Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

‘Lạnh người’ ở nơi hàng chục cái chết được báo trước

23/11/2012 11:00
Bài và ảnh: Thu Thủy
(GDVN) - "Người chết ở đây rất nhiều, nhưng mình làm cái nghề này nó quen rồi, nhiều hôm phải lênh đênh trên mặt sông suốt đêm".
Cái chết luôn rình rập
Đến bãi cát Tự Nhiên thuộc địa phận xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội vào một buổi chiều thu, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là không gian thoáng đãng, thanh bình nơi đây. Những con sóng nhẹ nhàng chạy vào bờ cát dưới cái nắng dịu của bầu trời. Đi dọc bờ cát, chúng tôi quan sát thấy có rất nhiều bạn là học sinh đang nô đùa, nghịch ngợm dưới những chỗ nước gần bờ. 
Nói là gần bờ, nhưng thật ra đó mới chính là những chỗ nguy hiểm nhất, sâu nhất đã cướp đi sinh mạng của biết bao người, đa số là những học sinh, sinh viên – những đối tượng thường xuyên đến đây vui chơi.
Sông nước mênh mông luôn rình rập tính mạng con người
Sông nước mênh mông luôn rình rập tính mạng con người

 Trò chuyện với chú Nguyễn Văn Cương (xóm 1, xã Tự Nhiên), một người làm nghề chài lưới trên sông này, chúng tôi giật mình trước những cái chết đau lòng của nhiều nạn nhân xấu số. 
Theo như chú Cương, mùa hè năm nào, ở cái bãi cát này cũng xảy ra vài vụ chết đuối, nạn nhân chủ yếu là các bạn học sinh sinh viên. Đặc biệt là vào khoảng tháng 5, tháng 6, khi bắt đầu bước vào dịp nghỉ hè, cũng là lúc con nước lên mạnh nhất, rất nhiều học sinh sinh viên tụ tập liên hoan, rồi kéo nhau ra sông chơi rất đông. 
“Vào tháng 5 năm 2011, có một nhóm gồm 6 học sinh lớp 12 trường THPT Lý Tử Tấn (Thường Tín, Hà Nội) ra đây chơi để liên hoan chia tay. Nhưng không hiểu do bất cẩn hay trượt chân mà 2 cháu nữ trong số đó đã bị ngã xuống nước rồi tử vong” – chú Cương kể. 
Trước khoảng thời gian đó không xa, vào đầu hè năm 2011, con sông này cũng đã cướp đi tính mạng của hai nam sinh viên đại học quê Thái Nguyên. Được biết hai bạn nam sang bãi cát này để chơi với bạn học là người ở đây. 
“Chớm hè là khoảng thời gian hay xảy ra các vụ tai nạn đuối nước nhất, bởi đây là thời điểm nhiều người rủ nhau ra sông chơi, cũng là lúc mà nước ở lòng sông lên mạnh nhất”, chú Cương cho biết. 
Nói về nguyên nhân của những cái chết, chú Cương cho biết: “Nước ở đây xoáy rất mạnh, càng những chỗ gần bờ thì nước càng sâu do cát ở những chỗ này đã bị hút nhiều, có đoạn sâu tới 30 mét. Nhiều khi, chúng tôi nhắc nhở thì các cháu còn vô tư nói “chết thế nào được”.
Việc vui chơi như thế này có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào
 Việc vui chơi như thế này có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào

 Theo quan sát của chúng tôi thì dọc con sông không có lấy một tấm biển báo nguy hiểm, bên cạnh việc đa số các bạn trẻ còn chưa có kỹ năng để tự bảo vệ mình dưới nước, cộng với sự chủ quan, tâm lý ham chơi thì việc bị đuối nước là rất dễ xảy ra.
Công việc “sống chung với người chết”
Tìm gặp bác Dương Phúc Hưng (Hồng Vân – Thường Tín) – một người đã gắn bó với cái nghề chài lưới hơn 10 năm, bác Hưng cho biết: “Đánh bắt cá trên đoạn sông này là một công việc hết sức nguy hiểm và vất vả, bởi nước ở đây thường chảy rất mạnh và xiết, nhiều người bơi giỏi đôi khi còn bị đuối sức chứ đừng nói gì đến các cháu học sinh sinh viên. Vì vậy việc có nhiều người bị chết đuối ở đây hàng năm là chuyện bình thường”. 
Tôi hỏi vui: “Ở đây có nhiều người chết như vậy, bác không thấy sợ sao?”, bác Hưng cười lớn lên rồi đáp: “Sợ ư? Đã là dân chài lưới thì không biết sợ là gì, sợ nhất là không có cá thôi”. Bác tiếp tục: “Người chết ở đây rất nhiều, nhưng mình làm cái nghề này nó quen rồi, nhiều hôm phải lênh đênh trên mặt sông suốt đêm, sợ thì ít nhưng mệt, mệt vì lo chống đỡ với những cơn sóng mạnh của nước nhiều hơn. Nhiều người vẫn nói vui cái nghề của chúng tôi là nghề sống chung với người chết”.
Trẻ em ở quanh đây đều biết bơi từ lúc còn rất nhỏ, có lẽ việc chứng kiến quá nhiều cái chết đã khiến cho người dân vùng sông nước này luôn mang một tâm lý đề phòng.
Mỗi khi thấy ai đùa nghịch dưới nước, họ vẫn thường lên tiếng nhắc nhở và cảnh báo nguy hiểm. Song, ở những nơi “sông sâu nước cả” như thế này thì rất khó đề phòng tai nạn.
Hơn 10 năm gắn bó với sông nước, từng chứng kiến không biết bao nhiêu là cái chết oan uổng, bác Hưng như lặng người đi khi kể cho chúng tôi nghe về một vụ tử nạn mà mỗi khi nghĩ lại, bác không khỏi xót xa.


“Buổi trưa đó cách đây chừng 7, 8 năm, cũng là vào khoảng tháng 5, tháng 6, nước lên cao nhìn rất đẹp. Có một nhóm 5 bạn sinh viên đại học từ Hà Nội (3 trai và 2 nữ) về đây chơi. Có lẽ do người này cứu người kia những không đúng cách mà cả 5 cháu đã cùng thiệt mạng trên đoạn sông này. Nhưng mãi tận đến chiều tối mới có người phát hiện ra xác các cháu”. 
Nước ở đây rất sâu, trong khi lại có nhiều cát lún, có đoạn cát lún đến tận cổ một người lớn vì vậy một khi ai đã bị ngã xuống nước rồi thì hy vọng sống sót là vô cùng nhỏ, cho dù trong trường hợp được người nhà thuyền phát hiện ra, nhưng việc cứu vớt họ cũng là rất khó khăn. 
“Người chết ở lòng sông này rất khó để vớt xác lên, người ta phải dùng một thiết bị là cầu già để tìm xác, có khi phải mất đến cả một ngày mới tìm thấy một cái xác. Có nhiều khi, người nhà nạn nhân ra đây để đợi xác con em mình được vớt lên. Họ khóc lóc, kêu gào thảm thiết, nhìn mà thấy buốt lòng’ – bác Hưng xúc động nói. 
Cướp đi biết bao sinh mạng hàng năm nhưng ở cái nơi nguy hiểm này, ngoài những người vì miếng cơm manh áo phải đánh cược tính mạng với hà bá thì biết bao nhiêu người vẫn hàng ngày, hàng giờ lao đến vui chơi dù đã nhận không ít lời cảnh báo ‘cái chết được báo trước”. 
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Bài và ảnh: Thu Thủy