Luật sư chỉ ra những hoài nghi ở vụ xe Rolls-Royce đâm chết 2 người

31/08/2013 06:30
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Theo LS Nguyễn Hoàng Tiến, Cơ quan điều tra cho rằng người sử dụng xe máy là hoàn toàn có lỗi thì phải thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Nếu gia đình hai người đã tử nạn không đồng ý với kết luận của CQĐT thì có quyền khiếu nại.
Người chết sai?

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, vào ngày 28/8, Thượng tá Nguyễn Văn Chế, Phó trưởng phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Phòng đã có thông báo bằng văn bản về nguyên nhân dẫn tới vụ tai nạn khiến 2 người chết xảy ra vào ngày 20/8 tại quốc lộ 46 (huyện Nam Đàn) giữa xe ô tô Rolls-Royce BKS 38A-028.88 và xe máy BKS 37F9-7889.

Theo Thượng tá Chế thì qua kiểm tra, xem xét hiện trường, hướng đi, điểm va chạm và dấu vết để lại trên xe ô tô và xe máy bị nạn Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi của người điều khiển xe máy.

Theo kết luận do ông Nguyễn Văn Chế cung cấp thì vào thời điểm xảy ra tai nạn siêu xe Rolls-Royce  Phantom rồng và xe máy của hai nạn nhân chạy cùng chiều với nhau trên Quốc lộ 46 theo hướng Vinh – Thanh Chương. Khi chiếc Rolls-Royce  vượt xe máy về phía bên trái chỉ còn cách khoảng 2m thì người điều khiển xe máy bất ngờ rẽ trái đột ngột khiến lái xe ô tô không kịp xử lý. 

“Đây là tình huống bất khả kháng do lỗi của người điều khiển xe máy”, Thượng tá Chế khẳng định.

Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.

Và như những thông tin đã phản ánh trước đó, vụ tai nạn giao thông khiến 2 người chết nói trên là một vụ tai nạn nghiêm trọng. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra Công an huyện Nam Đàn đã không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự mà cơ quan này vẫn thực hiện điều tra vụ tai nạn. Cho tới ngày 28/8 thì phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An công bố kết luận nguyên nhân vụ tai nạn là lỗi hoàn toàn thuộc về 2 nạn nhân đi xe máy, gây không ít hoài nghi cho công luận...

Người nhà nạn nhân có thể khiếu nại kết luận của CQĐT

Liên quan đến vấn đề khởi tố vụ án, một lần nữa trả lời phỏng vấn báo Giáo Dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến (Uỷ viên Hội đồng khen thưởng kỷ luật - Đoàn luật sư Hà Nội - Trưởng Văn phòng luật sư Đức Thịnh) cho biết:

“Căn cứ vào các điều luật 104, 107 và 108 của Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc có hậu quả hai người chết và thiệt hại có giá trị lớn về tài sản là do hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ gây ra nên cần phải ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để điều tra.

Trong vụ án này cơ quan điều tra đã chưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự  thì căn cứ vào khoản 7 điều 107 và khoản 1 điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan điều tra phải ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự vì người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết. Việc này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn.

Mặc dù trong vụ án này chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự nhưng kết quả điều tra phải hết sức khách quan vô tư, đúng quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự. Tôi hi vọng rằng với những vụ án rất nghiêm trọng như thế này các Cơ quan điều tra ở tỉnh Nghệ An sẽ phải tiến hành khách quan, thận trọng, đúng pháp luật, nếu không hậu quả sẽ là vô cùng nghiêm trọng.”

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.

Nhận xét về bản kết luận nguyên nhân vụ tai nạn của phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Nghệ An, LS Tiến nói:

“Nếu người điều khiển xe ô tô đi đúng phần đường của mình và không chạy quá tốc độ thì việc họ vượt xe máy ở bên phải đi cùng chiều là bình thường và không phải ra tín hiệu vượt. Nếu người đi xe máy vô ý vì thiếu thận trọng, không quan sát bên trái hoặc đằng sau cũng như ra tín hiệu rẽ trái mà đột ngột rẽ trái vào đúng đầu xe ô tô thì phải coi đây là sự kiện bất ngờ.

Người lái xe ô tô không thể biết trước để có thể kịp phanh hãm hoặc vòng tránh an toàn cho người đi xe máy. Tất nhiên việc kết luận của Cơ quan điều tra cho rằng người sử dụng xe máy là hoàn toàn có lỗi thì phải thu thập đầy đủ tài liệu chứng cứ chứng minh để ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.”

LS Tiến cho biết, trong trường hợp lỗi hoàn toàn thuộc về người đi xe máy như kết luận của Cơ quan điều tra nói trên, thì mặc dù hai người đi xe máy đã tử nạn nhưng nếu họ có tài sản riêng và người chủ phương tiện ô tô có yêu cầu đòi bồi thường thì gia đình người gây ra tai nạn còn phải bồi thường tài sản cho chủ xe ô tô và gia đình người ngồi phía sau xe máy. Nếu chủ ô tô và gia đình người ngồi phía sau xe máy hoặc người lái xe máy không có tài sản riêng thì họ không phải bồi thường thiệt hại.

Cũng theo LS Tiến, trong vụ án này, nếu phía gia đình 2 người đi xe máy đã tử vong không đồng ý với kết luận của Cơ quan điều tra thì họ có thể khiếu nại:

“Tôi muốn nhắc lại, trong các vụ án hình sự, người điều tra, thủ trưởng Cơ quan điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo Viện kiểm sát phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tiến hành điều tra thu thập chứng cứ, khám nghiệm hiện trường, giám định dấu vết, giám định pháp y.

Những việc làm đó phải tiến hành hết sức khách quan, vô tư, đúng pháp luật, nếu không thì sẽ làm oan người không phạm tội, hoặc để lọt người thực hiện hành vi phạm tội.

Trong vụ việc này, nếu gia đình hai người đã tử nạn không đồng ý với kết luận của Cơ quan điều tra thì có quyền khiếu nại theo khoản 2 Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự để các cơ quan cấp trên có thẩm quyền tiến hành điều tra lại và có kết luận.”

Qua qua sát của PV cũng cho thấy dấu vết tại hiện trường để lại cũng cho thấy hai nạn nhân bị kéo khoảng 23m cách nơi xảy ra tai nạn như bố anh Hiệp nói là tương đối phù hợp. Vậy phải chăng việc đặt cơ sở nghi vẫn khi xảy ra tai nạn đại gia Thạch đang chạy với tốc độ cao không thể làm chủ tình huống dẫn đến tai nạn là có cơ sở.   

Cùng với đó trong bản kết luận cho biết khi xảy ra tai nạn chiếc siêu xe đang vượt lên bên trái chỉ cách xe máy khoảng 2m thì bất ngờ xe máy rẽ ngang nên dẫn đến tai nạn. Tuy nhiên, hai nạn nhân đi trên xe máy không phải là đang chạy ngược chiều với siêu xe mà ở đây xe máy đang chạy cùng chiều với chiếc siêu xe trên. Trong khi đó tại khoản 2, điều 14, chương 2, luật giao thông đường bộ  quy định rõ: “Xe xin vượt chỉ được vượt khi không có chướng ngại vật phía trước, không có xe chạy ngược chiều trong đoạn đường định vượt, xe chạy trước không có tín hiệu vượt xe khác và đã tránh về bên phải.”

Và trong mục a, khoản 5, điều 14, chương 2, luật thông đường bộ cũng quy định: Không được vượt xe khi có một trong các trường hợp ở khoản 2 đã quy đinh”.

Vậy việc trong hoàn cảnh xảy ra tai nạn khi ông Thạch vượt lên đã đảm bảo đủ cách điều kiện theo quy định trên hay chưa? Khi mà hai nạn nhân đã có ý định rẽ trái (bởi đường rẽ ngang phía tay trái là lối vào nhà một trong hai nạn nhân trên xe mô tô) thì chắc hẳn việc ép vào phía bên tay phải để nhường đường cho chiếc siêu xe ông Thạch vượt là rất khó. 

Bởi nếu hai nạn nhân đã có ý định nhường đường thì đã không rẽ trái bất ngờ như vậy để dẫn đến vụ tai nạn gây hậu quả đau lòng trên. 

Cùng với đó một giả thuyết nữa được đặt ra mà trong bản kết luận cũng chưa nêu ra. Theo quy định tại khoản 1, điều 14, chương 2, luật giao thông đường bộ thì “Xe xin vượt phải có báo hiệu bằng đèn hoặc còi; trong đô thị và khu đông dân cư từ 22 giờ đến 5 giờ chỉ được báo hiệu xin vượt bằng đèn”. Vậy trong trường hợp này ông Thạch khi vượt lên đã có những tín hiệu xin vượt như đúng quy định hay chưa trong bản kết luận cũng không nêu rõ.


Báo Giáo dục Việt Nam sẽ đưa tin tiếp về diễn biến của vụ việc này....

Quyết Nguyễn