Làm sao tìm thấy công bằng khi đánh giá giới tính của trái tim?

10/06/2015 16:53
Ngọc Quang
(GDVN) - Điều bất hạnh nhất trong cuộc đời của những người không được bình thường về giới tính có lẽ chính là việc họ không được sống thật với chính con người của mình.

Sáng nay, khi thảo luận về dư án Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều quan điểm đối nhau chan chát về quy định “chuyển đổi giới tính”.

Và có lẽ, những thông tin này cũng đang có sức hút với hàng trăm người đã công khai chuyển đổi giới tính và cả những người còn đang sống trong một vỏ bọc không phải là chính mình.

Có những Đại biểu như ông Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) cho rằng, trên thế giới nhiều nước đã thừa nhận việc này. Tuy nhiên, ở nước ta không nên thừa nhận, vì văn hóa dân tộc chưa cho phép.

Và, ông Dũng đề nghị không đồng tình cho chuyển đổi giới tính và không thừa nhận việc này. Chỉ thừa nhận những người nào đã chuyển đổi giới tính trước khi luật này có hiệu lực.

Có một thực tế là đa phần các Đại biểu Quốc hội không lên tiếng ủng hộ cho chuyển đổi giới tính, mà lại ủng hộ hướng quy định “không cho phép, cũng chẳng cấm”.

Vậy thì những đối tượng này ngoài vòng pháp luật? Một câu hỏi có phần hài hước, nhưng nó lại rất đúng với thực tế, bởi nhiều người đã chuyển đổi giới tính, dáng hình là nữ nhưng hồ sơ giấy tờ lại vẫn là nam.

Bởi vậy mà Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ) băn khoăn, mọi người dân đều được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, khi đã có sự hiện hữu của những con người chuyển đổi giới tính tại sao không cấm mà cũng không thừa nhận.

Ông Thủy đề nghị, nên sửa cả trong Luật hôn nhân và gia đình về đăng ký sống chung giữa những người chuyển giới tính. Cần quy định cá nhân có quyền xác nhận lại giới tính và kể cả người chuyển đổi giới tính.

Vì như trường hợp của ca sĩ Hương Giang Idol cơ thể là phụ nữ rồi mà mọi thứ hộ khẩu, quyền, trách nhiệm lại là nam giới.

Hương Giang với hình thể là nữ, nhưng giấy tờ lại là nam. ảnh: Khám phá.
Hương Giang với hình thể là nữ, nhưng giấy tờ lại là nam. ảnh: Khám phá.

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) thì đề nghị, đối với những trường hợp muốn chuyển đổi giới tính thì cũng cần phải có chứng nhận khoa học nào đó để khẳng định họ là nam hay nữ thì sẽ cho họ chuyển đổi giới tính. Vì nếu quy định cứng là không đồng ý cho chuyển đổi giới tính thì ảnh hưởng đến quyền con người.

Ông Sơn tin rằng, làm như vậy sẽ ngăn chặn được những trường hợp có suy nghĩ lệch lạc, do lối sống ảo tưởng nên đòi chuyển đổi giới tính.

Rõ ràng dù muốn hay không thì vấn đề chuyển đổi giới tính đang là một thực tế của đời sống xã hội Việt Nam. Có lẽ, xu hướng quy định cần xác minh khoa học “nam hay nữ” như quan điểm của Đại biểu Nguyễn Văn Sơn sẽ nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận xã hội, vì người đồng giới cũng là một con người, là một công dân. Và, họ cần được đối xử công bằng.

Điều đáng tiếc là nhiều người đã khơi ra rằng vì “thuần phong mỹ tục” nên không thể công nhận chuyển đổi giới tính. Nhưng “thuần - phong - mỹ - tục” ấy là gì thì lại không nhiều người hiểu được một cách chính xác. Thế nên, cũng chẳng có gì lạ khi người ta soạn ra quy định “không cấm, nhưng không thừa nhận”.

Có bao giờ người ta thử đặt ra câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với một cô gái lại bị cầm tù trong thể xác của một người đàn ông, hay người đàn ông bị cầm tù trong thể xác một cô gái? Điều đó chẳng đáng thương lắm hay sao? Và nếu tạo điều kiện để họ trở về với đúng con người thực thì chẳng phải nhân văn hay sao? Vấn đề còn lại chỉ là cách làm thế nào mà thôi.

Ai cũng có quyền được sống. Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc. Ai cũng mong nhận được sự tôn trọng, dù đó là những con người chưa rõ về giới tính thật của chính mình.

Trong mỗi con người đều có một trái tim. Nếu trái tim ấy biết yêu thương, chia sẻ, biết rung động thì đó chính là điều đáng trân trọng nhất. Chẳng phải vậy sao? Vậy thì làm sao tìm thấy công bằng nếu đánh giá giới tính của một trái tim?

Ngọc Quang