Lãnh đạo Tiên Lãng lý giải sự "kháng cự quyết liệt của ông Vươn"

03/02/2012 07:25
Tuệ Minh
(GDVN) - Đó là thông tin chúng tôi có được từ một lãnh đạo UBND huyện Tiên Lãng, TP. Hải Phòng sáng ngày 02/2.
Ngày 2/2, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam đã trở lại huyện Tiên Lãng, tiếp tục có buổi trao đổi với ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng về các vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế ngày 5/1 vừa qua.

Ông Khánh cho biết: Việc thu hồi là theo quyết định, để tiếp tục cho dân sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản nhưng hình thức sẽ khác đi, chuyển từ giao đất sang cho thuê đất. 
Và việc cho thuê này thực hiện dân chủ, công khai. Thay vì một hộ dân được đầu tư trên một diện tích lớn như vậy thì sẽ có 4 -5 hộ khác cũng được đầu tư để làm ăn.

Nếu không chấp hành quyết định thu hồi, các hộ dân còn lại cũng sẽ bị cưỡng chế (Ảnh: Tuấn Nam)
Nếu không chấp hành quyết định thu hồi, các hộ dân còn lại cũng sẽ bị cưỡng chế (Ảnh: Tuấn Nam)
Tuy nhiên, theo ông Khánh, gia đình ông Vươn lại muốn được giao đất và với toàn bộ số diện tích bị thu hồi chứ không phải một phần nên đã xảy ra sự kháng cự quyết liệt của ông Vươn.
Ông Khánh cho biết thêm: Với hơn 20 hộ dân có diện tích đầm thuộc diện bị thu hồi còn lại, những vùng đầm, đất nào đã hết hạn được giao thì sẽ phải thu. Vấn đề cưỡng chế cũng phải tùy theo tình hình.

 Nếu căn cứ vào quy định của pháp luật, hộ dân nào thuộc diện phải cưỡng chế mà cương quyết không chấp hành thì căn cứ vào quy định của pháp luật thì sẽ buộc phải cưỡng chế. "Khi cưỡng chế nhà anh Vươn, tôi cho rằng đó không phải là sơ suất do không chuẩn bị mà chúng tôi đã chuẩn bị rất kỹ"…
Cũng trong buổi tiếp xúc, khi được hỏi về việc UBND huyện Tiên Lãng có ra lệnh cho lực lượng cưỡng chế phá ngôi nhà của anh Quý không thì ông Ngô Ngọc Khánh khẳng định: “Huyện không ra lệnh và không có chỉ đạo nào cho phá căn nhà của ông Quý. Và lực lượng cưỡng chế không ai tham gia phá căn nhà đó”. 
Đồng thời ông Khánh cũng khẳng định lại, đó không phải là nhà ở mà là lều tạm. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, dù đó không phải là nhà nhưng đó vẫn là tài sản của một công dân. Trong buổi tiếp xúc, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã đặt ra câu hỏi: khi công an thành phố Hải Phòng và UBND huyện Tiên Lãng cùng khẳng định không phá tài sản đó (căn nhà của ông Quý) thì phía huyện đã có động thái gì về việc này chưa? 
Trả lời câu hỏi này, ông Khánh cho biết cơ quan chức năng đã vào cuộc để xác minh hành vi phá hoại tài sản công dân này. Tuy nhiên khi được hỏi cụ thể, cơ quan chức năng ở đây là cơ quan nào thì ông Khánh lại cho biết: lãnh đạo thành phố giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó làm nhưng ông lại không biết ai đã được giao.
Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Đỗ Trung Thoại – Phó chủ tịch UBND TP. Hải Phòng nói: “Việc một số đối tượng người dân phá hủy ngôi nhà là do UBND huyện Tiên Lãng báo cáo lên chứ không phải là phát ngôn của UBND TP. Hải Phòng cũng như cá nhân tôi”.
Đến giờ vẫn chưa xác định được ai đã phá căn nhà của ông Quý (Ảnh: Tuấn Nam)
Đến giờ vẫn chưa xác định được ai đã phá căn nhà của ông Quý (Ảnh: Tuấn Nam)
Trả lời về vấn đề này, vị chánh văn phòng nói: “Chúng tôi không thông tin về việc có báo cáo lên như vậy hay không, chúng tôi chỉ báo cáo về tiến trình của vụ cưỡng chế”. Ông Khánh cũng đặt ra câu hỏi: “Dân ở đây là ai? Việc này còn phải xem xét, phải điều tra thì mới biết là dân nào”.
Cũng trong sáng cùng ngày, Trung ương hội Nông dân Việt Nam đã có mặt tại huyện Tiên Lãng, nghe báo cáo của Hội Nông dân huyện Tiên Lãng về toàn bộ sự việc kể từ khi xảy ra vào ngày 5/1. Ngay sau đó, đoàn tiếp tục làm việc với Hội Nông dân xã Vinh Quang.
Chiều cùng ngày, có mặt tại khu đầm bị cưỡng chế, theo quan sát của phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, bà Thương (vợ ông Vươn) và bà Hiền (vợ ông Quý) vẫn sống trong căn lều dựng tạm trên nền căn nhà đã bị san phẳng.

Bà Thương cùng bà Hiền vẫn sống trong căn lều dựng tạm trên nền căn nhà đã bị san phẳng (Ảnh: Tuấn Nam)
Bà Thương cùng bà Hiền vẫn sống trong căn lều dựng tạm trên nền căn nhà đã bị san phẳng (Ảnh: Tuấn Nam)

Tại đây, ông Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam làm trưởng đoàn đã nói: “Việc thuê đất 20 năm hay 14 năm thì là vấn đề còn đang tranh cãi và theo luật là không đúng.

Hiện nay, ở xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng đang nói là đất ven bãi, chưa phải đất nông nghiệp nhưng thực ra đất canh tác nông nghiệp như ở đây: nuôi trồng, chăn nuôi thủy sản thì mình coi như là đất nông nghiệp nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 
Và hiện nay, việc chưa có quyền sử dụng đất thì xảy ra rất nhiều trong cả nước chứ không riêng gì Tiên Lãng. Đây cũng là một thiếu sót. Chính quyền có giao đất để sản xuất nhưng hết thời hạn 14 năm thì lấy lại là chưa rõ mục đích…”
Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục gửi tới bạn đọc những thông tin mới nhất về vụ việc này.
Đoàn công tác của Tổng cục CSPCTP (Tổng cục VI - Bộ Công an) làm việc tại Hải Phòng về vụ cưỡng chế:

Cuối ngày 2/2, Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an TP. Hải Phòng, cho biết việc này cơ quan điều tra vẫn đang làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ cưỡng chế. Thêm một lần nưa, đại tá Ca khẳng định: Không có chuyện giang hồ tham gia  vụ này.

Tối cũng ngày, một đoàn công tác của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Tổng cục VI - Bộ Công an) đã có mặt tại TP. Hải Phòng và đến làm việc với Ban Giám đốc Công an TP. Hải Phòng để làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ việc.
Tuệ Minh