Nam giới làm nghề giúp việc: Nỗi niềm trăm nẻo

30/06/2012 07:48
Nếu trước đây, nhắc tới hai từ “giúp việc” người ta chỉ nghĩ đến nữ giới, thì giờ chỉ cần lên mạng, hoặc tìm tới các trung tâm môi giới việc làm, các nam sinh viên đăng tin kiếm việc để có thêm thu nhập không còn là chuyện hiếm.
Nam giới làm nghề giúp việc: Nỗi niềm trăm nẻo ảnh 1
Những quảng cáo tìm lao động nam làm giúp việc không thiếu ở các trung tâm giới thiệu việc làm
(Ảnh minh họa)

Mượn mác giúp việc để hành nghề

Thường những công việc nhà như giặt giũ, nội trợ đều được mặc định dành cho phái yếu. Vì thế, người giúp việc trong các gia đình đa phần là nữ. Thế nhưng, xu hướng hiện nay, nhiều gia đình thích giúp việc là nam giới hơn bởi họ còn có thể làm được những công việc nặng. “Nhiều gia chủ chỉ thích thuê giúp việc nam vì khi làm việc họ tập trung, không lười, không buôn chuyện như nữ giới. 
Chính vì vậy mà lượng nam sinh viên tham gia công việc “thời vụ” ngày càng nhiều, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn, khan hiếm công việc như hiện nay. Thế nhưng, đôi khi chỉ vì muốn kiếm thêm ít tiền tiêu rủng rỉnh mà không ít sinh viên lại “dính” phải những hoàn cảnh trớ trêu, bởi nữ chủ nhà không muốn họ chỉ “giúp việc” thông thường...”, ông Nguyễn Huy Thông - Giám đốc một trung tâm tư vấn việc làm trên đường Láng, Hà Nội cho biết.
Đưa tôi một danh sách dài khoảng gần 20 người, có độ tuổi từ 19-24, chủ yếu là sinh viên ngoại tỉnh, đang học đại học ở Hà Nội đăng ký tìm công việc giúp việc nhà cho các gia đình, ông Thông đùa vui: “Mốt bây giờ là thuê nam giới giúp việc nhà. Nữ giới không còn đắt khách nữa, thậm chí nam giới hình thức dễ coi lại càng đắt khách”. 
Làm trong lĩnh vực môi giới, tuyển dụng lao động hơn chục năm nay, ông Thông đã chứng kiến nhiều chuyện cười ra nước mắt. “Cách đây hơn năm, một nam thanh niên đã đến văn phòng tôi đăng ký tìm công việc giúp việc cho các gia đình. Lúc đó, tôi cũng lấy làm lạ, nhưng khách hàng có nhu cầu thì mình giúp họ. Vậy mà chỉ vài hôm sau đã có một phụ nữ đến trung tâm tìm nam giúp việc nhà. Và đương nhiên, ngay hôm sau người thanh niên này đã có việc làm. Tuy nhiên, hai tuần sau anh ta quay lại trung tâm, tiếp tục đăng ký tìm việc.
Ngạc nhiên, tôi đã hỏi lý do thì anh ta trả lời: “Bà này trả lương thì hậu hĩnh nhưng “máu” kinh khủng, tối nào cũng bắt tôi làm việc… hùng hục như trâu”. Thuê nam giúp việc nhà thực ra chỉ là cái vỏ bọc của bà ta. Thật ra, cái bà ta muốn là tìm nam thanh niên lành lặn, khoẻ mạnh để giúp thoả mãn chuyện chăn gối. Ông chồng bà ấy bị tai nạn ô tô, nằm bẹp một chỗ đã gần 8 năm nay, nên bà ta vẫn thường tuyển nam giúp việc để phục vụ mình như vậy. Có khi tôi là người giúp việc thứ 20 rồi cũng nên. Khoẻ mạnh như tôi còn chẳng chịu được thì chắc bà ta phải thay người giúp việc liên tục…”. 
Sau này, nhiều sinh viên nam đến đăng ký công việc giúp việc gia đình, ông Thông cũng nói những mặt trái mà nam giúp việc có thể sẽ gặp phải, nhưng hầu như các nam sinh viên đều tỏ ra thờ ơ, thậm chí có người còn coi đó là việc rất bình thường… “Hiện trên mạng có rất nhiều thanh niên lười biếng, nhưng thích có nhiều tiền đã giả làm giúp việc để “đi khách”, đó cũng là lý do khiến nhiều gia chủ có dụng ý xấu hiểu lầm sinh viên nam làm công việc này cùng một giuộc với đám “điếm đực””, ông Thông cho biết.

Sức hút khó cưỡng

Qua tiếp xúc với một vài nam sinh viên đã từng có kinh nghiệm trong nghề giúp việc gia đình, tôi được biết lý do duy nhất mà họ làm công việc này là bởi… thu nhập cao. “Đa phần chủ nhà muốn tìm giúp việc nam thường là người có tiền. Họ có thể là những chủ nhà xinh đẹp, nhưng chồng phải đi công tác xa thường xuyên muốn có người để giải toả những bức xúc, hay những bà chồng có bồ nhí ở ngoài nên cũng tìm cho mình niềm an ủi, thậm chí là có chồng nhưng vì những hoàn cảnh khách quan, họ không được thoả mãn chuyện chăn gối, hay là những dân “gay” tìm kiếm bạn tình nhằm thoả mãn những cuộc vui bệnh hoạn”, ông Nguyễn Hoàng Ân, Giám đốc một trung tâm chuyên đào tạo người giúp việc ở quận Tây Hồ tổng kết. 
 “Nhiều bà, chồng sống sờ sờ ra đấy, đã không giỏi kiếm tiền, khoản kia lại yếu nên vợ thuê nam giúp việc nhà nhưng thực ra để giải toả những bức xúc. Em cũng từng rơi vào trường hợp như vậy. Khi học năm thứ hai, xin được làm giúp việc nhà cho một gia đình giàu có ở phố Văn Cao. Ngoài tiền lương, họ còn bố trí cho em chỗ ở luôn tại nhà, nhưng hầu như tối nào em cũng phải phục vụ bà chủ. Vì muốn có nhiều tiền nên em đã chấp nhận cuộc sống “tầm gửi” mất một năm. Sau đó, sợ ảnh hưởng đến việc học hành và gia đình nên em đã từ bỏ thân phận người giúp việc kiêm bán thân…”, Nguyễn Chiến Thắng, quê ở Phú Thọ, sinh viên năm thứ 3, một trường đại học có tiếng ở Hà Nội cho hay.
Tuy không thể áp đảo “ô sin” nữ về số lượng nhưng cánh mày râu cũng không tỏ ra thua kém chị em trong khoản nữ công gia chánh, nhiều nam giúp việc không chỉ chinh phục tình cảm của chủ nhà mà còn trở thành một thành viên không thể thiếu trong gia đình họ. Trong khi thực hiện bài viết này, tôi đã gặp Khánh Duy, sinh viên năm cuối trường Cao đẳng Giao thông đang loay hoay tìm một công việc làm thêm để cải thiện thu nhập trong dịp nghỉ hè, tại một trung tâm giới thiệu việc làm. Duy cho biết mình sẽ sẵn sàng làm “ô sin” nếu đó là một công việc tử tế, có thu nhập tốt. 
Khi được hỏi sẽ xử sự thế nào trong tình huống nếu bị bà chủ “thả thính”, Duy đã thẳng thắn thừa nhận: “Không ai có thể nói trước được điều gì sẽ xảy ra khi một người đàn ông đứng trước sức hút mãnh liệt của hai chữ tiền và tình. Nhất là, trước một người phụ nữ giàu có, nóng bỏng, chủ động tấn công mình. Nếu là em, có thể em sẽ không kìm hãm được lòng ham muốn ngay lúc đó, nhưng có lẽ em sẽ chọn một công việc chân chính, bởi đó mới là điều mà em lên kế hoạch cho tương lai của mình…”.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Ngọc Bảo/An ninh thủ đô