Năng suất lao động nước ta thua cả Lào, ai chịu trách nhiệm?

26/05/2018 06:30
Trinh Phúc
(GDVN) - "Nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở tấm bằng, chứng chỉ học vấn, nghề nghiệp mà chủ yếu ở chất lượng văn hóa, trình độ tay nghề, kỹ năng lao động".

Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 đã nhấn mạnh những kết quả trong công tác dạy nghề, giải quyết việc làm;

Khai trương hệ tri thức Việt số hoá và bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia;

Tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng chất lượng nguồn nhân lực nước ta vẫn rất thấp và cần phải có chính sách mới.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phỏng vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Qua trả lời phỏng vấn, bà Nguyễn Thị Mai Hoa đã đề xuất 4 giải pháp lớn nhằm nâng cao nguồn nhân lực của nước ta.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh quochoi.vn).

Chất lượng lao động đã thấp, lại sử dụng lãng phí

Theo bà, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập chưa?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi có nhiều vấn đề băn khoăn về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay.

Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng, nguồn cung lao động luôn dồi dào;

Lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức ổn định. Nhưng xét một cách tổng thể, nguồn nhân lực nước ta vẫn còn nhiều hạn chế.

Về chất lượng nhân lực, mặc dù trong những năm qua, hệ thống giáo dục, đào tạo, nhất là đào tạo trình độ cao được phát triển và mở rộng, nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu.

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp hơn nhiều so với khu vực; thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập.

Cụ thể, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,39 điểm trên tổng 10 điểm - trong khi Hà Quốc là 6,91 điểm;

Ấn Độ là 5,76 điểm; Malaixia 5,9 điểm; Thái Lan 4,94 điểm;...

Năng suất lao động nước ta thua cả Lào, ai chịu trách nhiệm? ảnh 2Đại học công lập và tư thục phải như 2 cánh của một con chim

Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có được cải thiện đáng kể, tốc độ tăng năng suất lao động khá cao, nhưng mức năng suất lao động vẫn đang rất thấp so với nhiều nước, thậm chí thua Lào.

Một nghịch lý nữa là trong khi nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang có tỷ lệ rất thấp thì vẫn có một lực lượng khá lớn nhân lực đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học lại đang trong tình trạng thất nghiệp:

Khoảng trên 183,1 nghìn người có trình độ đại học, 82,6 nghìn người có trình độ cao đẳng.

Đây là biểu hiện của sự lãng phí trong đầu tư của ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội nói chung.

Như bà vừa trao đổi, chất lượng lao động nước ta thấp vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào trong quá trình hội nhập của lao động nước ta với khu vực và thế giới?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng, chất lượng lao động thấp sẽ gây khó khăn cho quá trình hội nhập quốc tế của lao động nước ta.

Hiện nay cạnh tranh về nhân lực chất lượng cao sẽ diễn ra mạnh mẽ trên bình diện thế giới, khu vực và quốc gia vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với lao động Việt Nam.

Rõ ràng, việc mở ra khả năng di chuyển lao động giữa các nước đòi hỏi người lao động phải có kỹ năng nghề cao, có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế với những tiêu chuẩn, tiêu chí do thị trường lao động xác định.

Trong khi đó, lao động Việt Nam, kể cả lao động có trình độ đào tạo cao, dù có những ưu thế như sức trẻ, sự cần cù… nhưng lại có nhiều hạn chế nhiều về khả năng hòa nhập trong môi trường lao động mới, kỹ năng thực hành, trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, khó thích ứng với thay đổi…

Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam là chưa cao.

Tư duy xem lao động giá rẻ là thế mạnh đã hạn chế sự phát triển

Bà có cho rằng nguyên nhân chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thấp là do chất lượng đào tạo của nền giáo dục nước ta hay còn vì những nguyên nhân nào khác nữa?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi nghĩ, thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Mặc dù, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã được nhắc đến trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X và lần thứ XI của Đảng.

Theo đó, việc đầu tư phát triển nguồn nhân lực được quan tâm và tác động đáng kể tới việc tăng số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời gian qua.

Năng suất lao động nước ta thua cả Lào, ai chịu trách nhiệm? ảnh 3Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ cách bảo vệ quyền lợi nhà giáo

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là khi nói về chất lượng nguồn nhân lực, dường như chúng ta đang tập trung vào tiêu chí bằng cấp, chưa chú trọng các tiêu chí về kỹ năng nghề, tay nghề, văn hoá nghề ...

Do vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam khó đáp ứng được khi tham gia vào thị trường lao động;

Và thực tế cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.

Từ đó, số liệu về kết quả đào tạo nguồn nhân lực cũng chưa hẳn phản ánh được một cách đầy đủ bức tranh về của nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh đó, cần xem xét lại tư duy coi nguồn lao động giá rẻ là một lợi thế của nền kinh tế bởi đây cũng là nguyên nhân khiến cho năng suất lao động Việt Nam hiện đang bị đánh giá là thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực, thậm chí thua Lào.

Về quản lý nhà nước, việc định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực của các ngành vẫn còn hạn chế, khá manh mún và thiếu đồng bộ;

Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa theo kịp thời sự biến động của thị trường lao động;

Chưa đưa ra được các dự báo trung và ngắn hạn về thị trường lao động và tính hiệu quả chưa cao của hoạt động dịch vụ việc làm đã góp phần làm gia tăng xu hướng này.

Việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực dài hạn cho phát triển kinh tế - xã hội cũng rất hạn chế, cơ cấu đào tạo theo ngành nghề, trình độ đào tạo không được quy hoạch lâu dài.

Các cơ sở đào tạo không đủ thông tin về cung, cầu lao động, nên việc xây dựng ngành nghề, chỉ tiêu và trình độ đào tạo hằng năm không sát thực tiễn.

Bà cho rằng đào tạo lao động hàng năm của nước ta không sát với thực tiễn. Vậy bà có thể phân tích  sâu thêm về vấn đề này được không?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Đúng là khâu đào tạo còn rất nhiều bất cập như số lượng lao động đào tạo ở trình độ cao trong những năm gần đây gia tăng đáng kể, nhưng chất lượng lao động của đối tượng này phần lớn chưa đạt các tiêu chí về nguồn nhân lực chất lượng cao.

Do vậy, khi họ ra làm việc, nhiều người không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Mặt khác, trong khi mối tương quan giữa cung và cầu về lao động trong nước và khu vực liên tục thay đổi do sự chuyển dịch mô hình, cơ cấu kinh tế, thì các ngành đào tạo trong nhà trường dường như chưa bắt kịp được xu thế sử dụng lao động của doanh nghiệp.

Năng suất lao động nước ta thua cả Lào, ai chịu trách nhiệm? ảnh 4Thừa thầy thiếu thợ, Bộ trưởng Dung lo, Bộ trưởng Nhạ yên chí

Cùng với đó là những hạn chế về quy mô và chất lượng đội ngũ giảng viên, về chương trình đào tạo, cơ sở vật chất;

Việc phân luồng ở bậc trung học cơ sở và hướng nghiệp ở bậc trung học phổ thông  vẫn còn lúng túng;

Tính liên thông giữa các bậc học, loại hình đào tạo chưa rõ. Theo đó, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn;

Chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa tiếp cận được các chuẩn của khu vực và thế giới để bảo đảm văn bằng chứng chỉ của Việt Nam được công nhận ở các nước khác.

Về thị trường lao động: Hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ (chiếm khoảng 90 %), do vậy, công nghệ sản xuất và năng lực quản trị đa phần còn lạc hậu;

Khoa học, công nghệ chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động của người Việt Nam thấp chính là do chỉ đảm nhận các công đoạn hoàn thiện, gia công, không tạo ra sản phẩm có thương hiệu để cung ứng cho thị trường.

Cần thay tiêu chí đánh giá chất lượng lao động theo bằng cấp bằng tiêu chí năng lực

Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, theo bà trong thời gian tới cần phải thực hiện những biện pháp như thế nào?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Theo tôi, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trên cơ sở những phân tích trên đây, tôi xin đề cập tới một số giải pháp cụ thể:

Trước hết, cần thay đổi quan điểm về tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực, chuyển từ tiêu chí đánh giá chất lượng dựa trên trình độ đào tạo sang tiêu chí về năng lực thực tiễn, kỹ năng nghề.

Không phải tất cả những người đã qua đào tạo đều đáp ứng các công việc.

Nhân lực chất lượng cao không chỉ thể hiện ở tấm bằng, chứng chỉ học vấn, nghề nghiệp mà chủ yếu ở chất lượng văn hóa, trình độ tay nghề, kỹ năng lao động để làm ra các sản phẩm có chất lượng cao.

Đồng thời, chuyển từ nhận thức coi nguồn lao động giá rẻ là lợi thế sang đầu tư đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng sức cạnh tranh trong cơ hội việc làm;

Cùng với đó, cần tập trung ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn, các tập đoàn sản xuất mạnh, khu vực sản xuất công nghệ cao bên cạnh chính sách phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đặc biệt, chúng ta cần xây dựng chiến lược nguồn nhân lực gắn với phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế;

Hình thành khung pháp lý và cơ chế cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xác định rõ xây dựng nguồn nhân lực là trách nhiệm của các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Đẩy mạnh chiến lược xã hội hóa giáo dục, qua đó huy động tiềm năng xã hội cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Đi cùng với đó là bổ sung, hoàn thiện quy hoạch hệ thống các trường đại học, cao đẳng đến năm 2020 và tầm nhìn 2030;

Thực hiện đánh giá chất lượng đào tạo; kiểm định và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

Cần chú trọng sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục - đào tạo và các cơ quan, doanh nghiệp nơi sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cải thiện thông tin về thị trường lao động, trong đó cần có hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia và cơ sở dữ liệu về đầu tư nguồn lực;

Thông tin về cung cầu nhân lực các bộ, ngành, tỉnh, thành phố; cung cấp kịp thời các thông tin cho xã hội về đào tạo, nhân lực, việc làm và quy hoạch chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, các địa phương và các bộ, ngành.

Cần có cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư quốc tế, tăng những dự án đầu tư mang tính tiên phong về công nghệ hoặc quy mô lớn giúp thu hẹp khoảng cách về năng suất lao động, tăng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, cùng với nâng cao trình độ quản lý, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần tạo ra nhiều việc làm mới cho người lao động…

Ngoài những vấn đề đã nêu, bà còn có ý kiến gì nữa không để phát triển chất lượng nguồn nhân lực nước ta?

- Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa: Tôi cho rằng, đối với các cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần chú trọng xây dựng bồi dưỡng đội ngũ giảng viên trình độ cao;

Rà soát tổng thể đội ngũ giảng viên đại học, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp để thực thiện chuẩn hóa và xây dựng lộ trình chuẩn hóa để đáp ứng mục tiêu đào tạo nghề đến năm 2020.

Quan tâm phát triển chương trình và đào tạo nghề chất lượng cao, đẩy nhanh việc xây dựng các chuẩn đầu ra dựa trên tiêu chuẩn nghề phù hợp với Khung trình độ quốc gia, trước mắt tập trung vào các nghề trọng điểm, các nghề có trong danh mục của hội thi tay nghề ASEAN, rà soát và điều chỉnh việc xây dựng các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, theo hướng linh hoạt, tăng tính thực hành.

Phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cuối cùng, cần phát huy vai trò doanh nghiệp trong việc phối hợp, hỗ trợ và trực tiếp tham gia đào tạo nghề ở từng công đoạn:

Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; cung cấp giảng viên, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp;

Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề và đào tạo lại nghề cho người lao động của doanh nghiệp.

Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng lao động của doanh nghiệp theo ngành, nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần tăng thêm các chính sách cụ thể; chẳng hạn như một số khoản chi cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp của doanh nghiệp được phép giảm trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Có thể nói, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một yêu cầu quan trọng mà chúng ta phải quan tâm, đầu tư đúng mức; như vậy mới đủ sức để không tụt hậu xa so với trình độ chung của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

Trinh Phúc