Minh triết mùa xuân

19/02/2015 00:08
Xuân Dương
(GDVN) - Mỗi năm bắt đầu bằng mùa xuân, cuộc đời bắt đầu bằng tuổi trẻ, điều này đông tây kim cổ ai cũng thừa nhận.

Người Việt đón năm mới theo lịch mặt trăng, người phương tây đón năm mới theo lịch mặt trời. Ở bắc bán cầu, tuyết vừa tan là đã hoa nở, cây cối ra hoa trước khi ra lá bởi sự ngắn ngủi của xuân, hè. Ở gần xích đạo như nước ta, cây cối bốn mùa xanh lá nhưng mùa xuân vẫn là mùa đâm chồi nảy lộc.

Sự khác biệt Đông-Tây không phải chỉ ở cái cách cây cối chào đón mùa xuân mà còn ở cách mà người ta gọi tên Tổ Quốc, người Tây gọi Tổ Quốc là MotherLand nghĩa là “Đất Mẹ”, người Việt gọi Tổ Quốc là “Đất Cha Ông”. 

Có một điều cả Đông và Tây đều thống nhất ấy là “mọi nơi đều tốt nhưng nhà mình là tốt nhất”. Suy rộng ra, người Việt dù là sống ở Tây hay Tầu, không đâu bằng mảnh đất cha ông thấm đẫm máu xương, mồ hôi và nước mắt. 

Nước Việt ta từ thời cổ xưa, tên nước đã gồm hai, thậm chí là ba từ như Văn Lang, Đại Việt, Đại Cồ Việt, Vạn Xuân… khác với người láng giềng phương Bắc tên nước ngày xưa chỉ gồm một từ như Tề, Lỗ, Sở, Triệu… Ngược lại các địa danh cổ của người Việt đa số chỉ gồm một từ như Sủi, Lim, Bần, Sặt, Kép, Láng, Vôi,… hay tên sông như Hồng, Lô, Đáy, Nhuệ, Lam, Hương… trong khi tên sông của người Hoa phần nhiều lại gồm hai từ như Hoàng Hà, Dương Tử, Trường Giang, Hoàng Phố… 

Con người chào đời bằng tiếng khóc, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng ra đời trong nước mắt, khi hàng triệu người Việt bị nạn đói cướp đi sinh mạng. Bốn mươi năm từ ngày đất nước nối liền một giải, tuy chưa thể nói “giang sơn thu về một mối” nhưng hình dáng một đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Cụ Hồ bắt đầu thấy rõ.

Nhớ lại những ngày tháng 2 năm 1979, đứng trong chiến hào trên mặt trận Khánh Khê, Lạng Sơn chống quân xâm lược phương Bắc, chúng tôi chỉ có hạt bo bo luộc ăn với cà pháo mới thấy thành tựu về an ninh lương thực là điều kỳ diệu hơn cả trong truyện cổ tích. Hạt gạo của người Việt từ chỗ “bát cơm sẻ nửa” nay đã góp phần nuôi sống nhiều người trên khắp năm châu. An ninh lương thực có thể nói là thành tích duy nhất mà người Việt, dù mang bất kỳ quốc tịch nào cũng phải thừa nhận.

Minh triết mùa xuân ảnh 1

Ảnh minh họa. Internet

Mâm cơm cúng tổ tiên ngày tết, từ chỗ sang nhất là đĩa thịt gà với khoanh giò lụa giờ đây thêm cá, thêm tôm, thêm nấm hương, cua bể… Chỉ cần vài giờ đi chợ là không thiếu thức gì. Nói thế để nhớ lại một thời nuôi được con lợn bắt buộc phải bán cho hợp tác xã, cả làng chỉ có một chiếc loa truyền thanh, mỗi ngày tuyên huấn phải trèo lên quay về một xóm. 

Niềm vui sẽ trọn vẹn hơn, bưng bát cơm ngon sẽ không cảm thấy nghèn nghẹn nếu bữa cơm ngày tết của mọi gia đình không quá chênh lệch, nếu như người Việt không phải đắn đo, rằng thực phẩm chuẩn bị cho mâm cơm cúng tổ tiên là sạch hay bẩn.

Đi khắp mọi miền Tổ quốc, hạ tầng giao thông được cải thiện là điều phải ghi nhận, nhà thơ Tố Hữu chỉ mơ ước con đường rộng “thênh thang tám thước” mà không thể tưởng tượng tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai dài tới gần 250 km với chiều rộng mặt đường ngót 20 mét, hay tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây có chiều rộng nền đường tới 27 mét.

Mấy chục năm trước, tối thứ bảy nào gia đình cũng phải ăn sớm rồi bê cái ti vi SamSung đen trắng ra để dưới hiên, hàng xóm chỉ chờ mở cổng là ùa vào xem nhờ chương trình văn nghệ, sáng hôm sau thế nào sân nhà cũng được “kỷ niệm” nào là lá chuối, giấy báo và đương nhiên không thiếu màu đỏ của quết trầu. Bây giờ nếu mà chịu khó chơi đồ cổ, những tivi Sony “Nhật xịn” dùng đèn hình có giá chỉ vài ba trăm nghìn đồng, thậm chí có người còn cho không, để ở nhà chật chỗ.

Đất nước được như hôm này là nhờ sự hy sinh của hàng triệu con dân đất Việt, trong số những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc có nhiều đảng viên cộng sản. Phủ nhận điều đó chỉ có thể là những người hoặc là không có khối óc hoặc không có trái tim. 

Nói thế không có nghĩa là không đồng tình với ý kiến của nhiều vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của Trung ương, rằng “không ít cán bộ, đảng viên ngày nay thoái hóa, biến chất, tham nhũng, kéo bè kéo cánh, ăn của dân không từ một thứ gì…”.

Minh triết mùa xuân ảnh 2Binh pháp quan trường, kế thứ 6 – “Đòn gió bẻ măng”

(GDVN) - Anh đồ tỉnh, anh đồ say/Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày/Này này chị bảo cho mà biết/Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.

Từ xưa đến nay, người Việt đã nhiều phen cùng lúc phải đương đầu với hai loại giặc, ngoại xâm và nội xâm. Ngày nay, cả hai loại giặc ấy đều mạnh hơn, quỷ quyệt hơn, nhưng nguy hiểm nhất lại là ở chỗ chúng sống cùng chúng ta, ngay bên cạnh ta, nhiều khi chúng ta đinh ninh chúng là bạn bè, đồng chí. 

Nhân loại bắt đầu nền văn minh bằng thời kỳ “Cộng sản nguyên thủy”, khi đó không tồn tại gia đình và biên giới quốc gia, tất cả chỉ là cuộc chiến bầy đàn tranh giành thức ăn và không gian sống. Giờ đây có lẽ  nhân loại lại bắt đầu những bước chập chững của vòng xoáy thứ hai trên đường xoắn ốc tiến hóa: thời kỳ “Cộng sản văn minh”. 

Biên giơi quốc gia đang bị xóa nhòa bởi Internet và các phương tiện kỹ thuật số, các giá trị gia đình truyền thống tuy chưa biến mất song càng ngày càng giảm ý nghĩa. Và loài người, lại đang hình thành những “bầy đàn văn minh”, đang không ngừng kết bè kéo cánh, xâu xé, giành giật không gian sống cho “bầy đàn” của mình. Ở tầm quốc gia, các nhóm lợi ích cũng là một dạng “bầy đàn” mà việc nhận diện không phải lúc nào cũng dễ dàng.

Người Việt cổ chiến thắng ngoại xâm bởi luôn biết tạo cho mình sự khác biệt, khác biệt từ phong tục tập quán, từ cách gọi tên núi, tên sông đến phương pháp tiến hành chiến tranh và vũ khí sử dụng. Nỏ liên châu và cọc gỗ là những vũ khi chỉ có ở nước Việt, do người Việt sáng tạo ra. Chiến tranh du kích được người Việt nâng tầm thành nghệ thuật quân sự hiện đại.

Việc học tập, dập khuôn nguyên mẫu các tư tưởng triết học và văn hóa ngoại lai không có trong gen của người Việt cổ. Việc sùng kính các nguyên lý một cách giáo điều cũng không có trong tâm thức người Việt, chính nhờ thế người Việt dù sống hàng nghìn năm dưới sự đô hộ của ngoại bang vẫn không đánh mất bản sắc dân tộc. 

Nếu một lúc nào đó, tư tưởng triết học của người Việt bị thay thế bởi tư tưởng triết học của người khác, nền kinh tế của nước Việt bị lệ thuộc vào nền kinh tế của nước khác, văn hóa của người Việt bị thay thế bằng văn hóa của người khác thì đó cũng là điểm khởi đầu của quá trình nô lệ. Chữ “nô lệ” ở đây không có nghĩa là gông cùm, xiềng xích, nhà tù… mà là ở chỗ người Việt luôn phải tôn thờ những hình mẫu không thuộc về văn hóa sông Hồng, luôn xem đồ ngoại tốt hơn đồ nội, luôn xem người tây thông minh hơn người ta…

Vì sao một bộ phận thanh thiếu niên ngày nay không biết khóc trước những mảnh đời cơ cực nhưng lại đầm đìa nước mắt vì một “thần tượng” ngoại lai? Vì sao đời sống vật chất cao lên nhưng văn hóa lại thấp xuống?

Nguyên nhân là ở chỗ tư tưởng triết học của người Việt đã bị “ngoại hóa”, sự “ngoại hóa” kèm theo sự bảo thủ ở một bộ phận tinh hoa làm cho đất nước chậm phát triển. Đi từ bắc xuống nam, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc qua Việt Nam xuống Singapore, Malaysia, Brunei, Indonesia, tất cả các quốc gia ven Thái Bình Dương, Việt Nam là nước kinh tế yếu kém nhất.

Bên Trung Quốc, tham gia cuộc chiến chống tham nhũng nghĩa là phải chuẩn bị sẵn quan tài, nghĩa là phải đặt cược sự nghiệp chính trị và sinh mạng của mình, điều này đã được cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ và Chủ tịch Tập Cận Bình công khai tuyên bố.

Nước Việt không phải không có những con người như ông Chu, ông Tập, tuy nhiên cuộc chiến chống giặc nội xâm với những con người tâm huyết ấy, dường như thiên chưa thời, địa chưa lợi, nhân chưa hòa. Cổ nhân đã dạy “mãnh hổ nan địch quần hồ” nghĩa là một con hổ dù có sức mạnh đến nấy cũng không địch lại bầy chồn, nhất là loại chồn hôi nhưng lại rất tinh ranh.

Bên cạnh chúng ta, người ta đã nghiên cứu rất kỹ các loại “chủ nghĩa”, từ chủ nghĩa bầy đàn, chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa bành trướng, kể cả các loại chủ nghĩa mà một số người gọi là chủ nghĩa “không râu”, chủ nghĩa “râu rậm”… Hành động của họ vào năm 1979 trên biên giới phía bắc cho thấy người ta đã lựa chọn “Chủ nghĩa mèo”, mèo trắng, mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột.

Triết học hiện đại cho rằng “Minh triết là sống tốt cho mình và mọi người, cho hôm nay và tương lai, là lối suy nghĩ dựa trên tư duy khách quan, không bị chi phối bởi tàn dư lịch sử, không bảo thủ, không kiêu ngạo, không mơ hồ, không độc đoán…”. [1]

Nghị quyết Hội nghị TƯ4 khóa 11 nhận định “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…”. 

Một khi đã là “cán bộ cao cấp” mà lại “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” thì danh xưng đúng nhất với họ chỉ có thể là “Lái buôn quyền lực”.

Nằm ở khúc giữa trên hành trình từ bắc xuống nam ven Thái Bình Dương, kinh tế của chúng ta chưa bằng người, văn hóa, giáo dục xuống cấp đến mức báo động không phải chỉ bởi sự tha hóa của “một bộ phận không nhỏ” mà còn bởi không ít người được xem là tầng lớp tinh hoa, là nguyên khí quốc gia nhưng thực chất chỉ là những “Kẻ cắp văn hóa”. Những con người đó luôn sống ngược với các nguyên lý của Minh triết, họ chỉ biết sống cho bản thân và gia đình mình, luôn bảo thủ, độc đoán, mơ hồ, luôn bị ám ảnh bởi hào quang lịch sử.

Nếu không có sự tiếp sức của các “Kẻ cắp văn hóa” thì  “Lái buôn quyền lực” không thể dễ dàng làm cho đất nước tụt hậu quá đáng so với các quốc gia láng giềng, điều này có thể nhiều người chưa nhận thấy được. 

Tự nhiên và xã hội không có gì là bất biến, những điều một trăm năm trước là đúng nhưng chưa chắc đã đúng cho thế giới hôm nay. Lấy những điều mơ hồ làm lẽ sống không phải là triết lý của dân tộc, càng không phải là Minh triết của người Việt. 

Minh triết của người Việt phải bắt đầu từ đất Việt, từ chính cái nôi mà cha ông đã khai phá, bảo vệ. Không bao giờ có thể thành người lớn nếu suốt đời chỉ biết nghe lời người khác, làm theo giáo huấn của người khác. 

Cây cối sống nhờ vào đất, rau trồng theo kiểu thủy sinh dẫu là rau sạch vẫn không phải là rau ngon. Chính trị gia tồn tại dựa vào dân, nếu chỉ dựa vào công cụ hỗ trợ thì sớm muộn cũng nhận hậu quả, điều đơn giản ấy cũng chính là một trong các nguyên lý của Minh triết người Việt.

Đầu xuân khai bút, lạm bàn một chút, mạch văn có khi lộn xộn nhưng mà nghĩ sao viết vậy, gọi là có chút tri ân bạn đọc báo Giáo dục Việt Nam và bạn đọc xa gần. 

Xin gửi tặng bạn đọc đôi câu đối:

Năm mới bình an đến

Xuân sang hạnh phúc về.




Nguồn trích dẫn
[1] http://vi.wikipedia.org/wiki/Minh_tri%E1%BA%BFt

Xuân Dương