủy ban đề nghị không quy định nội dung này trong Hiến pháp.
Ngọc Quang