Luật sư chỉ ra đối tượng bị Huyền Như chiếm đoạt tiền

25/12/2014 20:06
VŨ PHẠM
(GDVN) - Bào chữa cho bị cáo Huyền Như, luật sư Nguyễn Văn Ngoan - Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định số tiền mà Như chiếm đoạt là của các công ty bị hại.

Trong bài bào chữa cho bị cáo Huyền Như sáng nay, 25/12, luật sư Nguyễn Văn Ngoan - Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định số tiền mà Như chiếm đoạt là của các công ty bị hại.

Làm rõ bản chất của đối tượng tội phạm, Luật sư Ngoan khẳng định số tiền mà Như chiếm đoạt là số dư trên Tài khoản thanh toán của chủ tài khoản thanh toán mở tại VietinBank chứ không phải khoản tiền mặt mà khách hàng nộp hoặc tiền trên tài khoản thanh toán của VietinBank ở tại Ngân hàng nhà nước. Theo quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội, khách hàng là chủ Tài khoản thanh toán (khoản 9 điều 3 Nghị định 64/ 2001 NĐCP) và có quyền sử dụng số tiền trong tài khoản thanh toán của mình.

Luật sư chỉ ra đối tượng bị Huyền Như chiếm đoạt tiền ảnh 1Vụ Huyền Như: Công tố bác kháng cáo đòi biệt thự mang tên mẹ ‘siêu lừa’

(GDVN) - Cơ quan công tố nhận định rằng, bà Lang chỉ là người đứng tên để Huyền Như mua biệt thự, nên đã khẳng định việc kê biên biệt thự 43 tỷ đồng này đúng pháp luật.

Khi khách hàng mở và chuyển tiền mặt vào tài khoản thanh toán của mình mở tại VietinBank thì giữa khách hàng và VietinBank chưa phát sinh quan hệ gửi giữ tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự, mà quan hệ gửi tiền này được điều chỉnh theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng.

Ông Ngoan khẳng định trước HĐXX: Theo các văn bản có giá trị pháp luật hiện hành, không có quy định nào buộc ngân hàng phải có trách nhiệm quản lí Tài khoản thanh toán. VietinBank cũng không có văn bản nào quy định Trưởng phòng chịu trách nhiệm quản lý về Tài khoản thanh toán của khách hàng.

“Điều kiện nảy sinh ý thức chiếm đoạt của bị cáo Huyền Như như sau: Như đã thành lập Công ty Hoàng Khải từ năm 2007 để kinh doanh bất động sản và chứng khoán nhưng do làm ăn thua lỗ nên đã vay bên ngoài hơn 200 tỷ với lãi suất 0,4 - 1,5%/ngày. Vay trả lãi cao, làm nợ chồng nợ dẫn đến không có khả năng chi trả. Do bị chủ nợ thúc ép đe dọa nên Như có ý thức lừa đảo rồi dùng nợ mới trả nợ cũ” - Luật sư Ngoan dẫn lại ý thức lừa đảo xuất phát ngay từ khi Huyền Như lần đầu gặp đại diện các công ty bị hại.

Theo luật sư Ngoan, đây là thái độ, ý thức Huyền Như phó mặc khả năng chi trả dẫn đến vỡ nợ trong tương lai. Khi có dấu hiệu không có khả năng chi trả mà vẫn vay là đặc trưng của hành vi gian dối. Dẫn chứng rõ ràng là bị cáo Huyền Như đã thực hiện 1 loạt hành vi phạm tội cấu thành tội danh lừa đảo như: Chi trả ngoài hợp đồng, làm con dấu giả, xưng danh giả, chữ kí giả… để “hiện thực hóa” việc lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các công ty bị hại.

Diễn biến các giao dịch vi phạm pháp luật cho thấy Như dùng tiền cá nhân bồi dưỡng “lót tay” cho người trực tiếp giao dịch với Như và lợi ích là lãi suất vượt trần, trong khi đó VietinBank không có chủ trương, không chi trả và hoàn toàn không biết.

“VietinBank có hàng trăm, hàng triệu khách hàng, tại sao Huyền Như không lừa đảo tài sản của khách hàng nào khác mà lại lừa đảo của 5 công ty này và 2 ngân hàng (ACB và NaviBank)? Luật sư Ngoan đặt câu hỏi rồi giải đáp: Bị cáo Như nảy sinh ý thức chiếm đoạt ngay từ trước khi tiền vào Ngân hàng do bị chủ nợ thúc ép, dọa giết nên Như chiếm đoạt tiền trả nợ. Như chỉ chiếm đoạt được do trước đó đã chi bồi dưỡng, lót tay dẫn đến hệ quả tất yếu là Chủ tài khoản đã nhận bồi dưỡng, lót tay nên phó mặc cho Như định đoạt tiền của mình.

Để gian dối được Như phải dẫn dụ câu dẫn đánh vào mong muốn của các công ty bị hại, người môi giới bằng các lợi ích. Và lợi ích đó chính là lãi suất vượt trần, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng từ 4% - 18%/năm. Ngoài ra là các khoản dùng tiền của Như chi lót tay cho các cá nhân, người trực tiếp giao dịch với Như như Bảo Ngọc (ACB) hoặc cho người có quyền chấp nhận giao dịch với Như như Vũ Thị Hồng Hạnh (Tổng Giám đốc ORS), Lê Thị Huyền Trân (Công ty Toàn Cầu), Lê Thị Trúc Giang (Kế toán trưởng Toàn Cầu), Vũ Thị Mỹ Linh (Kế toán trưởng SBBS)…

“Khi có lợi ích, người môi giới chấp nhận mọi việc, tạo điều kiện cho Như thực hiện hành vi lừa đảo trót lọt. Như làm hợp đồng giả làm các đơn vị tin giả là thật. Dùng chiêu bài lãi suất cao và “% tiền tươi” để các đơn vị cá nhân bỏ mặc tài khoản” - Luật sư Ngoan phân tích rồi khẳng định Như không chiếm đoạt của khách hàng khác vì Như không có thỏa thuận và chi lót tay để khống chế tài khoản của họ. Như chiếm đoạt là do sai phạm, sơ hở của chủ tài khoản trong khi giao dịch thậm chí chủ tài khoản giao cho Như toàn quyền kiểu “em làm theo kiểu nào thì em làm miễn sao lãi suất thỏa thuận là như vậy, nộp đủ cho bên chị” (lời của Huỳnh Thị Bảo Ngọc - Phó phòng quản lý quỹ ACB).

Chủ tài khoản đã tạo điều kiện cho Như việc kiểm soát và thực hiện trót lọt hành vi chiếm đoạt thậm chí nhiều trường hợp biết rõ nhưng vẫn đồng tình việc làm sai của Như. Ông Ngoan dẫn ví dụ Tổng Giám đốc ORS là Vũ Thị Hồng Hạnh và Kế toán trưởng, thủ quỹ đều biết việc Như trích tiền trên Tài khoản thanh toán của ORS không chứng từ nhưng vẫn ký khống chứng từ giao cho Như để che giấu hành vi sai phạm. Sở dĩ có việc đó là do: Trước đó Hạnh đã nhận lợi ích vật chất từ cá nhân Như (hoa hồng) nên thiếu trách nhiệm, giúp sức cho Như lừa đảo và bản chất tiền đó đâu phải của ORS mà là của TPBank.

“Đối tượng chiếm đoạt của Như là tiền của các công ty bị hại bị Như dẫn dụ, nguồn tiền Như chiếm đoạt không phải do VietinBank huy động” - luật sư Ngoan khẳng định.

Tòa hỏi Như: Bị cáo có đồng ý với ý kiến của luật sư không? Bị cáo đồng ý.

VŨ PHẠM