Vụ cháy TTTM Hải Dương:

Lực lượng PCCC Hải Dương “ra trận” với "gươm cùn, quân yếu"

18/09/2013 07:04
Hoàng Nguyên
(GDVN) - Mỗi năm tỉnh Hải Dương phải chi ra một số tiền không nhỏ để trả lương, đầu tư dụng cụ, trang thiết bị, máy móc cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Ấy thế mà…

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã thông tin, lúc 1h sáng ngày 15/9, tại Trung tâm Thương mại Hải Dương với diện tích trên 15.000m2 đã phát cháy lớn. Sau hơn 1 ngày, dù được sự vào cuộc tận tình của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Hải Dương và các tỉnh bạn nhưng sau 30 giờ phát cháy, Trung tâm này vẫn trở thành đống sắt vụn.

Một phần trung tâm trị giá 100 tỷ này đã bị đổ sập
Một phần trung tâm trị giá 100 tỷ này đã bị đổ sập

Trong số hơn 530 bà con tiểu thương đang kinh doanh ở đây, nhiều người đã rơi vào tình cảnh mất trắng vốn. Thiệt hại ước tính trong vụ cháy khoảng 400 tỉ đồng. Cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra nguyên nhân cũng như khắc phục hậu quả sau vụ cháy.

Về phía bà con tiểu thương, hiện tại đang bức xúc hai vấn đề. Một là hệ thống cứu hỏa tại Trung tâm Thương mại này chưa ổn?

Hai là công tác cứu hỏa của lực lượng Cảnh sát PCCC tỉnh Hải Dương quá thiếu, yếu, không đúng lúc, không kịp thời và không hiệu quả...?

Những vụ cháy lớn như ở Trung tâm Thương mại Hải Dương không phải thường xuyên, có lẽ phải hàng chục năm mới xảy ra một lần. Đây là lúc mà lực lượng Cảnh sát PCCC phát huy vai trò và nghiệp vụ của mình. Nhưng từ vụ việc này đã thấy rõ “sức quân” của lực lượng Cảnh sát PCCC Hải Dương ra sao.

Phương tiện cứu hỏa thì cái dùng được cái không, cán bộ chiến sỹ bất đắc dĩ lại đi làm công việc của thợ… sửa bơm và cuối cùng đành phải nhờ thêm đến lực lượng PCCC từ tỉnh bạn. Thêm nữa, theo như người dân phản ảnh, “Cảnh sát PCCC đến phun nước mà cứ như lau cửa kính, như diễn tập để người ta quay phim…”.

Công tác cứu hỏa như vậy, Trung tâm Thương mại Hải Dương trở thành đống tro tàn là điều tất yếu.

Trong khi đó, mỗi năm Nhà nước và địa phương phải chi một số tiền không nhỏ để “bao cấp” cho lực lượng này. Đấy là còn chưa kể tiền bồi dưỡng, phụ cấp phát sinh thêm cho lực lượng Cảnh sát khi tham gia chữa cháy. Chữa cháy càng lâu, tiền bồi dưỡng càng nhiều...

Hiện trường khu vực tầng 1 chợ Trung tâm thương mại Hải Dương - Ảnh: Đức Bình (Tuổi Trẻ)
Hiện trường khu vực tầng 1 chợ Trung tâm thương mại Hải Dương - Ảnh: Đức Bình (Tuổi Trẻ)

“Đầu tư” thì tốn kém lắm nhưng hiệu quả thì quá mờ nhạt. Ngọn lửa vẫn tiếp tục bùng lên sau sự có mặt của lực lượng Cảnh sát PCCC. Và kết quả là Trung tâm Thương mại sầm uất của Hải Dương trở thành đống sắt vụn sau hơn 30 giờ phát cháy.

Vậy thì sự có mặt của lực lượng PCCC có cũng như không?

Có một nghịch lý ở trong ngành PCCC, đó là lúc diễn tập phòng cháy chữa cháy thì lúc nào cũng thành công tốt đẹp, nhưng chữa cháy thật loay hoay mãi không đâu vào đâu, cháy vẫn hoàn cháy, thiệt hại thì toàn là trên vài trăm tỷ...

“Nuôi quân 3 năm dùng 1 giờ” nhưng đến khi “ra trận”, trang thiết bị phục vụ cho công tác chữa cháy của Phòng Cảnh sát PCCC Hải Dương chẳng khác nào như chiếc gươm thì cùn mà quân thì yếu. Vậy có nên giữ lại không?

Và hiện nay, dư luận đang đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở Hải Dương trọng vụ việc này, mà cụ thể là trách nhiệm liên đới của Ban Quản lý TTTM Hải Dương và lực lượng PCCC của tỉnh này trong công tác cảnh báo, bảo đảm an toàn cho bà con tiểu thương. Trách nhiệm về hơn 500 tỷ bị thiêu thành tro chỉ trong mấy tiếng đồng hồ.

Rồi đây, những bà con tiểu thương sẽ làm ăn, buôn bán, trông chờ vào nguồn vốn ở đâu khi mà có những người đã trắng tay chỉ sau 1 đêm? Hay là họi lại đến xem các đơn vị PCCC ở Hải Dương diễn tập phòng cháy để vỗ tay...?

Chế độ chính sách đối với cán bộ chữa cháy, phòng cháy cơ sở và chuyên ngành khi trực tiếp tham gia chữa cháy.

Tại Nghị định của Chính phủ số 35/2003/NÐ-CP ngày 4/4/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy có quy định về chế độ chính sách đối với cán bộ, đội viên phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành như sau:

1/ Cán bộ, đội viên phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành trong thời gian tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp khác (nếu có) và mỗi ngày được hưởng một khoản tiền bồi dưỡng bằng một nửa ngày lương.

2/ Khi trực tiếp tham gia chữa cháy được hưởng chế độ bồi dưỡng như sau:

- Nếu thời gian chữa cháy dưới 02 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền tương đương giá trị một nửa ngày lương;

- Nếu thời gian chữa cháy từ 02 đến dưới 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền tương đương giá trị hai phần ba ngày lương;

- Nếu thời gian chữa cháy từ 04 giờ trở lên hoặc chữa cháy nhiều ngày thì cứ 04 giờ được bồi dưỡng một khoản tiền tương đương giá trị một ngày lương.

3/ Cán bộ, đội viên phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành khi tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy mà bị tai nạn, tổn hại sức khỏe hoặc bị chết thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

Kinh phí bồi dưỡng và thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho cán bộ, đội viên phòng cháy và chữa cháy cơ sở và chuyên ngành do cơ quan, tổ chức quản lý bảo đảm./.

Hoàng Nguyên