Luật sư nói gì về đề nghị án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc?

14/12/2013 12:19
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Các luật sư đã đưa ra nhiều lý lẽ, chứng cứ cho rằng, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc không nhận tiền "ăn chia" từ Trần Hải Sơn, không phạm tội Tham ô tài sản. Cũng theo các luật sư bào chữa, Dũng và Phúc đã "thiếu tinh thần trách nhiệm chứ không "cố tình làm trái" như trong cáo trạng đã nêu...

Sáng ngày 14/12, phiên tòa xét xử Dương Chí Dũng và các đồng phạm tiếp tục diễn ra với phần tranh luận. Tại buổi xét xử, các luật sư tiếp tục đưa ra những lý lẽ, chứng cứ để bác bỏ tội lỗi hoặc giảm nhẹ hìnhh phạt cho các bị can.

Trước đó, chiều ngày 13/12, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, các bị cáo còn lại chịu hình phạt từ 6 đến 30 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tiền mua ụ nổi không phải từ ngân sách nhà nước?

Trước hết, luật sư bảo vệ cho Dương Chí Dũng, ông Trần Đình Triển đề nghị: “Đây là một vụ án lớn, được người dân cả nước quan tâm. Đặc biệt, đây là án tử hình, liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét cẩn trọng, xử đúng người đúng tội, tránh oan sai.”   

Liên quan đến đề nghị nói trên của Viện kiểm sát, luật sư Triển trình bày quan điểm cho rằng, HĐXX không có căn cứ để tuyên Dũng phạm vào 2 tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”. Trên cơ sở đó, không thể tuyên phạt án tử hình đối với Dũng.

Dương Chí Dũng.
Dương Chí Dũng.

Trước hết, về những sai phạm của Dương Chí Dũng trong việc phê duyệt, triển khai dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam, việc đầu tư, tổ chứ đấu thầu, khảo sát, ký hợp đồng mua ụ nổi 83M, luật sư Triển cho rằng Dũng có sai, nhưng đó là sai có hệ thống. Bởi Dũng chỉ là một thành viên của HĐQT, Dũng đã ký vào các văn bản nhưng trên cơ sở thống nhất của HĐQT chứ không phải với tư cách cá nhân. Cái sai của Dũng là đã giao công việc cho cấp dưới nhưng không theo dõi sát sao, dẫn đến việc mua phải ụ nổi đã cũ nát, không sử dụng được.

Bên cạnh đó, luật sư Triển khẳng định rằng việc phê duyệt dự án xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam và mua ụ nổi 83M đã được sự chấp thuận của cơ quan cấp trên. Chứng minh cho điều này, ông Triển đã trình lên hội đồng xét xử 2 văn bản, 1 là của Bộ Giao thông Vận tải, 1 văn bản của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.

Trong đó, văn bản của Bộ Giao thông Vận tải có nội dung: “Việc đầu tư ụ nổi sức nâng 25 nghìn tấn, cùng các trang thiết bị chuyên dùng đồng bộ trong dự án do Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam xem xét quyết định.”

Theo luật sư Triển, các văn bản này Viện kiểm sát không đưa vào bản cáo trạng vụ án và đây là một trong những sai sót trong quá trình tố tụng: “Các văn bản có lợi cho thân chủ tôi đã không được đưa vào hồ sơ vụ án.”

Qua xác minh từ Dương Chí Dũng, luật sư Triển cho rằng, số tiền mua ụ nổi (19,5 triệu USD, bao gồm chi phi mua ụ, sửa chữa và lai dắt về Việt Nam - PV) không phải tiền từ ngân sách Nhà nước mà là tiền do Vinalines tự huy động. Do vậy, việc mua ụ nổi không phải qua đấu thầu là đúng.

Cũng liên quan đến thủ tục mua, nhập khẩu ụ nổi 83M, trong bản cáo trạng đề nghị truy tố khẳng định rằng: Ụ nổi là tàu biển, Vinalines đã nhập khẩu ụ nổi 83M không đúng trình tự nhập khẩu tàu biển nên đã vi phạm pháp luật.

Về điều này, luật sư Triển khẳng định các văn bản pháp quy hiện hành, trong đó có Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam năm 2003 khẳng định rằng ụ nổi không phải là tàu biển, và thủ tục nhập khẩu của Vinalines không theo quy trình nhập khẩu tàu biển là không sai. Trước đó, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Trịnh Ngọc Giao và  đại diện Bộ Giao thông Vận tải có mặt tại tòa cũng đã khẳng định, ụ nổi 83M không phải là tàu biển.

Trên cơ sở lập luận trên, luật sư Triển cho rằng Dương Chí Dũng đã làm sai nhưng không phải là lỗi cố ý, bởi vậy, sẽ là đúng nếu tòa phán quyết Dũng phạm tội Thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng.

Mang tiền tỷ lên máy bay, trong khi quy định chỉ dưới 200 triệu?

Về tội “Tham ô tài sản” mà Viện Kiểm sát đề nghị truy tố Dương Chí Dũng, luật sư triển cho rằng hoàn toàn không có căn cứ.

Trước hết, qua xác minh từ đại diện ngân hàng Citibank tại tòa, luật sư Triển khẳng định, sau khi số tiền 9 triệu USD mà Vinalines chuyển cho Công ty AP (thanh toán tiền mua ụ nổi 83M) là thuộc sở hữu của Công ty AP chứ không phải tiền của Vinalines nữa, công ty AP có quyền chi tiêu số tiền này.

Trần Hải Sơn.
Trần Hải Sơn.

“Số tiền này không còn là tài sản của Vinalines nữa. Bởi vậy, không thể nói là Dũng đã tham ô tài sản. Nếu là tham ô tài sản thì phải có hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của Nhà nước, của đơn vị mình đang quản lý. Gỉa sử, Dương Chí Dũng có được Công ty AP chuyển cho một phần nào đó thật, thì đó cũng là tài sản của Công ty AP. Ở đây, cùng lắm là xét xử Dũng về tội nhận hối lộ. Nhưng nhận hối lộ thì phải có người đưa hối lộ. Vậy người đưa hối lộ sao không đưa ra tòa?” ông Triển nói.

Liên quan đến lời khai của Trần Hải Sơn về việc bị cáo này đã nhận 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) tiền “lại quả” từ Công ty AP qua tài khoản của Công ty Phú Hà, luật sư Triển cho rằng:

Trong cáo trạng nêu rõ, quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã đề nghị tương trợ tư pháp với cơ quan công tố của Liên Bang Nga để làm rõ hoạt động của Công ty Global Success và những người liên quan về việc Công ty AP chuyển tiền từ nguồn bán ụ nổi 83M cho ông A.Prikhodko, Công ty Global Success 4,334 triệu USD (trong số 9 triệu USD mà Công ty AP nhận được từ Vinalines tiền mua bán ụ nổi 83M).

Cơ quan điều tra đã thông qua Interpol Việt Nam để nghị được tiếp tục thu tài liệu tại Liên Bang Nga và có văn bản ủy thác tư pháp đề nghị Tổng viện kiểm sát Liên Bang Nga phối hợp thu thập tài liệu nhưng hiện chưa có kết quả. Như vậy, khi đã thi hành án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng mà cơ quan điều tra lại thu thập tài liệu chứng minh Công ty AP chuyển tiền cho Công ty Phú Hà là để hợp tác đầu tư thì làm sao lấy lại được mạng sống của thân chủ?

Theo lời khai của Trần Thị Hải Hiền, Giám đốc Công ty Phú Hà và cũng là em gái Sơn thì, Hà đã cho Sơn mượn tài khoản công ty. Để hợp thức hóa việc chuyển tiền, Hà không đọc nội dung mà đã ký vào bộ hồ sơ hợp tác khống mà Sơn đã lập ra trước đó. Theo luật sư Triển, Việc này là vi phạm pháp luật và cơ quan điều tra phải làm rõ.  

Về việc Sơn khai đã chia 10 tỷ cho Dũng và đưa làm 2 lần, trong đó có 1 lần Sơn mang 5 tỷ từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội bằng máy bay, Luật sư Triển nói: “Theo quy định, không ai được đem quá 200 triệu lên máy bay. Trong khi đó tại sao Sơn lại khai đem tới 5 tỷ đồng? Qua cơ quan hàng không, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể xác minh được vào thời điểm đó, có hành khác nào tên Sơn, đem theo bao nhiêu tiền hay không? Vậy tại sao không thấy đề cập đến vấn đề này trong hồ sơ vụ án?”

Trần Hải Sơn đã khai khống?

Tại phiên tòa, Trần Hải Sơn rằng, bị cáo gặp ông Goh Hoon Seow  tại trụ sở Vinalines và được Giám đốc Công ty AP cho biết đã thỏa thuận với Dũng, Phúc trước đó về số tiền “lại quả” và giao cho Sơn nhận. Khi đó Sơn mới biết sự việc chứ trước đó, Sơn khẳng định không hề liên lạc với ông Goh Hoon Seow. Tuy nhiên, tại phiên tòa, luật sư Triển lại đưa ra một tài liệu, được cho là thư Sơn đã trao đổi với ông Goh Hoon Seow.

Căn cứ vào đó, luật sư Triển cho rằng, Sơn đã nói dối trong việc đã trao đổi với ông Goh Hoon Seow nên cần đặt ra khả năng lời khai của Sơn là sai. Tức Sơn có thể không nhận tiền “lại quả”, hoặc cũng có thể nhận rồi chiếm hưởng cá nhân chứ không chia cho Dũng, Phúc như lời Sơn nói.

Trên cơ sở phân tích ở trên, luật sư Triển cho rằng có nhiều thiếu sót trong quá trình tố tụng và “đề nghị cơ quan công tố xem xét và trả hồ sơ để điều tra lại vụ án này.”

Đồng quan điểm với luật sư Trần Đình Triền, luật sư bào chữu cho Mai Văn Phúc, ông Nguyễn Huy Thiệp cũng cho rằng, cơ quan điều tra cần phải xem xét lại lời khai của Trần Hải Sơn. Bởi vì cáo trạng chỉ căn cứu vào lời khai một phía của Sơn. Đặc biệt, những người làm chứng lại là em gái, em rể… của Sơn. Thêm vào đó, các nhân chứng đều khai có biết Sơn đem tiền đi “chia”, nhưng lại không trực tiếp nhìn thấy Sơn đưa tiền cho Dũng và Phúc.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp đề nghị HĐXX thu thập những căn cứ như danh sách cuộc gọi điện thoại, lịch trình bay của bị cáo Trần Hải Sơn trong khoảng thời gian mà Sơn khai đã liên lạc và đem tiền đi cho “sếp” để chứng minh tính trung thực trong lời khai của bị cáo.

Về hành vi “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế nghiêm trọng”, ông Thiệp cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh vì thân chủ của ông “Thiếu trách nhiệm...” chứ không phải là tội “Cố ý làm trái...”.

Quyết Nguyễn