"Nếu cầu Nhật Tân chậm tiến độ, nhà thầu phạt là đúng"

25/01/2013 12:16
Thùy Liễu (Tổng hợp)
(GDVN) - Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực giao thông khi biết được thông tin: tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo Hà Nội, Bộ GTVT đã cho biết do công trình cầu Nhật Tân bị chậm 1,5 năm trong việc GPMB nên nhiều nguy cơ sẽ bị mất 200 tỷ đồng đền bù cho phía nhà thầu.
Chiều ngày 23/1, UBND thành phố Hà Nội và Bộ GTVT đã có buổi làm việc nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cho hàng chục công trình giao thông trọng điểm. Tờ Dân trí đưa tin, tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nhà thầu Tokyu (Nhật Bản) đang đề nghị bồi thường, có thể lên tới 200 tỷ đồng, do dự án cầu Nhật Tân chậm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) 1,5 năm. Ông Trường cho biết, tiền lệ trước đây Việt Nam cũng từng đền bù cho công ty ở Đài Loan liên quan đến tuyến đường 5 (Hà Nội - Hải Phòng). “Đền bù lần đó là đúng và lần này cũng vậy thôi. Dự án chậm tiến độ không phải do năng lực nhà thầu yếu kém mà mắc ở khâu giải phóng mặt bằng kéo dài ảnh hưởng đến nhà thầu”, ông Trường nói.
Việc GPMB cầu Nhật Tân chậm tiến độ khiến nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại 200 tỷ đồng.
Việc GPMB cầu Nhật Tân chậm tiến độ khiến nhà thầu đòi bồi thường thiệt hại 200 tỷ đồng.
Trước đề nghị của công ty Tokyu, ông Trường cho biết, nếu đưa ra tòa thì phần thắng nghiêng về họ nhiều hơn. Để giải quyết việc này cần có sự vào cuộc của các đơn vị liên quan. Việc giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đặc biệt là khâu đền bù đất cho dân và cả việc thiếu nhà tái định cư... Điều đó dẫn tới việc nhà thầu phải thi công cầm chừng nhiều tháng liền. "Chúng tôi đã trao đổi với Đại sứ quán Nhật Bản là chưa bao giờ có tiền lệ đền bù khi chậm giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhà thầu đã phát đơn thì mình phải vào cuộc. Nếu đưa ra tòa, phần đúng thuộc về họ nhiều hơn", Thứ trưởng Trường nói. Theo VnExpress, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Bộ Giao thông có tính đến đền bù thiệt hại cho nhà thầu song mức đền bù bao nhiêu thì phải tính toán chặt chẽ và có sự vào cuộc của các cơ quan liên quan. Trao đổi với phóng viên báo điện tử infonet, TS. Nguyễn Xuân Thủy, một chuyên gia nhiều năm trong lĩnh vực giao thông đã mổ xẻ rõ hơn về vấn đề công trình cầu Nhật Tân bị chậm 1,5 năm trong việc GPMB nên nhiều nguy cơ sẽ bị mất 200 tỷ đồng đền bù cho phía nhà thầu. Ông Thủy nói: “Để chậm bằng ấy thời gian, nhà thầu phạt là đúng.  Bởi việc chậm bàn giao mặt bằng khiến nhà thầu không thể triển khai dự án. Nguồn vốn bị ứ đọng, lãi vay ngân hàng, rồi chi phí lao động phát sinh, giá cả vật tư tăng lên và muôn vàn các chi phí khác.  Để dẫn đến hệ quả như vậy, có lẽ đầu tiên xuất phát từ khâu quản lý, điều hành, vì anh đặt ra kế hoạch GPMB không chuẩn, không khớp, không đáp ứng được yêu cầu”. Nói về vấn đề GPMB, ông Nguyễn Xuân Thủy cho biết thêm: “Phải thừa nhận hầu hết các dự án giao thông đều bị chậm trong một thời gian dài vì khâu GPMB. Cầu Nhật Tân hay cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên có thể coi là những ví dụ. Nguyên nhân thì nhiều lắm. Nhưng cơ bản vẫn nằm ở công tác tổ chức, triển khai kế hoạch. Quan trọng hơn cả là không tạo ra sự công bằng, đồng thuận trong việc đền bù với người dân. Chính cơ chế chính sách chưa đảm bảo, thiếu tính thực tiễn đã dẫn đến sự đối kháng giữa người dân với đơn vị thực hiện GPMB”. Tờ Tiền Phong đưa tin, để sớm có mặt bằng sạch triển khai xây dựng đường nối cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài, Bộ GTVT cũng đề nghị Hà Nội sớm bố trí đủ vốn đầu tư năm 2013 cho các dự án tái định cư tại xã Dục Tú huyện Đông Anh; xã Trung Giã huyện Sóc Sơn; xã Tiên Dược- Mai Đình huyện Sóc Sơn với tổng mức đầu tư dự kiến 631 tỷ đồng.

Nhân nói đến chuyện xây cầu, TS Thủy lại nhớ đến những điều Đà Nẵng đã làm được trước đây:

"Tôi lấy ví dụ hai cây cầu Hàm Rồng, cầu Sông Hàn dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhưng rồi cuối cùng cũng hoàn thành đúng tiến độ. Vì sao người ta lại làm được điều đó?

Đầu tiên là cách làm của Đà Nẵng luôn bài bản, đi vào nề nếp và rất hiệu quả. Bên cạnh đó Đà Nẵng có được một người lãnh đạo có tâm huyết, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Tôi còn nhớ ngày đó ông Nguyễn Bá Thanh còn giữ cương vị Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Vì cần thêm kinh phí, ông ấy đã kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho cây cầu Hàm Rồng. Và bản thân ông Nguyễn Bá Thanh đã gương mẫu bỏ ra 40 triệu đồng tiền riêng của mình để quyên góp cho cây cầu Hàm Rồng.

Nhiều quan chức sẽ không dám làm điều này, bởi họ sợ người ta nghĩ vì tham nhũng, tiêu cực nên mới giàu có như vậy. Còn ông Nguyễn Bá Thanh lại rất thẳng thắn, sống thật với lương tâm của mình. Bất kể ở đâu có vướng mắc, ông ấy đều có mặt để tìm cách tháo gỡ. Cầu Hàm Rồng hoàn thành đúng tiến độ có nguyên nhân từ đó.

Thực chất đó là năng lực của người lãnh đạo. Thành công của Đà Nẵng là do họ có một người lãnh đạo luôn hết lòng vì dân, sẵn sàng xuống tận nơi để giải thích cho dân hiểu. Sở dĩ ông Nguyễn Bá Thanh làm nên một kỳ tích ở cây cầu Hàm Rồng và nhiều việc khác cho Đà Nẵng sau này vì ông ấy luôn biết lắng nghe dân, không chịu đầu hàng khó khăn, dám nói mạnh mẽ và làm đúng những gì đã nói".

Nguyễn Dũng - infonet
Cầu Nhật Tân được khởi công từ tháng 3/2009 và dự kiến đến tháng 10/2014 sẽ hoàn thiện đi vào khai thác. Cầu được thiết kế vĩnh cửu với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, thép và dây văng. Chiều dài toàn tuyến là 8,4 km, trong đó cầu dài 3,9 km, đường dẫn 4,5 km, chiều rộng đảm bảo cho 8 làn xe, trong đó 6 làn xe cơ giới.

Dự án có tổng mức đầu tư 7.530 tỷ đồng, gồm vốn vay từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thùy Liễu (Tổng hợp)