Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Lấy phiếu tín nhiệm: Tướng Thước trăn trở về trách nhiệm của các ĐBQH

14/12/2012 07:32
Hồng Chính Quang
(GDVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói: “Không chỉ vậy, nếu đại biểu Quốc hội mà không nắm vững tình hình thực tế thì khi bỏ phiếu sẽ làm một cách thiếu trách nhiệm, không chính xác và dễ có hiện tượng bấm nút theo phong trào…”.
Sẽ có nửa ngày để lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo cấp cao trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII tới đây vào tháng 5/2013. Đó là một sự kiện quan trọng được nhiều người quan tâm. Trao đổi với Giáo dục Việt Nam, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10 nói:

“Bỏ phiếu là vấn đề đúng đắn không phải bây giờ mới bàn tới mà mấy nhiệm kỳ Quốc hội trước, thời tôi còn làm Đại biểu Quốc hội cũng đã bàn đến rồi. Trong sinh hoạt về dân chủ, việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm là điều rất bình thường nhưng cho đến bây giờ, đưa ra vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm, tôi nghĩ là quá chậm”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước

Nói về ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng: “Nếu cán bộ làm tốt thì việc này là một sự khích lệ, biểu dương, động viên. Còn cán bộ làm không tốt thì việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm có ý nghĩa rằng cán bộ đó không đủ khả năng để tiếp tục công việc hoặc làm việc mà còn có khiếm khuyết thì ra sức khắc phục khuyết điểm đó; đối với những cán bộ mà hư hỏng quá thì phải tìm cách loại ra khỏi vị trí công tác đang nắm giữ. Đó là một việc rất bình thường”.

Tuy nhiên, ông Thước cũng bày tỏ: “Việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đạt được kết quả xấu hay tốt còn phụ thuộc rất nhiều vào người cầm lá phiếu đó mà cụ thể với việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 cán bộ ở các vị trí chủ chốt của đất nước thì những người cầm lá phiếu kia là những vị đại biểu Quốc hội.

Nếu có những đại biểu lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để trả thù riêng, sát phạt lẫn nhau vì một động cơ xấu xa thì đó là một điều rất nguy hiểm. Điều này xảy ra sẽ khiến việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm không đi đúng mục tiêu bởi sẽ không tuyên dương đúng được ai và cũng không phê phán đúng được ai. Do đó có thể nói trách nhiệm của người cầm lá phiếu phải rất cao.

Nếu những người cầm lá phiếu mà không trong sáng thì việc lấy phiếu này sẽ trở thành sự triệt tiêu những yếu tố tích cực. Mà trong thời điểm hiện nay, sự đấu tranh giữa các mặt tích cực và mặt tiêu cực rất dữ dội. Nếu tiêu cực chiếm ưu thế thì rất có thể việc lấy phiếu sẽ loại bỏ những phần tử tích cực. Và điều này thật là nguy hiểm. Như vậy đường lối có rồi và có ý nghĩa rất tốt nhưng nếu không thực hiện tốt thì sẽ phản tác dụng.

Cho nên khi lấy phiếu thì cần phải xác định rõ người cầm lá phiếu đó là người như thế nào, có đủ tư cách để phán xét một người khác hay không hay vì động cơ cá nhân, động cơ không trong sáng”.

Ông Thước nói tiếp: “Không chỉ vậy, nếu đại biểu Quốc hội mà không nắm vững tình hình thực tế thì khi bỏ phiếu sẽ làm một cách thiếu trách nhiệm, không chính xác và dễ có hiện tượng bấm nút theo phong trào… Khi ấy, đó chính lỗi đó là của đại biểu Quốc hội. Để có được quyết định đúng đắn, các đại biểu Quốc hội phải đắn đo, cân nhắc rất cẩn thận dựa trên các căn cứ thực tiễn thì mới có thể bỏ phiếu được.

Trước các ý kiến về việc các đại biểu Quốc hội là những người đại diện cho dân nên việc đại biểu bỏ phiếu cho ai và như thế nào cần phải được công khai trước dân, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho biết: “Hiện nay, chưa có nguyên tắc đó, chưa có cơ chế”.

Khi được hỏi về những nhắn nhủ tới các đại biểu Quốc hội đương nhiệm trước khi việc lấy phiếu tín nhiệm 49 lãnh đạo chủ chốt của nhà nước, với tư cách là người công tác lâu năm với những phát biểu mạnh mẽ tại Quốc hội, ông Thước cho rằng: “Người cầm lá phiếu là người phải có trách nhiệm trước dân, trước Đảng chứ không phải vì động cơ cá nhân nào cả. Đó phải là người trong sáng, công minh, không thiên vị. 

Là người đại diện cho nhân dân, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân thì phải thể hiện được ý chí của người dân, chống lại những suy thoái, yếu kém làm thiệt hại đến lợi ích của người dân. Còn người đại biểu mà không làm được những việc đó thì không xứng đáng làm đại biểu của nhân dân”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Hồng Chính Quang