Lương hưu tuỳ thuộc vào mức đóng và thời gian tham gia bảo hiểm xã hội

19/07/2018 08:26
Nhật Minh
(GDVN) - Việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa trả lời thư của ông Nguyễn Hội (địa chỉ Trần Quốc Toản, Liên Nghĩa, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) về đề nghị xem xét giải quyết một số vấn đề liên quan tới chính sách bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, về đề nghị điều chỉnh lương hưu nhằm giảm khoảng cách chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ, theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”.

Theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.

(Ảnh minh họa: Báo An ninh Thủ đô)
(Ảnh minh họa: Báo An ninh Thủ đô)

Theo quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội thì lương hưu được điều chỉnh “trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội”.

Trong những năm qua, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội.

Mặc dù, trong giai đoạn 2003 - 2007 thực hiện Đề án Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, việc điều chỉnh lương hưu đã được thực hiện kết hợp giải quyết chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ (người nghỉ hưu giai đoạn trước tháng 9 năm 1985, trước tháng 4 năm 1993 và người có mức lương hưu thấp thì được điều chỉnh ở mức cao hơn), điều này đã một bước giải quyết bất hợp lý về lương hưu giữa các thời kỳ.

Tuy nhiên, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trình Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII cũng đã chỉ ra một trong những hạn chế là việc điều chỉnh tiền lương hưu thời gian qua thường được tiến hành đồng thời với điều chỉnh tiền lương khu vực hành chính nhà nước, mức tăng thường bằng mức tăng của tiền lương khu vực hành chính nhà nước.

Điều này làm tăng chi cả từ ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội, tạo ra những bất hợp lý mới như người có mức lương hưu cao được tăng quá nhiều, người có mức lương hưu thấp được tăng quá ít dẫn đến gia tăng khoảng cách tuyệt đối về mức lương hưu giữa những người đang hưởng càng lớn.

Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã quy định một trong những nội dung cải cách đó là: “... lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thoả đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”.

Với quy định nêu trên, quá trình thực hiện điều chỉnh lương hưu thời gian tới sẽ từng bước khắc phục những bất hợp lý về lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Căn cứ ban hành Nghị định về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu,...

Về căn cứ ban hành Nghị định về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp hàng tháng, chế độ phụ cấp khu vực là một trong các khoản phụ cấp lương được thực hiện ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu, đã được áp dụng đối với những người đang làm việc (thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) và những người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, thương binh, bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng.

Từ năm 1985 trở về sau, chế độ phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 235/HĐBT ngày 18/9/1985, Nghị định số 236/HĐBT ngày 18/9/1985 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư liên tịch số 11/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 5/1/2005 của liên Bộ Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ủy ban dân tộc và một số văn bản khác liên quan.

Trong quá trình thực hiện chế độ phụ cấp khu vực đối với người nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho thấy:

- Chế độ phụ cấp khu vực không dựa trên nguyên tắc của pháp luật về bảo hiểm xã hội là hưởng trên cơ sở mức đóng mà phụ thuộc vào nơi cư trú của họ.

- Mức hưởng phụ thuộc vào từng khu vực mà người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cư trú với các mức có hệ số phụ cấp là: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung, không phụ thuộc vào trước đó người lao động có đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực hay không.

Kể từ ngày 1/1/2007, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì phụ cấp khu vực không nằm trong cơ cấu tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, đối với người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 1/1/2007 trở đi thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không bao gồm phụ cấp khu vực.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày Luật có hiệu lực thì vẫn được thực hiện theo các quy định trước đây.

Vì vậy các đối tượng đang hưởng trước ngày 1/1/2007 vẫn được bảo lưu mức hưởng chế độ phục cấp khu vực theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT.

Như vậy, phát sinh vướng mắc là có một bộ phận người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2007 bao gồm cả phụ cấp khu vực nhưng khi nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ ngày 1/1/2007 trở đi trong mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không bao gồm phụ cấp khu vực.

Nhằm giải quyết những vướng mắc nêu trên, trong các năm 2007 và 2008 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04/12/2008 quy định về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

Theo đó, đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày 1/1/2007, cư trú tại nơi có phụ cấp khu vực được hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ.

Đối với người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 1/1/2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.

Tiếp tục thực hiện nguyên tắc xây dựng như đã nêu trên, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn tiếp tục quy định các nội dung liên quan đến phụ cấp khu vực, được quy định cụ thể tại khoản 2, khoản 3 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 21 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ.

Nhật Minh