“Liên ngành tư pháp là một tổ chức siêu quyền lực vi hiến"

01/08/2016 07:35
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Luật sư Nguyễn Đăng Quang đánh giá, nhìn ở góc độ pháp lý thì "liên ngành tư pháp" là một tổ chức tự phong, vi hiến.

Sự kiện “liên ngành tư pháp” đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Phí Thái Bình – nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và các cộng sự vì có liên quan tới sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận Thủ đô.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng  Văn phòng Luật sư Đăng Quang đã nói rất thẳng thắn rằng, liên ngành chỉ là một tổ chức thành lập tạm thời và có thể bị lợi dụng phục vụ cho những mục đích khác ngoài quyền lợi của nhân dân.

Với kinh nghiệm nhiều năm bảo vệ quyền lợi cho người dân trong các hoạt động tố tụng, ông có thể nói gì về những đặc điểm bất thường của các tổ “liên ngành tư pháp”?

Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Từ lâu trong xã hội Việt Nam đã có sự tồn tại của các tổ chức liên ngành, thường được thành lập bởi Chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, nhằm phối hợp giữa các cơ quan ngành dọc với ngành ngang, thường là khối cơ quan vừa chịu sự quản lý của ngành mình vừa chịu sự quản lý của UBND như cơ quan thuế, quản lý thị trường, công an, kiểm sát...

Thực chất, đó là sự phối kết hợp giữa các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện cho một nhiệm vụ chính trị mang tính phong trào thuộc nhóm các cơ quan hành pháp. Liên ngành này không được phép làm ảnh hưởng đến quyền tư pháp trong hoạt động của Nhà nước.

Trong một số hoạt động tố tụng hình sự lâu nay cũng tồn tại cơ chế liên ngành được gọi là “họp ba ngành” cho những vụ án điểm hoặc vụ án phức tạp.

Tuy nhiên, mặt trái của “liên ngành” cũng đã nảy sinh trong thực tế, nhiều khi người ta lợi dụng “hội nghị ba ngành” để sau này nếu có bị oan sai thì hòa cả làng, không ai phải chịu trách nhiệm cá nhân vì đã họp “hội nghị ba ngành” rồi. Như vậy là án đã được tuyên trước khi được tranh tụng.

Cùng tồn tại với những liên ngành trên còn một tổ chức liên ngành nữa đó là "liên ngành tư pháp" tự phong từ trung ương đến địa phương được gọi là “lãnh đạo liên ngành tư pháp”.

Thành phần của nó thường là: Phó Thủ trưởng cơ quan Điều tra, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Phó Chủ tịch UBND, Phó Chánh thanh tra, thêm vào đó là cấp ủy Đảng...

Nhiệm vụ của tổ chức này thường đưa ra quyết sách xử lý những vụ việc liên quan đến hình sự, kinh tế lớn được xã hội quan tâm mà những nhân vật liên quan đến sự việc có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cứ chiếu theo luật thì nhân vật này sẽ phải đối mặt với án tù nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thấy khó xử bởi vị nọ, vị kia… đều có thể liên quan tới các mối quan hệ.

Trong những trường hợp như thế này thì phao cứu sinh chính là “liên ngành tư pháp” hóa giải bằng cách đưa ra những nhận xét rằng: nhân thân tốt, có nhiều thành tích cống hiến cho sự nghiệp của ngành, nhiều huân huy chương… thấy không cần thiết phải xử lý hình sự cho chuyển công tác khác hoặc buộc thôi việc cũng đủ tính răn đe miễn sao là thoát được trách nhiệm hình sự.

Trường hợp ông Phí Thái Bình - nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và một số cá nhân khác có liên quan tới sai phạm tại Vinaconex, gây ra vỡ đường ống nước Sông Đà, làm thiệt hại hàng tỷ đồng, nhưng lại được đề nghị miễn truy tố hình sự là một thí dụ điển hình.

Như vậy, trong trường hợp này “liên ngành tư pháp” là những tổ chức siêu quyền lực vi hiến.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang nhận định, sự ra đời của các tổ tổ chức liên ngành có tính chất tạm thời là để thực hiện nhiệm vụ chính trị, không được phép làm ảnh hưởng tới hoạt động tư pháp của Nhà nước. ảnh: Ngọc Quang.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang nhận định, sự ra đời của các tổ tổ chức liên ngành có tính chất tạm thời là để thực hiện nhiệm vụ chính trị, không được phép làm ảnh hưởng tới hoạt động tư pháp của Nhà nước. ảnh: Ngọc Quang.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của tổ chức siêu quyền lực vi hiến này, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Hiện nay ở nước ta quyền tư pháp cùng với quyền lập pháp và quyền hành pháp tạo thành quyền lực thống nhất của Nhà nước.

Mục đích là cùng thực hiện quyền tư pháp và xử lý mọi hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ phát sinh.

Từ trước Hiến pháp năm 2013,  trong hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có các quy định mang tính hiến pháp thừa nhận quyền tư pháp như là một quyền tự chủ, độc lập của quyền tư pháp.

Mãi đến Hiến pháp 2013 mới quy định: Quyền lực Nhà nước thống nhất có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp. Nhưng hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào, nên vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tư pháp và cơ quan nào thực hiện quyền tư pháp.

Chính vì chưa có định nghĩa bằng Hiến pháp, chưa có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản nên gần như có sự hiểu lầm về quyền tư pháp.

“Liên ngành tư pháp là một tổ chức siêu quyền lực vi hiến" ảnh 2

Phải chỉ rõ ai ở "liên ngành tư pháp" đã "tha" cho ông Phí Thái Bình và cộng sự?

Theo Montesquieu thì học thuyết tam quyền phân lập rõ ràng là: quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp.

Trong đó Nghị viện (Quốc hội) thực hiện quyền lập pháp (ban hành các đạo luật), Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (thực hiện các đạo luật), trong đó trung tâm là Tòa án thực hiện quyền tư pháp (xét xử theo luật để bảo vệ an ninh tổ quốc, quyền dân sự, quyền con người, bảo vệ công lý, dân chủ và công bằng…).

Như vậy, quyền lực Nhà nước tập trung vào cơ quan được thực thi quyền tư pháp.

Ở nước ta, quyền lực được nói là thuộc về toàn thể nhân dân, thông qua Đại biểu Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền cao nhất và Hội đồng nhân dân các cấp. Các chính khách trong Chính phủ cũng là Đại biểu Quốc hội.

Theo đó, nhiều người hiểu quyền tư pháp là xét xử và các cơ quan khác phục vụ cho việc xét xử như Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Thanh tra Nhà nước, Giám định hoặc các cơ quan tư pháp khác liên quan đến tố tụng hình sự, tư pháp dân sự đều là thực hiện quyền tư pháp.

Do cách hiểu không thống nhất và khác nhau như vậy nên cơ quan nào cũng nghĩ rằng họ có quyền rất to, từng cán bộ làm việc trong những sự việc cụ thể cũng tự cho rằng mình có quyền rất to.

Họ đều cho mình là cơ quan tư pháp (cơ quan quyền lực Nhà nước), có quyền thực hiện quyền tư pháp, tự cho mình cái quyền đứng trên pháp luật đó là tổ chức tự phong “liên ngành tư pháp”.

Sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn hộ dân Hà Nội. ảnh: vtv.vn
Sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng tới đời sống của hàng nghìn hộ dân Hà Nội. ảnh: vtv.vn

Ông có thể chỉ rõ hơn những điểm cần đặc biệt lưu ý khi tồn tại tổ chức này?

Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Nhìn về góc độ pháp lý thì rõ ràng tổ chức tự phong này là vi hiến bởi nó được sinh ra không chính thống và nó chỉ hoạt động khi có người là chủ thể đặc biệt kêu cứu và họ dùng siêu quyền lực truyền thống của “liên ngành tư pháp” giải quyết là xong.

Dư luận chỉ xì xào vai ngày rồi lại quên thôi, vì còn phải mưu sinh!

Hiến pháp 2013 đã chỉ rõ: Tòa án là trung tâm của hoạt động tư pháp trong đó lập pháp là thể hiện ý chí chung của đất nước thuộc về toàn thể nhân dân được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân là Quốc hội.

Các cơ quan của Chính phủ thực hiện luật pháp được Quốc hội thiết lập, tư pháp là để xử lý những hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân. Các thẩm phán được lựa chọn từ nhân dân khi xử án họ chỉ tuân theo pháp luật.

Ba nhánh quyền lực được ba cơ quan khác nhau nắm giữ không cá nhân hay tổ chức nào được nắm giũ trọn vẹn quyền lực nhà nước nhằm chế ước lẫn nhau, mỗi cơ quan chỉ thực hiện chức năng riêng của mình không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác, quyền lực của các cơ quan cân bằng nhau.

Có như vậy quyền lực nhà nước mới phát huy được tối đa. Nếu để các nhân hoặc tổ chức nào nắm cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp thì rất dễ dẫn tới lạm quyền, gây ra nhiều oan sai, đau khổ cho người dân.

Vậy tại sao cái gọi là “liên ngành tư pháp” lại tồn tại bấy lâu nay ở Việt Nam? Câu hỏi này dành cho các nhà lập pháp? Tôi chỉ mong rằng, khi đã nói ra rằng, tất cả vì quyền lợi của nhân dân thì cách hành xử của các cơ quan thực thi pháp luật đừng làm sói mòn lòng tin của dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Ngọc Quang (Thực hiện)