Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến:

"Nên cấm trông trẻ suốt đời đối với các bảo mẫu hành hạ trẻ em"

21/12/2013 06:10
Phong Vũ
(GDVN) - "Cơ quan chức năng nên áp dụng thêm hình phạt phụ, đó là cấm hành nghề nuôi giữ trẻ cả đời đối với các bảo mẫu đã hành hạ trẻ em ở cơ sở Phương Anh"

Những hình ảnh từ video clip ghi lại cảnh bạo hành trẻ em xảy ra tại nhà trông giữ trẻ tư thục Phương Anh (số 18, đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, TP. HCM) vẫn tiếp tục khiến dư luận "dậy sóng" phẫn nộ.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 17/12, Cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai đối tượng, gồm: Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, trú ở đường Nguyễn Duy, phường 9, quận 8; chủ nhà trông giữ trẻ tư thục Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang - nhân viên cấp dưỡng thử việc của nhà giữ trẻ Phương Anh) về hành vi “Hành hạ người khác”. Đồng thời, cơ quan điều tra đang củng cố hồ sơ để khởi tố bà Phương thêm hành vi “Kinh doanh trái phép”.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, bước đầu Phương và Lý đã thừa nhận những hành vi bạo lực như đã nói ở trên.

Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Người Lao động).
Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý tại cơ quan điều tra. (Ảnh: Người Lao động).

Trong khi đó, phân tích hành vi của các "bảo mẫu" dưới góc độ pháp luật, trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo Dục Vệt Nam, Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến - Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: "Hành vi của Phương và những nhân viên của Phương đối với các cháu bé có dấu hiệu phạm tội hành hạ người khác (trẻ em) được quy định tại Khoản 2, Điều 110, Bộ Luật Hình sự có khung hình phạt từ 1 năm đến 3 năm tù. Ở đây còn có tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần, phạm tội với nhiều người".

Nên cấm "cô nuôi dạy hổ" trông giữ trẻ suốt đời

Phóng viên: Vậy theo luật sư, tại sao các bảo mẫu lại có những hành vi nhẫn tâm như vậy, đặc biệt bà Phương là người có trình độ Đại học?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Hành vi nhẫn tâm vì họ không có lòng yêu trẻ cũng như tính nhân văn của con người! Họ chỉ núp dưới danh nghĩa là người bảo mẫu để kiếm tiền của cha mẹ các cháu. Còn nghĩa vụ và trách nhiệm của họ là chăm sóc trẻ em thì họ chưa làm đúng. Thay vào đó là kiểu tra tấn, hành hạ một cách tàn bạo.

Sự độc ác này đã khiến em bé trai còn rất non nớt đã phải giơ bàn tay nhỏ bé yếu ớt của mình để kháng cự lại theo bản năng. Đó là tiếng nói, là hành động phản kháng của những đứa trẻ đã bị hành hạ dã man trong nhiều ngày.

- Như vậy thì hình phạt nào là thích đáng với những bảo mẫu độc ác trên?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Cần phải có những hình phạt thích đáng để nghiêm trị những hành vi như trên. Bên cạnh đó, sau khi xử lý pháp luật với 3 cô giáo này cần phải có một hình phạt phụ cấm đảm nhiệm việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em suốt đời.

"Theo khoản 2, Điều 110, Bộ luật Hình sự, nười có hành vi "Hành hạ người khác" sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, cơ quan chức năng nên áp dụng thêm hình phạt phụ, đó là cấm hành nghề nuôi giữ trẻ cả đời đối với các bảo mẫu đã hành hạ trẻ em tại nhà trẻ Phương Anh (TP HCM)". LS Nguyễn Hoàng Tiến.

Chính quyền địa phương chưa kiên quyết xử lý

- Trong trường hợp này, để tồn tại một nhà giữ trẻ không phép, có hành vi bạo hành trẻ em trong một thời gian khá dài như vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu, thưa Luật sư?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Theo như thông tin công khai trên đài truyền hình VTV1, UBND phường sở tại đã có 2 lần kiểm tra và lập biên bản về việc mở nhà trẻ trái phép nhưng chính quyền phường chưa cương quyết xử phạt hành chính hoặc buộc phải đóng cửa nhà trẻ.

Đương nhiên, để xảy ra một nhà trẻ là nơi hành hạ tra tấn các cháu nhỏ như vậy trong một thời gian dài thì UBND phường sở tại, phòng giáo dục quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh phải nghiêm khắc rút kinh nghiệm. Những cá nhân chịu trách nhiệm quản lý địa bàn cũng cần tự nhận cho mình một mức kỷ luật hành chính tương xứng để  những nhà trẻ trong phạm vi quản lý của phường mình không có những hành vi tương tự xảy ra.

Một bé trai hốt hoảng gào thét khi bị "bảo mẫu" dọa thả vào thùng nước.
Một bé trai hốt hoảng gào thét khi bị "bảo mẫu" dọa thả vào thùng nước.

- Luật sư có kiến nghị gì đối với cơ quan chức năng nhằm có những biện pháp hạn chế, ngăn chặn tình trạng bạo hành trẻ em?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Theo tôi, chính quyền địa phương cần phải kiểm tra giấy phép hoạt động của các cơ sở nuôi dạy trẻ xem có giấy phép của cấp quận, huyện hay không? Phải kiểm tra những người tham gia nuôi dạy trẻ có đủ trình độ chuyên môn bằng cấp, theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo hay không? Cũng cần phải thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở nuôi dạy trẻ này, mà không báo trước, để xem chất lượng ăn uống và vệ sinh trường lớp có đảm bảo hay không? Việc dạy trẻ học, chơi có đảm bảo quy định của BGD&ĐT hay không?

Nếu các tổ chức nuôi dạy trẻ này có sai phạm thì phải cương quyết nhắc nhở phê bình, xử phạt vi phạm hành chính, nghiêm trọng thì cần phải lập biên bản và kiến nghị với cấp quận huyện thu hồi giấy phép hoạt động.

Đối với dư luận xã hội, cần phải mạnh mẽ phê phán lên án những hành vi vi phạm pháp luật trái với đạo đức của ba cô giáo ở nhà trẻ Phương Anh.

Các cơ quan pháp luật cần phải vào cuộc tiến hành điều tra thu thập chứng cứ nếu đủ cơ sở kết luận hành vi của những cô giáo trên là vi phạm pháp luận theo Điều 110, Bộ Luật Hình sự thì cần phải khởi tố, tiến hành điều tra, truy tố, xét xử công khai trước pháp luật làm gương cho những người làm công tác nuôi giữ trẻ đề cao tính giáo dục phòng ngừa chung cho xã hội.

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.

- Đứng dưới góc độ là một người dân thường, Luật sư nhìn nhận vụ việc này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Với bất kể một việc làm gì trong xã hội thì người tiến hành nghề nghiệp chuyên môn của mình, phải rèn luyện, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp để mình phát huy và làm tốt hơn nghề nghiệp chuyên môn, không làm xấu đi hình ảnh nghề nghiệp của mình.

Đối với ngành chăm sóc nuôi dạy trẻ thì những người làm trong nghề này trước hết phải có tình yêu trẻ, phải có kiến thức, hiểu biết về đặc tính, tâm lý lứa tuổi cũng như sự phát triển sinh lý bình thường của trẻ, kiên nhẫn cẩn thận với trách nhiệm nghề nghiệp cao nhất, vì trẻ là đối tượng mình phải chăm sóc, dạy dỗ.

Sự dạy dỗ ban đầu vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của con người sau này. Trẻ em là thế hệ làm chủ đất nước ngày mai, nếu bị nuôi dạy trong môi trường bạo lực thì những đứa trẻ này sẽ ảnh hưởng xấu về tâm lý và thậm chí khi trưởng thành cũng sẽ có lối sống bạo lực. Đây là điều vô cùng nguy hiểm cho xã hội và thế hệ trẻ.

Do vậy, dư luận xã hội cùng báo chí và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần khẩn trương nhanh chóng vào cuộc để tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh, để những người có sai phạm trên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật./.

Phong Vũ