Lấy ý kiến nhân dân về Bộ luật Hình sự phải nghiêm túc, chính xác

16/07/2015 07:23
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh yêu cầu này tại kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) chiều 15/7.

Theo Phó Thủ tướng, đây là lần sửa đổi lớn với mục đích phát huy hơn nữa vai trò của Bộ luật Hình sự với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ các quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa phát triển đúng định hướng.

“Các ý kiến góp ý của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng lưu ý khi lấy ý kiến không thể bỏ qua ý kiến của kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Hiện đang có tới 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có không ít nhà khoa học.

Việc lấy ý kiến phải đảm bảo khoa học, chất lượng, tiến độ, chất lượng hiệu quả, tiết kiệm. Các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Nhân dân, Hội đồng Nhân dân các địa phương, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân… cần có kế hoạch lấy ý kiến rộng rãi trong toàn ngành.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lấy ý kiến nhân dân vào dự án luật phải nghiêm túc, chính xác. ảnh: Người lao động.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lấy ý kiến nhân dân vào dự án luật phải nghiêm túc, chính xác. ảnh: Người lao động.

Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến vào dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng rất cần sự vào cuộc tích cực của các tổ chức chuyên môn như Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các cơ quan thông tấn báo chí cần dành thời lượng thích hợp để truyền tải một cách đa dạng, phong phú, giúp người dân có được đầy đủ thông tin, đặc biệt là những điểm mới, mang tính tiến bộ trong lần sửa đổi này.

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa, tại quyết định 1076/QĐ-TTg nêu rõ, đối tượng lấy ý kiến gồm các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là một nhiệm vụ trọng tâm cần được ưu tiên tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian từ ngày 15/7 đến hết ngày 20/9.

Việc lấy ý kiến nhân dân phải bám sát nội dung Nghị quyết số 972/NQ-UBTVQH13 ngày 13/7/2015 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Nội dung lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bao gồm toàn bộ dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), trọng tâm là những vấn đề như: Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức: Góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.

Ý kiến của nhân dân góp ý vào dự thảo này gửi đến cơ quan, tổ chức được phân công trách nhiệm hoặc gửi trực tiếp đến Bộ Tư pháp theo địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội hoặc qua hộp thư điện tử: boluathinhsu@moj.gov.vn. Cá nhân gửi ý kiến góp ý bằng văn bản qua đường bưu điện thì không phải dán tem.

Ngọc Quang