Mưa lớn, người dân TP Hồ Chí Minh “vật lộn” với dòng nước đen

14/09/2013 13:50
Ngọc Luân
(GDVN) -  Có thể thấy, trong mấy chục năm trở lại đây, chưa bao giờ người dân tại TP. HCM lại sợ mưa đến thế. Mưa lớn - nước ngập đã khiến cuộc sống người dân nơi đây bị xáo trộn và tê liệt. Quan trọng hơn, từ trước đến nay, chưa có bất kỳ một tính toán nào của cơ quan chức năng về những thiệt hại kinh tế cũng như tinh thần của người dân khi phải sống chung với những dòng nước đen như thế.

Than trời vì mưa!

Ngay từ sáng sớm hôm nay, ngày 14/9/2013, TP. HCM lại có mưa lớn trên diện rộng, đây là cơn mưa lớn thứ 9 liên tiếp trong vòng 1 tuần qua trên địa bàn thành phố.

Điều đáng nói ở đây, là sau những cơn mưa như trút nước này, người dân thành phố lại phải lâm vào tinh cảnh “bì bõm” lội trong những dòng nước đen, do đường phố bị ngập nặng.

Lưu thông trong tình cảnh này thì tai nạn là điều khó tránh khỏi. Ảnh: TL
Lưu thông trong tình cảnh này thì tai nạn là điều khó tránh khỏi. Ảnh: TL

Sau cơn mưa lớn kéo dài từ trưa đến chiều tối hôm qua, phóng viên Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại các “điểm nóng” về ngập nước của thành phố từ nhiều năm nay, để ghi nhận lại những vất vả của người dân nơi đây khi chống chọi với dòng nước ngập.

Các sếp công ích lĩnh "lương khủng" nghĩ gì khi thấy cảnh này?. Ảnh: TL
Các sếp công ích lĩnh "lương khủng" nghĩ gì khi thấy cảnh này?. Ảnh: TL 

Ngay từ chiều qua, khi cơn mưa chỉ mới quét qua nơi đây khoảng hơn 20 phút, tại nhiều khu vực trên các tuyến đường Tân Kỳ Tân Quý, Lê Trọng Tấn, Trường Chinh thuộc 2 quận Tân Phú và Tân Bình, nước đã ứ đọng, ngập tràn mặt đường từ 40 - 50cm.

Đúng giờ tan tầm, nên lượng phương tiện giao thông qua đây rất lớn, do nước ngập sâu khiến việc di chuyển khó khăn nên đã gây nên cảnh kẹt xe nghiêm trọng. Cộng thêm việc nhiều xe bị ngập nước chết máy, chủ phương tiện phải dẫn bộ… đã góp phần làm cho tình cảnh thêm náo loạn.

Nỗi khổ xe chết máy mỗi khi gặp đường ngập. Ảnh: TL
Nỗi khổ xe chết máy mỗi khi gặp đường ngập. Ảnh: TL

Trên đường Cộng Hòa, kẹt xe gần 2km từ vòng xoay Lăng Cha Cả kéo dài về hướng cầu vượt An Sương. Trên đường Hoàng Văn Thụ, hàng ngàn phương tiện xếp hàng kéo dài từ ngã tư Bảy Hiền đến công viên Hoàng Văn Thụ.

Thân ai nấy lo. Ảnh: TL
Thân ai nấy lo. Ảnh: TL

Nghiêm trọng hơn, tuyến đường Âu Cơ bị ngập nặng kéo dài vài cây số. Trên các tuyến đường lân cận như Bàu Cát 1, 2, Bàu Cát, Phạm Phú Thứ, Nguyễn Hồng Đào, Trương Công Định, Hồng Lạc, Lũy Bán Bích… cũng trở thành biển nước, nhiều nơi ngập sâu đến 60 cm. Nhiều người bị chôn chân trong biển nước và đánh vật trong dòng xe đen nghịt, bịt kín các giao lộ giữa đường Âu Cơ với các đường Ba Vân, Nguyễn Hồng Đào, Trương Công Định… trong hơn 1 giờ nhưng vẫn chưa thoát khỏi cảnh kẹt xe.

Ở một đô thị lớn nhất nước nhưng người dân phải sống thường trực với nguy hiểm. Ảnh: TL
Ở một đô thị lớn nhất nước nhưng người dân phải sống thường trực với nguy hiểm. Ảnh: TL

Người dân sống tại khu vực này đã quá quen thuộc với cảnh nước ngập thường xuyên mỗi khi có triều cường và trời mưa. Thậm chí trời không mưa nhưng nhiều con hẻm ở đây nước vẫn ngập từ 60 – 80cm. Còn khi trời mưa lớn thì nhiều đoạn đường  phía ngoài xe phải dắt bộ, những nhà trong hẻm thì triền miên tát nước.  

Vừa nhìn lên trời vừa nói như chia sẻ nỗi lòng với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lệ – một người dân sống cố cựu ở khu vực đường Hòa Bình (quận Bình Tân) cho biết: “Nước còn chưa kịp rút chút nào, giờ lại mưa nữa rồi, Tôi là tôi chỉ lo cho mấy đứa nhỏ phải đi học trong tình cảnh như thế này mà thôi!”. Điều bà Lệ lo lắng cũng phải, bởi đây là một trong những khu vực thường xuyên có tai nạn khi đường bị ngập nước, nhất là đối với trẻ em.

Bao giờ hết nỗi lo điệp khúc “mưa – ngập”?

“Mưa - ngập” - là điệp khúc quen thuộc – nhàm chán và kinh hoàng,  được lặp đi lặp lại hàng trăm lần ở Sài Gòn khi mùa mưa đến, mà phần lớn nguyên nhân đến từ thực trạng xuống cấp của hệ thống hạ tầng cơ sở của thành phố.

Nhiều hộ dân sống tại khu vực đường D1 – quận Bình Thạnh, đã hơn chục năm nay phải sống chung với cảnh ngập nước. Mặc dù thành phố đã có nhiều phương án chống ngập, thế nhưng cho đến nay, ở đây tình trạng này vẫn còn tiếp diễn.

"Tát nước theo mưa". Ảnh: TL
"Tát nước theo mưa". Ảnh: TL

Thế nhưng tình cảnh bi đát nhất không đến từ trên trời khi mưa mà lại đến từ dưới lòng đất. Mưa nhiều, nước chẳng những không kịp thoát mà còn bị dội ngược lên từ các miệng cống, kéo theo đó là bao nhiêu rác rưởi tanh tưởi và mùi hôi thối nồng nặc bao trùm lên cả khu vực dân cư.  

Nhiều hộ dân buôn bán ở những khu vực này phải dùng bao tải chắn nước tràn vào nhà làm hư hỏng tài sản. Đời sống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng và thiệt hại nghiêm trọng.

Đó cũng là tâm trạng lo lắng chung của rất nhiều cư dân tại quận Gò Vấp. Gặp ai, chúng tôi cũng nhận được tâm trạng mệt mỏi vì mưa, vì nước ngập. Với người dân ở đây, mùa mưa năm nào cũng phải lo chạy nước. “Không chỉ kê gác đồ đạc, mà chúng tôi còn phải tìm mọi vật liệu có thể để be bờ cao đến gần 1m ngoài cửa nhà để nước không tràn vào trong. Ăn uống, nấu nướng trong cảnh bì bõm, nước bẩn hôi thối nhiều ngày thì tránh sao khỏi bệnh tật. Chúng tôi sợ mưa lắm rồi” – chị Thanh Ngọc, một người dân ở đây nói như than.

Mỗi nhà có một con đê. Ảnh: TL
Mỗi nhà có một con đê. Ảnh: TL

Như vậy, đã một tuần liên tiếp, người dân TP. HCM phải vật lộn với đường ngập và ùn tắc giao thông. Vậy nhưng, TP. HCM khó tránh khỏi ngập sâu trong những ngày tới bởi theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Nam Bộ trong vài ngày tới, khu vực TP. HCM sẽ  tiếp tục xuất hiện mưa vừa đến mưa lớn trên diện rộng, với lượng mưa trung bình từ 120 -150 mm do ảnh hưởng của những cơn áp thấp từ biển Đông.

Quan trọng hơn, từ trước đến nay, chưa có bất kỳ một tính toán nào của cơ quan chức năng về những thiệt hại kinh tế cũng như tinh thần của người dân khi phải sống chung với những dòng nước ngập như thế được đưa ra.           

Các công trình chống ngập được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vẫn chưa phát huy hiệu quả, chưa kể nhiều khu vực bị ngập úng mà nguyên nhân lại chính từ các công trình thoát nước dở dang đang làm chặn dòng tiêu thoát. Thế nên, chưa thể nói khi nào tình cảnh khốn khổ vì ngập nước của thành phố sẽ chấm dứt trong mùa mưa năm nay. Thế nên, người dân Sài Gòn lại tiếp tục có cớ để sợ những cơn mưa. 


Ngọc Luân