Minh bạch ý kiến của nhân dân về dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự

06/01/2015 07:04
Ngọc Quang
(GDVN) - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến được tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân, đảm bảo công khai, minh bạch.

Chiều nay (5/1), Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức lễ công bố Kế hoạch của Chính phủ về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đợt lấy ý kiến của nhân dân bắt đầu từ ngày 5/1 đến ngày 5/4. Sau thời gian này, các tổ chức, cá nhân tiếp tục góp ý kiến gửi về Bộ Tư pháp trước ngày 20/9.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc tổ chức công bố lấy ý kiến nhân dân nhằm huy động trí tuệ của nhân dân với Bộ luật quan trọng hàng đầu của pháp luật dân sự đất nước được tập trung sửa đổi một cách cơ bản và toàn diện để có sức sống lâu dài, ổn định đối với xã hội.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: "Dự án Bộ luật Dân sự sửa đổi là một trong những dự án luật có vai trò rất quan trọng nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; xây dựng và hoàn thiện pháp luật về dân sự, kinh tế, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ Luật Dân sự phải công khai, minh bạch. ảnh: Ngọc Quang.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Bộ Luật Dân sự phải công khai, minh bạch. ảnh: Ngọc Quang.

Với tầm quan trọng như vậy, Chính phủ xác định dự án Bộ luật này là một trong những trọng tâm trong công tác xây dựng pháp luật.

"Đây là đạo luật lớn, phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, đời sống nhân dân, là luật chung, luật nền cho các luật khác trong hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm", Phó Thủ tướng cho hay.

Dự thảo Bộ luật quy định nhiều vấn đề mới, có tính đột phá trong công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực dân sự, thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa. Vì những đặc thù đó, Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong công tác xây dựng pháp luật, đồng thời bảo đảm quyền của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu việc tổ chức lấy ý kiến được tiến hành rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính thiết thực, hiệu quả cũng như sự công khai, minh bạch, khoa học và tiết kiệm. Đặc biệt, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Hội Luật gia Việt Nam và Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo luật, huy động các thành viên tham gia tích cực vào quá trình lấy ý kiến, mục tiêu.

"Cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc ý kiến của nhân dân để hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, công bố công khai việc tiếp thu, giải trình. Đồng thời phải tổng hợp đầy đủ, chính xác mọi ý kiến góp ý của nhân dân. Về phương pháp, hình thức lấy ý kiến, qua kinh nghiệm của nhiều lần lấy ý kiến nhân dân trước đây, cần có cách làm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, tránh trùng lắp, không in ấn quá nhiều giấy tờ, tài liệu không cần thiết", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngọc Quang