Mưa phùn, sương mù, học sinh Kim Bon lại... nghỉ học đồng loạt

06/03/2012 08:56
Thu Hòe
(GDVN) - Không thể vượt qua những cơn mưa phùn và sương mù dày đặc nơi núi rừng, HS Kim Bon lại nghỉ học đồng loạt, giáo viên phải cắm chốt tại trường chờ HS…
Có đến Kim Bon, Phù Yên, Sơn La những ngày này mới hiểu hết những nỗi vất vả, nhọc nhằn trong hành trình dạy và học con chữ của thầy trò vùng cao Kim Bon. 
Đất trời Kim Bon mịt mù trong sương mù và rả rích mưa phùn. (Ảnh Thu Hòe)
Đất trời Kim Bon mịt mù trong sương mù và rả rích mưa phùn. (Ảnh Thu Hòe)
Một ngày mưa phùn cuối tháng 2, chúng tôi có mặt ở xã Kim Bon. Đất trời Kim Bon những ngày này chìm trong sương mù và mưa phùn rả rích.

Kim Bon giờ đã có đường liên bản, ô tô có thể đi vào từng bản. Tuy nhiên, 2/3 thời gian trong năm, những con đường của xã Kim Bon luôn ở trong tình trạng lầy lội, nhầy nhụa bùn đất, không thể lưu thông được bằng bất cứ một loại phương tiện nào. 
Cách di chuyển duy nhất của người dân Kim Bon những ngày này là đi bộ. (Ảnh Thu Hòe)
Cách di chuyển duy nhất của người dân Kim Bon những ngày này là đi bộ. (Ảnh Thu Hòe)
Gần 3 tháng nay, người dân các bản trong xã Kim Bon bị cô lập với nhau, cô lập với thế giới bên ngoài vì thời tiết. Mưa phùn khiến những con đường đất trở nên lầy lội, nhầy nhụa và trơn trượt như đổ mỡ. Sương mù dày đặc lạnh thấu xương, cản tầm nhìn. Độ ẩm lên đến 100%…. 

Cách duy nhất để người dân Kim Bon di chuyển từ bản nọ sang bản kia là đi bộ qua hàng chục km đường bùn đất hoặc vượt qua những ngọn núi cao…

Học sinh lại… nghỉ học đồng loạt 

Mùa này ở Kim Bon, học sinh lại bắt đầu nghỉ học hàng loạt. Tỷ lệ học sinh đến trường chỉ bằng 1/3 so với ngày bình thường.

Thầy Hồ Trọng Nghĩa, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Bon cho biết: “Những ngày này, số học sinh đến lớp giảm đi rõ rệt so với ngày bình thường. Ở một số lớp, số học sinh nghỉ học chiếm đến 2/3 sĩ số…”

Cô Phong, Hiệu trưởng trường mầm non Kim Bon cũng cho biết: “Những ngày nắng, ở khu trung tâm, học sinh đi học gần như đạt 100%. Tuy nhiên, những ngày thời tiết xấu như thế này, số trẻ đến lớp chỉ chiếm 30 – 40%.”

“Mùa này, một số điểm trường lẻ trong xã còn không có học sinh đến học. Một số điểm trường khác có học sinh nhưng cũng chỉ lèo tèo vài em…”, cô Phong cho biết thêm.
Ở một số điểm trường lẻ, chỉ lèo tèo vài em học sinh đến lớp. (Ảnh Thu Hòe)
Ở một số điểm trường lẻ, chỉ lèo tèo vài em học sinh đến lớp. (Ảnh Thu Hòe)
Giải thích về hiện tượng học sinh nghỉ học đồng lạt này, thầy Nghĩa nói: “Học sinh vùng cao vốn có truyền thống nghỉ học mùa vụ. Hằng năm cứ đến thời điểm mùa làm nương là học sinh lại phải nghỉ học ở nhà phụ giúp gia đình. Thời điểm này cũng đang vào mùa làm nương của bà con Kim Bon. Thông thường các em nghỉ học luân phiên. Tuy nhiên, cũng có những em gián đoạn việc học tập ở trường đến hàng tuần lễ. 

Bên cạnh đó, thời tiết xấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh “ngại” không muốn đến lớp.

Học sinh diện bán trú diện dân nuôi ở điểm trường chính Kim Bon hầu hết ở các bản ra học. Bản gần nhất cũng cách 3-5 km, bản xa nhất cách đến 18 -20 km. Học sinh về nhà vào dịp cuối tuần gặp thời tiết mưa và sương mù dày đặc như hiện nay đều không thể trở lại lớp học được ngay. Ở Kim Bon, trời động mưa là “mất đường” các phương tiện khó và không thể lưu thông được…”

Giáo viên cũng… khổ
“Đặc thù của giáo dục miền núi khiến chúng tôi không dám cho học sinh nghỉ học trừ trường hợp bất khả kháng như nhiệt độ xuống quá thất hay là những ngày nghỉ lễ theo quy định của nhà nước. Học sinh miền núi khi đã được nghỉ học ở nhà vài ngày là sẽ “quên đường” đến trường. Lúc đó, giáo viên lại mất công, mất thời gian vào tận bản, tận nhà “lôi” học sinh ra trường.
Do đó, thời tiết xấu nhưng chúng tôi vẫn cố duy trì học ở tất cả các điểm trường chính, lẻ trong xã. Toàn bộ giáo viên phải “cắm chốt” lại trường để chờ học sinh đến học…”, thầy Nghĩa tâm sự.

Thời tiết xấu khiến gần như 100% giáo viên phải ở lại trường. Một số giáo viên đang nuôi con nhỏ, chăm mẹ già đau yếu bắt buộc phải cố gắng đi đi về về trong điều kiện thời tiết, đường sá cực xấu. Hành trình “gieo” chữ nơi núi rừng Kim Bon trở nên khó khăn hơn bội phần. 

“Điểm trường chính có 4 giáo viên đi về trong ngày. Điểm trường lẻ Kim Bon (các trung tâm 5 km) và điểm trường lẻ Suối Pa (cách trung tâm 3 km) có 2 giáo viên đi về trong ngày vì đang trong thời kỳ nuôi con nhỏ. Các điểm trường lẻ trong xã còn lại, giáo viên phải ở lại trường 100 %.

Hằng ngày, các cô phải xuất phát ở nhà từ 4 giờ 30 phút mới kịp giờ học buổi sáng cho học sinh. Buổi chiều thì 2 -3 giờ mới có mặt được ở nhà. Nhiều thầy, cô còn phải vứt xe ở điểm trường chính rồi đi bộ hằng chục km vào điểm trường lẻ để dậy. Hết giờ lại đi lộn ra điểm trường chính lấy xe đi về. Vất vả lắm! Ai không bền gan, vững chí thì không thể gắn bó được với giáo dục Kim Bon được”, thầy Nghĩa chia sẻ.
Thu Hòe