Lênh đênh phận cơm gà trên đầu những người đội thúng

07/12/2014 07:21
PHẠM THỊ LỆ KHANH
(GDVN) - Những thúng cơm nặng trĩu đã rất quen thuộc với mỗi người dân Quảng Bình, họ là “những người đội thúng” hay gọi thôn Lạc Sơn là “làng đội thúng"

Đi qua ngã tư chợ Nam Lý hay ở cổng Bệnh viện Việt Nam- Cu Ba, người ta lại thấy thấp thoáng bóng dáng của những người phụ nữ  bán cơm gà Lạc Sơn. Họ dầm mưa dãi nắng mưu sinh với nghề, tất tả ngược xuôi những mong giữ gìn cái nghề truyền thống mà ông cha để lại, và hơn hết là mang lại cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn cho gia đình.

Những người…đội thúng

Cứ vào khung giờ khoảng từ 10h00-10h30 mỗi ngày, TP. Đồng Hới lại đón những vị khách quen thuộc hàng ngày từ những chuyến xe khách chạy tuyến Tuyên Hoá-Đồng Hới. Bất kể trời nắng hay mưa, những ngày đông giá rét hay ngày hè nóng nực, những người phụ nữ đội thúng cơm trên đầu lại bước xuống từ những chuyến xe khách để toả đi các tuyến đường của Đồng Hới hoặc tụ tập thành nhóm bán cơm trước ngã tư Bưu điện tỉnh để bán món cơm gà Lạc Sơn, đặc sản nổi danh một thời của mảnh đất Quảng Bình. Những thúng cơm gà được chị em phụ nữ ở thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa) mang về thành phố từ vùng quê cách trung tâm tỉnh lị gần 100 cây số.

“Mỗi ngày hai chuyến xe đi về, tôi phải đội thúng cơm vòng vèo từ chợ Đồng Hới lên ga rồi sang cổng trường ĐH Quảng Bình, về ngã tư Bưu điện tỉnh, vòng lên chợ Cộn. May nhờ trời cho sức khoẻ nên tôi có thể vượt hàng trăm cây số mỗi ngày. Tối về mệt ngủ một giấc sáng lại tỉnh dậy sửa soạn nấu nướng như thường”, chị Nguyễn Thị Phượng tâm sự.

Những ai từng tìm hiểu về văn hoá Quảng Bình, sẽ biết đến “cơm gà Lạc sơn” nhưng rất ít người biết rằng món ăn dân dã này từng một thời được người dân đem dâng cho một vị vua thời phòng kiến khi qua đây. Cùng với hành trang đơn giản là chiếc thúng để đựng và giữ ấm nóng cơm đến tận chiều muộn, những người phụ nữ bán cơm gà Lạc Sơn đến với tất cả mọi người bất kể giàu sang hay nghèo hèn, người có địa vị hay kẻ tận cùng dưới đáy xã hội.

Hình ảnh những người bán cơm gà với chiếc khăn vuông lót trên đầu, đội những thúng cơm nặng hàng chục cân đã quá quen thuộc đến nỗi người Quảng Bình đã đặt tên, gọi họ là “những người đội thúng” hay gọi thôn Lạc Sơn là “làng đội thúng”.
Hình ảnh những người bán cơm gà với chiếc khăn vuông lót trên đầu, đội những thúng cơm nặng hàng chục cân đã quá quen thuộc đến nỗi người Quảng Bình đã đặt tên, gọi họ là “những người đội thúng” hay gọi thôn Lạc Sơn là “làng đội thúng”.

Có không ít khách du lịch đến Quảng Bình đã rất tò mò theo chân để xem các chị em bán cơm gà đi bộ hàng chục cây số mà không hề phải đưa tay giữ thúng trên đầu.

Không nói chuyện vì…sợ liên lụy

Tiếp xúc với các chị em bán cơm gà, ban đầu ai cũng e dè khi thấy chúng tôi hỏi đủ thứ chuyện nhưng rồi họ cũng mở lòng để tâm sự về những khó khăn, vất vả của nghề này. Để bán được những thúng cơm gà đặc sản, những người phụ nữ ở Lạc Sơn nếm đủ những vị mặn chát của cuộc đời.

Lênh đênh phận cơm gà

Theo chân các chị bán cơm gà ở Đồng Hới, mới thấy nỗi nhọc nhằn vất vả mưu sinh với nghề của các chị. Đè nặng lên vai họ là hàng trăm khoản tiền và nỗi lo cho gia đình như tiền sinh hoạt, tiền học phí của con cái, chăm lo cho gia đình. Hầu hết gia đình các chị đều đông con, nhà lại ít ruộng đất để canh tác. Làm ruộng không đủ ăn, các chị làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập, cùng chồng phụ giúp gia đình.

Lênh đênh phận cơm gà trên đầu những người đội thúng ảnh 2

Chị Nguyễn Thị Bảy (SN 1979) chia sẻ: “Khoảng 4h30 sáng hàng ngày, tôi và chồng đã phải dậy làm thịt gà, nấu cơm thật nhanh để kịp bắt các chuyến xe đi Đồng Hới tầm 7h-7h30 là muộn nhất. Hôm nào bán hết sớm thì  khoảng 2h chiều là đón xe về. Ngày nào ế hàng thì 5h chiều mới lên xe và tối mò mới về đến nhà”.

Dù bận rộn đến mấy, chiều về là các chị lại tranh thủ thời gian để chăm sóc ruộng vườn và xem xét, nhắc nhở tình hình học tập của con cái: “Đi miết cả ngày, con cái giao cho ông bà nội, hoặc là đứa lớn “cõng” đứa bé đợi bố mẹ về. Hai vợ chồng tôi đều đi suốt ngày nhưng được cái bốn đứa con đều chăm ngoan, học giỏi nên cũng khá yên tâm. Vì vậy mà mỗi ngày tôi đều cố gắng nấu cơm ngon, bán hết sớm để giữa buổi chiều là về đến nhà chăm lo cho chúng và làm việc nhà nữa”, chị Hồ Thị Hoa (SN 1975) chia sẻ.

Cả ngày vất vả ngược xuôi, trung bình mỗi thúng cơm bán được khoảng 30 suất, tương đương với khoảng 600-700 ngàn, trừ chi phí rồi thì chỉ cần kiếm được khoảng 100-200 ngàn cho cả thúng cơm các chị đã vui lắm. Số tiền ít ỏi họ kiếm được rất có giá trị ở vùng quê nghèo Lạc Sơn, là món quà vô giá mà mỗi ngày những người bán cơm gà đều trông ngóng, bởi số tiền đó không nhiều, nhưng ở quê nghèo thì mỗi ngày biết làm gì ra chừng ấy tiền.

Có những ngày ít khách, tiền lãi chẳng thấm vào đâu. Nhất là gặp những hôm trời mưa, các chị ngồi ở bưu điện bán không được, đi rao khản cổ mỏi miệng họ đành đem về quê, bán rẻ cho bà con để lấy lại chút vốn, chịu lỗ. Cơm thừa thì đem về ủ cơm rượu chứ tuyệt nhiên không để lại hôm sau bán tiếp bởi “làm thế là có tội với người ăn”.

Nhiều lần, những chị em bán cơm gà bị công an trật tự đuổi bắt, thu giữ thúng cơm chị phải tất tả chạy bộ theo xe công an để năn nỉ xin cho bằng được được mới chịu về bởi chút vốn liếng mấy trăm ngàn đối với họ là rất quan trọng. “Có hôm, bị thu mất thúng cơm, tối về khóc mất cả tiếng đồng hồ bởi vừa mất tiền lại vừa tốn công sức”, chị Lê thị Bảy cho biết.

Mỗi suất cơm cho một người ăn thường được bán với giá 20-30 ngàn đồng nhưng phần lớn thì họ bán theo nhu cầu của khách, mua bao nhiêu bán bấy nhiêu. Thi thoảng, một vài người khách là lao động nghèo yêu cầu mua những suất rẻ tiền, các chị đều vui vẻ bán.

Những người bán cơm gà ở đây thường đi cùng nhau, ngồi cũng theo nhóm và chẳng bao giờ giành nhau khách hàng mà luôn vui vẻ, nhường nhịn nhau bởi theo quan niệm của họ, “Lộc của ai, người đấy hưởng. Không người này mua thì người khác sẽ mua”. Thậm chí, những người bán hết trước còn bán giúp cho người hết sau để cùng về một lần cho kịp chuyến xe chiều.

Cơm gà Lạc Sơn vang danh từ xưa kia vốn là món ăn dâng vua của đất Quảng Bình. Ngày ngày, người Lạc Sơn vẫn đội thúng mang món cơm ngon ấy ngược xuôi khắp mảnh đất gió Lào cát trắng để bán cho khách bộ hành lỡ bữa. Chẳng người nào giàu lên nhờ thúng cơm gà này.

Nắng thì dãi nắng, mưa thì dầm mưa suốt bốn mùa, những người lao động chân chính ấy cũng đã góp phần vun đắp ấm no hạnh phúc cho gia đình mình và tạo nên một nét rất riêng của tỉnh Quảng Bình.

PHẠM THỊ LỆ KHANH