Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc

17/02/2017 08:37
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Theo kế hoạch, trong vòng 4-7 ngày, quân Trung Quốc dự định sẽ chiếm xong Lạng Sơn, Cao Bằng và Cam Đường (Lào Cai), nhưng bị nhân dân Việt Nam đánh trả...

LTS: Tiếp theo bài viết "Biên giới phía Bắc đầu tháng 2/1979, những ngày trước khi súng nổ", Đại tá Đặng Việt Thủy - một chuyên gia lịch sử quân sự tiếp tục chia sẻ đến độc giả những diễn biến của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

12 giờ ngày 16/2/1979, theo nguồn tin từ một số đài quan sát báo về, Trực ban Thông tin Quân khu 1 báo cáo lên Trực ban Tác chiến Quân khu và Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc: có nhiều dấu hiệu quân Trung Quốc chuẩn bị tấn công sang đất ta.

Khoảng từ 5 giờ 30 phút ngày 17/2/1979, kíp trực ban tác chiến Quân khu liên tiếp nhận được báo cáo của tỉnh Cao Bằng, Sư đoàn 346, đài quan sát ở Sóc Giang - Hà Quảng, Trà Lĩnh, Tà Lùng - Quảng Hòa cho biết: 

Trung Quốc dùng pháo binh, súng cối bắn vào các chốt và đồn biên phòng ở Cần Yên - Thông Nông, Sóc Giang - Hà Quảng, Hùng Quốc - Trà Lĩnh;

Cho xe tăng vượt qua mốc 120 Thông Nông và bộ binh chiếm chốt dân quân ở phía Đông mốc 94 Trà Lĩnh; đang bắc cầu qua sông Bắc Vọng trên hướng Tà Lùng - Quảng Hòa.

Tình hình trên lập tức được báo cáo lên Tư lệnh và Tham mưu trưởng Quân khu, sau đó thông báo cho các cơ quan, đơn vị thi hành nhiệm vụ theo phương án. 

Kể từ giờ phút đó, không khí hoạt động ở Trung tâm chỉ huy diễn ra hết sức khẩn trương.

Từ thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu, thường vụ Đảng ủy đến thủ trưởng các cơ quan và các thành phần chuyên môn lần lượt có mặt làm nhiệm vụ. 

Các sĩ quan phụ trách hướng truyền đạt chỉ thị, mệnh lệnh xuống các địa phương, đơn vị, vừa lên tình huống theo dõi diễn biến trên hướng mình phụ trách.

Như vậy, từ rạng sáng ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã bất ngờ mở cuộc tiến công nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu.

Hướng tiến công chủ yếu của quân Trung Quốc là Lạng Sơn, Cao Bằng; hướng quan trọng là Lào Cai (Hoàng Liên Sơn); hướng phối hợp là Phong Thổ (Lai Châu). 

Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc ảnh 1

Biên giới phía Bắc đầu tháng 2/1979, những ngày trước khi súng nổ

Trên các hướng khác đối phương hoạt động với mục đích nghi binh, thu hút lực lượng ta.

Phần lớn các mũi tiến công của đối phương có xe tăng, thiết giáp đi cùng và được pháo binh chi viện mở đường. 

Về phía ta, ngoài một số đơn vị bị bất ngờ, lúng túng, còn phần lớn các đơn vị trên tuyến đầu kiên quyết nổ súng ngăn chặn.

Trên hướng Cao Bằng, quân Trung Quốc sử dụng lực lượng lớn tổ chức thành nhiều hướng, nhiều mũi tiến công vào Thông Nông, Hà Quảng, Quảng Hòa, Thạch An. Mục tiêu là thị xã Cao Bằng.

Lực lượng vũ trang Quân khu có Sư đoàn 316, Trung đoàn 567 và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ cùng công an vũ trang.

Lợi dụng sơ hở của ta trong bố trí lực lượng phòng ngự, Trung Quốc sử dụng lực lượng tăng, thiết giáp thọc sâu vu hồi trên hai hướng Thông Nông và Thất Khê để tiến nhanh vào thị xã. 

Trên mỗi hướng, đối phương vừa tiến công chính diện, vừa tích cực thực hiện vu hồi chiến dịch, chiến thuật; kết hợp chặt giữa bộ binh với xe tăng, thiết giáp và pháo binh, đặc biệt sử dụng hỏa lực pháo binh với mật độ dày đặc.

Trên hướng Lạng Sơn, đối phương sử dụng lực lượng chia làm nhiều hướng, nhiều mũi tiến công trên suốt dải biên giới thuộc tỉnh. Mục tiêu chủ yếu là thị xã Lạng Sơn.

Lực lượng vũ trang Quân khu có Sư đoàn 3, Sư đoàn 338, Trung đoàn 123 bộ đội địa phương Lạng Sơn cùng công an vũ trang, dân quân tự vệ.

Tại Đồng Đăng và Tân Thanh, đối phương lợi dụng sơ hở của ta, bí mật luồn sâu áp sát một số trận địa phòng ngự ở thị trấn Đồng Đăng, điểm cao 811 và phía bắc ga Tam Lung.

Khi dùng pháo binh bắn chuẩn bị thì xe tăng, bộ binh đối phương vượt qua biên giới, kết hợp với lực lượng luồn sâu, áp sát, bất ngờ tiến công trận địa phòng ngự của các Tiểu đoàn 4, 5, 6 thuộc Trung đoàn 12, đồn biên phòng, trận địa pháo ở phía bắc ga Tam Lung và đồi Chậu Cảnh.

Các đơn vị của Trung đoàn 12 Sư đoàn 3, công an vũ trang và dân quân tự vệ đánh trả quyết liệt, giữ phần lớn trận địa phòng ngự cơ bản ở Đồng Đăng, Tân Mỹ. 

Tại khu vực biên giới Lộc Bình và Cao Lộc, Trung đoàn 123 của tỉnh Lạng Sơn cùng với các tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện phối hợp với công an vũ trang và dân quân tự vệ nổ súng đánh trả kịp thời, đánh bại các đợt tiến công của đối phương, giữ vững trận địa phòng ngự cơ bản.

Do bị chặn đánh quyết liệt và bị thiệt hại nặng nên sau 3 ngày tiến công, đối phương đã phải đưa lực lượng dự bị của các quân đoàn thê đội 1 vào chiến đấu.

Trên hướng Quảng Ninh, quân Trung Quốc tiến công vào các đồn biên phòng, các trận địa ở sát biên giới nhằm phá hoại và kiềm chế các đợt phản công của ta. 

Các lực lượng vũ trang tại chỗ của ta đã kịp thời nổ súng đánh trả quyết liệt làm cho đối phương không thực hiện được ý đồ.

Chiếc xe tăng của địch bị quân dân ta tiêu diệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.(Ảnh tư liệu).
Chiếc xe tăng của địch bị quân dân ta tiêu diệt trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc 1979.(Ảnh tư liệu).

Khoảng 7 giờ ngày 17/2/1979, sau khi nghe cơ quan báo cáo tình hình, Tư lệnh Quân khu Đàm Quang Trung nhận định rõ ý đồ dùng sức mạnh quân sự của đối phương. 

Tiếp đó, Tư lệnh chỉ thị cho cơ quan Quân khu: lệnh cho các đơn vị phía trước kiên quyết chiến đấu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc;

Triển khai Sở chỉ huy tiền phương Quân khu ở huyện Chi Lăng - Lạng Sơn (theo kế hoạch đã có chuẩn bị); 

Chỉ đạo các tỉnh phía sau sẵn sàng chi viện mọi mặt cho phía trước; điều gấp Trung đoàn 196 của tỉnh Hà Bắc lên tăng cường hướng Đình Lập, Trung đoàn 197 của tỉnh Bắc Thái lên hướng Văn Quan (đường 1B);

Các cơ quan, đơn vị phía sau chuyển sang làm việc theo thời chiến, sẵn sàng lên phía trước làm nhiệm vụ...

Chiều tối ngày 17/2, trên hướng Cao Bằng, đối phương đã chiếm được huyện lỵ Thông Nông cách biên giới gần 40km. 

Phía huyện Hà Quảng, mũi tiến công của đối phương qua Pắc Bó cách ngã ba Đôn Chương 4km. 

Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc ảnh 3

Chiến tranh Biên giới 1979 - Bài học của niềm tin

Từ Đông Khê, quân Trung Quốc đã thọc sâu đến Nậm Nàng, cách biên giới trên 50km và chỉ cách thị xã Cao Bằng khoảng 18km.

Hướng Lạng Sơn, đối phương đã chiếm được một phần thị trấn Đồng Đăng.

Ta vẫn giữ vững pháo đài, khu vực đồi Thâm Mô, điểm cao 339 không cho đối phương phát triển từ Tân Thanh ra đường 4 và từ Đồng Đăng thọc sâu theo đường 1A, 1B.

Qua tổng hợp tình hình diễn biến trong ngày, Bộ Tham mưu Quân khu nhận định: đối phương tiến công nghi binh trên hướng Trà Lĩnh, tập trung lực lượng lớn vu hồi từ hai hướng Thông Nông và Thạch An nhằm hợp vây tại thị xã Cao Bằng. 

Từ nhận định này, cơ quan đã đề đạt Bộ Tư lệnh Quân khu tăng cường phòng thủ thị xã Cao Bằng và trục đường số 3 từ Khau Đồn - đèo Cao Bắc - Ngân Sơn; đồng thời dùng lực lượng cơ động chặn đánh quân vu hồi. 

Bộ Tư lệnh Quân khu quyết định dùng Trung đoàn 852 đang huấn huyện chiến sĩ mới ở Ngân Sơn, Tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Ba Bể tỉnh Cao Bằng, Tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Võ Nhai của tỉnh Bắc Thái phối hợp với dân quân, tự vệ thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An, huyện Ngân Sơn tổ chức trận địa phòng ngự hướng Cao Bằng. 

Tiếp đó, Quân khu đề nghị Bộ tăng cường thêm hỏa lực và lực lượng cho hướng Cao Bằng.

Cũng vào chiều ngày 17/2/1979, Bộ chỉ huy quân sự thống nhất tỉnh Cao Bằng ra lệnh cấp phát súng còn lại trong kho cho dân quân tự vệ thị xã và huyện Hòa An để sẵn sàng chiến đấu.

Đến 19 giờ cùng ngày, Bộ chỉ huy quân sự thống nhất tỉnh ra lệnh cho cơ quan và nhân dân trong thị xã sơ tán. 

Trước tình hình thị xã Cao Bằng bị uy hiếp, Tư lệnh Quân khu chỉ thị cho Bộ Tham mưu phối hợp với Cục Chính trị, Cục Hậu cần triển khai tiếp Sở chỉ huy bổ trợ trên hướng Cao Bằng. 

Mặc dù quân số ít, nhưng các phòng ban vẫn kịp thời phân công người đi Sở chỉ huy bổ trợ.

Đêm 17/2, đoàn xe chở bộ phận Sở chỉ huy tiền phương đến vị trí tập kết an toàn thuộc huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. 

Mờ sáng ngày 18/2, thông tin liên lạc với các đơn vị trên hướng Lạng Sơn đã được triển khai thông suốt kịp thời, bảo đảm cho công tác theo dõi nắm tình hình và chỉ đạo tác chiến.

Ngày 18/2/1979, chiến sự diễn biến phức tạp. Tại thị xã Cao Bằng, các lực lượng của Sư đoàn 346 phối hợp với dân quân tự vệ chặn đánh quyết liệt.

Lúc này tại Hà Quảng, Trung đoàn 246 cùng với các lực lượng tại chỗ khóa chặt con đường từ cửa khẩu Bình Mãng về Hòa An, chặn đứng lực lượng tiến công của đối phương. 

Do vậy, mũi thọc sâu của đối phương ở bệnh viện Hòa An bị rơi vào thế cô lập phải quay đầu rút về tạm dừng ở Đức Long, Dân Chủ, Mỏ Sắt. 

Mũi thứ hai đi bộ từ huyện lỵ Thông Nông theo đường mòn Tương Lượng và Tắp Ná xuống huyện Nguyên Bình.

Do không biết đường lại hiệp đồng kém, chúng bắt dân địa phương dẫn đường đồng thời làm bia đỡ đạn. 

Trên đường đi, đồng bào ta nhận ra nhau liền ra hiệu quay lại bắn vào đối phương, sau đó cùng chạy lên rừng. Mãi chiều tối quân Trung Quốc mới tiến đến được Tà Sa...

Trên hướng Quảng Ninh, quân và dân ta liên tục đánh lui các đợt tiến công của quân Trung Quốc, bảo toàn được lực lượng, giữ vững trận địa trên tuyến biên giới.

Cùng ngày 18/2/1979, Bộ Quốc phòng chuyển thuộc cho Quân khu nhiều đơn vị trên địa bàn và tăng cường một loạt đơn vị cho Quân khu trên hai hướng Cao Bằng và Lạng Sơn. 

Các cơ quan chức năng tổ chức tiếp nhận, cơ động, bố trí các đơn vị này về vị trí chiến đấu đúng kế hoạch.

Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc ảnh 4

Chiến tranh Biên giới 1979 - Một góc nhìn hậu chiến

Hướng Cao Bằng có Trung đoàn 183 dự nhiệm của tỉnh Hải Hưng, Tiểu đoàn 45 đặc công dù của Bộ, Tiểu đoàn pháo binh thuộc Lữ đoàn 675, Tiểu đoàn tên lửa chống tăng B72, Trung đoàn 38 công binh thuộc Sư đoàn 473.

Hướng Lạng Sơn có Sư đoàn 327 Quân khu 3, Sư đoàn 337 Quân khu 4, Lữ đoàn công binh 229, Tiểu đoàn pháo nòng dài của Lữ đoàn 675.

Chiều ngày 18/2/1979, Sở chỉ huy bổ trợ của Quân khu được tổ chức ở Ngân Sơn - Cao Bằng. Đồng chí Đàm Văn Ngụy, Phó hiệu trưởng Trường sĩ quan Chính trị giữ chức Phó tư lệnh Quân khu, phụ trách Sở chỉ huy bổ trợ. 

Bộ Tham mưu Quân khu phối hợp với các cơ quan chức năng cử phái viên đi kiểm tra, đôn đốc các Trung đoàn 196 (Hà Bắc), 197 (Bắc Thái) lên hướng Lạng Sơn chiến đấu; tiếp nhận và hướng dẫn các đơn vị của trên điều động về tăng cường cho Quân khu theo đúng ý định.

Trên hướng Lạng Sơn, chiều ngày 20/2/1979, Sư đoàn 3 sử dụng Trung đoàn 2, được pháo binh chi viện giữ vững tuyến đường 1 từ Tam Lung đến Đồng Đăng.

Chiến sự diễn ra ở khu vực Đồng Đăng vô cùng quyết liệt, suốt từ sáng 17/2 và những ngày tiếp theo, các đơn vị của Trung đoàn 12 vẫn trụ vững trước những làn sóng tiến công "biển người" cùng hỏa lực chi viện ác liệt của quân Trung Quốc. Ta vẫn giữ vững pháo đài và phần Nam thị trấn Đồng Đăng. 

Trên các hướng Cao Lộc, Lộc Bình, Đình Lập và Quảng Ninh các đơn vị chủ động, tích cực đánh bại các đợt tiến công của đối phương, giữ vững trận địa.

Trong thời gian này, Bộ Quốc phòng phát lệnh động viên 17 tiểu đoàn dự bị động viên của các tỉnh, thành phố phía sau lên đường nhận nhiệm vụ chiến đấu. 

Tỉnh Bắc Thái có 5 tiểu đoàn, Hà Bắc 5 tiểu đoàn, Hà Nội 4 tiểu đoàn, Hải Phòng 3 tiểu đoàn. 

Nhiều gia đình có cả bố, con, anh, em được động viên vào cùng đơn vị đi chiến đấu.

Tiểu đoàn Tự vệ Gang thép Thái Nguyên có hai bố con cùng một đơn vị (con là tiểu đội trưởng, bố là chiến sĩ) cùng lên Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng tham gia chiến đấu.

Tối 19/2/1979, sau khi nghe cơ quan báo cáo tổng hợp tình hình, Bộ Tư lệnh Quân khu nhận định: Đối phương tiến công với ưu thế lực lượng 6/1, có hướng là 9/1, nhưng không thực hiện được kế hoạch chiếm thị xã Cao Bằng, thị trấn Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình, mà còn bị tổn thất lớn. 

Các lực lượng ta tuy có bị bất ngờ, nhưng đã mau chóng ổn định đội hình, kiên quyết đánh bại những đợt tiến công quy mô lớn của đối phương. 

Do chiến đấu trong điều kiện bất lợi về tương quan lực lượng, một số đơn vị gặp khó khăn. Sư đoàn 346 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Cao Bằng phải di chuyển sở chỉ huy nên bị mất liên lạc, không chỉ huy được các đơn vị. 

Việc tiếp tế cho Trung đoàn 246 và 567 bị chia cắt, gián đoạn. Lực lượng dân quân tự vệ ở thị xã Cao Bằng, Lạng Sơn và một số nơi khác còn phân tán, một số lo việc sơ tán cho gia đình. 

Bộ Tư lệnh Quân khu chủ trương tập trung lực lượng, giữ vững thị xã Cao Bằng, đường số 3, kiên quyết bao vây, đẩy lùi mũi vu hồi từ Nguyên Bình và Hòa An xuống đường số 3, Khâu Đồn và đèo Cao Bắc. 

Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc ảnh 5

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc: Lịch sử bớt xén, học sinh mơ hồ

Đồng thời tổ chức binh trạm vận tải để tiếp tế cho các đơn vị bị chia cắt ở trên hướng Cao Bằng.

Từ ngày 20/2/1979, quân Trung Quốc dựa vào ưu thế về lực lượng, pháo binh và xe tăng lần lượt đánh chiếm các mục tiêu từ ngoài vào trong. 

Sau khi chiếm được một mục tiêu quân sự ở Nam Tuấn, đối phương ra sức cướp phá của cải ở các xã Nam Tuấn, Dân Chủ, Đào Ngạn, Phù Ngọc, uy hiếp phía sau Trung đoàn 246. 

Mặt khác, chúng tổ chức lực lượng vu hồi từ Bình Long, Hòa An xuống Bản Tấu, Khâu Đồn, cắt đường số 3, nhằm ứng cứu các cánh quân bị bao vây ở Nguyên Bình. Cánh quân này bị quân và dân ở căn cứ Lam Sơn và xã Minh Tâm, Bắc Hợp chặn đánh quyết liệt.

Từ ngày 20 đến 23/2, đối phương tổ chức đánh chiếm ngã ba Khâu Đồn. Các lực lượng của Trung đoàn 852, Tiểu đoàn bộ đội địa phương huyện Ba Bể, Đại đội 73 công binh tỉnh Bắc Thái và Kho T1 thuộc Cục Hậu cần đánh lui các đợt tiến công.

Ngày 23/2/1979, một tiểu đoàn đối phương từ Bản Tấu kết hợp với một tiểu đoàn khác từ đường số 4 lên cắt cầu Tài Hồ Sìn. Ta tổ chức tiến công, buộc chúng phải rút khỏi đường số 3.

Trên hướng Hà Quảng, từ ngày 17 đến ngày 22/2, Trung đoàn 246 liên tục độc lập chiến đấu ngăn chặn. 

Do lực lượng bị tiêu hao nhiều nhưng không có tiếp tế, chi viện của Sư đoàn nên chiều ngày 22, sau nhiều giờ chiến đấu ác liệt, trước vòng vây dày đặc của đối phương, để bảo toàn lực lượng, Chỉ huy Trung đoàn 246 quyết định rút lên thung lũng núi đá giữa Hà Quảng và Thông Nông, tổ chức đánh nhỏ lẻ vào bên sườn và phía sau đối phương...

Chấp hành chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Tư lệnh Quân khu quyết định thành lập Mặt trận Lạng Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Đan, Phó Giám đốc Học viện Quân sự cấp cao được trên điều về giữ chức Phó tư lệnh Quân khu kiêm Tư lệnh Mặt trận.

Đồng chí Hoàng Trường Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn làm Chính ủy - Bí thư Đảng ủy Mặt trận. 

Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc ảnh 6

"Chúng ta phải nói cho con cháu biết bản chất thật của quân xâm lược"

Các Phó Chính ủy và Phó Tư lệnh Mặt trận gồm: Đại tá Phí Triệu Hàm, Phó Chính ủy; Thiếu tướng Lê Thanh, Phó tư lệnh Quân khu; Đại tá Lê Sơn, Chỉ huy trưởng quân sự tỉnh; Bế Chu Lang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Cơ quan Sở chỉ huy tiền phương Quân khu được trên tăng cường thêm cán bộ, phát triển thành cơ quan giúp việc Bộ tư lệnh Mặt trận.

Ngày 25/2/1979, Bộ Tư lệnh và cơ quan Mặt trận Lạng Sơn di chuyển từ Chi Lăng lên Cao Lộc.

Ngày 26/2/1979, tình hình chiến sự lại gia tăng. Trên hướng Lạng Sơn, các quân đoàn Trung Quốc tiếp tục mở cuộc tiến công tổng hợp nhằm quyết chiếm thị xã Lạng Sơn. 

Lực lượng đối phương khoảng 1 quân đoàn từ hướng Đồng Đăng và bắc đường 1A đánh chiếm điểm cao 330 và 800 (phía tây đường 1A), sau đó phát triển xuống điểm cao 586, 520 áp sát thị xã. 

Một lực lượng lớn khác của đối phương đánh chiếm khu vực 607, áp sát Khánh Khê.

Từ Lộc Bình, một lực lượng tương đương quân đoàn đối phương đánh chiếm khu vực đông nam Mai Pha. Riêng mũi tiến công trên hướng Cao Lộc vẫn bị Trung đoàn 141 Sư đoàn 3 chặn đứng ở Hải Yến, Hòa Cư. 

Đến trưa ngày 26/2, quân Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành việc đánh chiếm bàn đạp, chuẩn bị tiến công thị xã Lạng Sơn.

Lúc này Trạm thông tin A59 của ta ở Tam Thanh chỉ còn cách đối phương 500m, nhưng vẫn kiên cường trụ bám, giữ vững liên lạc thông suốt.

Trên hướng Cao Bằng, Sư đoàn 311 tổ chức cắt đường số 4, ngăn chặn cơ động tiếp tế của đối phương. Các đơn vị khác tiến hành tập kích, vây ép đối phương trong thị xã. 

Các đơn vị ở Mặt trận Nguyên Bình khép chặt vòng vây, thực hiện tiêu hao bức hàng từng bộ phận cánh quân vu hồi. 

Ngày 26/2/1979, Tư lệnh Quân khu 1 ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng. Đại tá Đàm Văn Ngụy, Phó Tư lệnh Quân khu giữ chức Tư lệnh Mặt trận.

Đồng chí Dương Vương Tường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Cao Bằng làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Đại tá Ngô Bằng Khê, Phó Chính ủy. 

Các Phó Tư lệnh Mặt trận: Đại tá Hoàng Cao Ngôn, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; Đại tá Hoàng Biền Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 346; Đại tá Ma Văn Minh, Chỉ huy trưởng Mặt trận Nguyên Bình; Thượng tá Vũ Quang Trắc; Thượng tá Lê Cánh, Chính ủy Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; đồng chí Nguyễn Bảo, Giám đốc Ty Công an tỉnh. 

Các cơ quan giúp việc Bộ Tư lệnh Mặt trận Cao Bằng được tổ chức trên cơ sở sáp nhập cơ quan quân sự tỉnh vào cơ quan Sở chỉ huy bổ trợ của Quân khu đặt tại Ngân Sơn.

Cùng ngày 26/2/1979, Bộ điều tăng cường cho Mặt trận Lạng Sơn Trung đoàn 198 đặc công; Trung đoàn 98 công binh thuộc Sư đoàn 473 để phòng ngự hướng Văn Mịch, Bình Gia; Tiểu đoàn hỏa tiễn BM-21 của Bộ lên Chi Lăng. 

Lúc này tình hình tổ chức binh trạm vận chuyển đường bộ chậm chạp. Do vậy, Bộ sử dụng máy bay (do tổ đại diện của Không quân tại Quân khu chỉ huy) thả hàng xuống xã Canh Tân, Minh Khai tiếp tế cho Cao Bằng.

Trong các ngày 27 và 28/2, chiến sự càng thêm căng thẳng, quyết liệt.

Quân Trung Quốc tiếp tục tăng cường lực lượng tiến công trên các hướng Lạng Sơn, Cao Bằng nhưng không thực hiện được ý đồ. 

Như vậy, tính đến 28/2, sau 11 ngày tiến công ồ ạt, 3 quân đoàn đối phương vẫn chưa chiếm được thị xã Lạng Sơn như kế hoạch đề ra (theo dự kiến thì ngày 28/2 chúng sẽ chiếm xong thị xã Lạng Sơn).

Cùng thời điểm đó, trên hướng Cao Bằng, mặc dù đã được vào thị xã nhưng các quân đoàn của đối phương cũng bị tổn thất nặng và bị ta vây ép từ nhiều phía.

Đối phương buộc phải đưa thêm lực lượng dự bị mới vào Cao Bằng để tăng cường sức chống đỡ.

Ngày 28/2/1979, Tư lệnh Quân khu ra quyết định thành lập Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Ninh. 

Thiếu tướng Sùng Lãm, được trên điều về giữ chức Phó tư lệnh Quân khu, kiêm Tư lệnh Mặt trận. Đồng chí Nguyễn Đức Tâm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy làm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận. 

Các đồng chí Phó chính ủy, Phó tư lệnh: Đại tá Nguyễn Trọng Yên, Phó chính ủy Quân khu; Đại tá Đoàn Hồng Sơn, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325B; Đại tá Phạm Xưởng, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh; đồng chí Phạm Minh, Giám đốc Ty công an tỉnh. 

Cơ quan của Mặt trận trên cơ sở cơ quan Sư đoàn 325B và một số cán bộ của Quân khu, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh. Bộ Tư lệnh và cơ quan Mặt trận Quảng Ninh đặt tại vị trí Sở chỉ huy Sư đoàn 325B ở huyện Tiên Yên.

Ngày 1/3/1979, Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát động toàn dân chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Những ngày tiếp sau đó, trên khắp các tuyến đường số 3, số 18, số 13, 1A, 1B hàng chục vạn cán bộ, nhân viên, học sinh, sinh viên của các cơ quan, nhà trường thuộc tỉnh Quảng Ninh, Hà Bắc, Bắc Thái tiến ra mặt trận. 

Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc ảnh 7

11 dòng trong sách giáo khoa cho một cuộc chiến vệ quốc oai hùng là chưa đủ

Đây là lực lượng hùng hậu được tổ chức thành 34 trung đoàn ở tuyến hai, tiến hành luyện tập quân sự, sẵn sàng chiến đấu, phục vụ chiến đấu với quyết tâm và khí thế hào hùng.

Ngày 2/3, đối phương dựa vào ưu thế về binh, hỏa lực tiếp tục mở các đợt tiến công mới. Các đơn vị của ta lui về giữ phía nam sông Kỳ Cùng và Tam Thanh, Nhị Thanh. 

Đối phương cũng đã chiếm được một phần phía tây bắc thị xã Lạng Sơn, cách cầu Khánh Khê 1km. 

Khi đó Trung đoàn 12 Sư đoàn 3 vẫn trụ vững khu vực kho Ngân hàng, tổ chức đánh nhỏ vào sau lưng địch.

Sư đoàn 337 làm nhiệm vụ đánh địch trên đường 1B, không cho đối phương vượt qua Khánh Khê để đánh vu hồi vào lực lượng ta trên hướng đường số 1.

Ngày 2/3/1979, Bộ Chính trị có Quyết định số 34/QĐ-TW thành lập Quân đoàn 5 thuộc Quân khu 1 (sau đổi thành Quân đoàn 14) trên cơ sở Mặt trận Lạng Sơn nhằm tạo lực lượng mạnh chuẩn bị phản công. 

Biên chế của Quân đoàn 5 gồm có: năm sư đoàn bộ binh (3, 337, 338, 327, 347), Trung đoàn phòng không 272, Trung đoàn pháo binh 166, Trung đoàn xe tăng 407, Trung đoàn công binh 514, một số đơn vị binh chủng, bảo đảm và cơ quan. 

Thiếu tướng Hoàng Đan, Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn làm Tư lệnh Quân đoàn; Đại tá Phí Triệu Hàm làm Chính ủy Quân đoàn.

Ngày 3/3/1979, quân Trung Quốc tiếp tục tiến công, áp sát mục tiêu. Trên hướng Lạng Sơn, 1 quân đoàn đối phương tổ chức ba mũi (từ điểm cao 520, Hoàng Đồng và Kỳ Lừa) tiến công vào khu vực Tam Thanh, Nhị Thanh. 

Các lực lượng vũ trang ta kiên cường trụ bám trận địa đánh trả quyết liệt.

Trung đoàn 2 Sư đoàn 3, đại đội xe tăng của Trung đoàn 407 cùng dân quân tự vệ chiến đấu rất ngoan cường, đánh bại các đợt tiến công bằng bộ binh, xe tăng của đối phương, chặn đứng mũi tiến công từ điểm cao 520 xuống Song Giáp, giữ vững tiếp tế, vận chuyển thương binh cho các lực lượng chiến đấu ở khu vực Tam Thanh, Nhị Thanh...

Cũng trong thời gian này, ở hướng Mai Pha, đối phương sử dụng 1 quân đoàn tổ chức hai mũi tiến công từ phía bắc sông và từ hướng đông nam vào thị xã. 

Các đơn vị của Sư đoàn 327 chiến đấu kiên cường, đánh bại các mũi tiến công, giữ vững các điểm cao ở phía nam Mai Pha. 

Đêm ngày 3/3, trước thế áp đảo về lực lượng của đối phương, để bảo toàn lực lượng, các đơn vị của ta rút khỏi khu vực Tam Thanh và bắc đường ngầm về phía nam sông Kỳ Cùng.

Cùng thời gian này, tại Sở chỉ huy Quân đoàn 5, hai đồng chí Phó Tổng Tham mưu trưởng Lê Ngọc Hiền và Đặng Kinh cùng một số cán bộ cơ quan Bộ Quốc phòng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị chủ lực của Bộ và Quân khu vào thế chuẩn bị phản công.

Sư đoàn 320B, Trung đoàn 209 của Sư đoàn 312 và một số cơ quan, đơn vị của Quân đoàn 1 cơ động lên Chi Lăng - Lạng Sơn. 

Sư đoàn 327 (trừ Trung đoàn chiến đấu ở nam Mai Pha); Trung đoàn 141 của Sư đoàn 3, Trung đoàn xe tăng 407 củng cố, xốc lại đội hình sẵn sàng tham gia phản công. 

Các đơn vị khác giữ vững bàn đạp, tạo thời cơ cho các đơn vị vào chiến đấu. Hai tiểu đoàn hỏa tiễn BM-21 triển khai trận địa và chuẩn bị phần tử bắn mở đầu chiến dịch phản công.

Ngày 4/3/1979, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tổng động viên lực lượng bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký lệnh động viên cả nước.

Cùng ngày 4/3, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 5 triển khai nhiệm vụ phản đột kích cho các đơn vị.

Thời điểm này, bị thiệt hại nặng mà không đạt được ý đồ, cùng với đó lại bị dư luận quốc tế lên án mạnh mẽ hành động gây chiến, vì vậy, tối 5/3/1979 Trung Quốc tuyên bố rút quân. 

Trước tình hình trên, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam ra lệnh dừng chiến dịch phản công trên hướng Lạng Sơn và giao cho Quân khu trực tiếp chỉ huy các mặt trận tiếp tục truy quét và tổ chức tiếp quản chặt chẽ.

Lúc này trên thế giới, từ ngày 6 đến 8/3/1979 tại Hen-xin-ki (Phần Lan), Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức Hội nghị quốc tế khẩn cấp ủng hộ Việt Nam. 

Hơn 100 nước và 30 tổ chức quốc tế dự Hội nghị đã lên án cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc đối với Việt Nam; kêu gọi nhân dân Trung Quốc đòi Chính phủ Trung Quốc rút toàn bộ quân đội ra khỏi Việt Nam; đề ra chương trình hành động quốc tế đoàn kết và bảo vệ Việt Nam.

Từ ngày 6 đến 20/3, các địa phương, đơn vị thực hiện tiếp quản đúng theo tinh thần chỉ thị của Bộ Tư lệnh Quân khu.

Ngày 16/3/1979, quân Trung Quốc rút khỏi Trùng Khánh, Quảng Hòa và Thạch An. Trung đoàn 567 vào tiếp quản Quảng Hòa. Sư đoàn 311 tiếp quản Thạch An.

Ngày 17/3, quân Trung Quốc rút khỏi Trà Lĩnh. Ngày 18/3 rút khỏi Hà Quảng và Thông Nông. 

Tính đến ngày 20/3/1979, trên hướng Cao Bằng, đối phương còn tạm chiếm 3 điểm trên biên giới là mốc 63 Trùng Khánh, mốc 94 Trà Lĩnh và mốc 121 Thông Nông.

Ngày hôm nay, 38 năm trước ở Biên giới phía Bắc của Tổ quốc ảnh 8

Muộn còn hơn không!

Trên hướng Lạng Sơn, sáng ngày 6/3 đối phương từ phía Nam rút về phía Bắc sông Kỳ Cùng. Ngày 9 tháng 3, chúng rút khỏi thị xã và huyện Cao Lộc. 

Sư đoàn 3 vào tiếp quản thị xã. Sư đoàn 327 vào tiếp quản Cao Lộc. Sư đoàn 338 tổ chức các phân đội nhỏ tập kích đối phương trên đường Lộc Bình - Chi Ma, buộc đối phương phải rút khỏi Lộc Bình  ngày 13/3.

Tại Đình Lập, Sư đoàn 338 còn tổ chức truy kích tiêu hao sinh lực địch. Tại Đồng Đăng, Sư đoàn 337, Trung đoàn 197 của Bắc Thái, Trung đoàn 12 Sư đoàn 3, Trung đoàn 12 Công an vũ trang (Biên phòng) ngày đêm áp sát, buộc đối phương phải rút khỏi Đồng Đăng, Tân Thanh vào ngày 15/3/1979.

Đến 20/3/1979, phần lớn quân Trung Quốc rút về bên kia biên giới, số còn lại chiếm đóng khu vực mốc 121 ở Cần Yên, mốc 94 ở Trà Lĩnh, mốc 63 ở Trùng Khánh. 

Trên hướng Lạng Sơn, đối phương còn chiếm đóng hai vị trí là điểm cao 605 giáp Khơ Đa - mốc 15 Đông huyện Văn Lãng và khu vực bình độ 400 huyện Cao Lộc.

Chiến tranh biên giới Việt - Trung (17/2 đến 16/3/1979) là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam ở biên giới phía Bắc chống cuộc tiến công của 60 vạn quân Trung Quốc, xảy ra trên toàn tuyến biên giới 6 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu.

Cuộc chiến này xảy ra trùng hợp với thời gian quân tình nguyện Việt Nam cùng Lực lượng vũ trang của Mặt trận đoàn kết cứu nước dân tộc Cam-pu-chia đang truy quét tàn quân Khơme Đỏ sau khi giải phóng Cam-pu-chia khỏi họa diệt chủng.

Phía Trung Quốc trong ngày đầu sử dụng lực lượng 5 quân đoàn và nhiều sư đoàn bộ binh độc lập, vài ngày sau lên đến 7 quân đoàn (tính cả lực lượng dự bị tới 11 quân đoàn); tập trung tiến công chủ yếu trên ba hướng chính: Lạng Sơn, Cao Bằng và Cam Đường - Lào Cai, mỗi nơi 2 quân đoàn và nhiều sư đoàn (bài viết này tác giả chưa đề cập đến cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân ta ở Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu). 

Theo kế hoạch, trong vòng 4-7 ngày, quân Trung Quốc dự định sẽ chiếm xong Lạng Sơn, Cao Bằng và Cam Đường (Lào Cai), nhưng bị các lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam kiên quyết đánh trả, đến ngày 5/3 mới tiến được tới Cam Đường, thị xã Lạng Sơn...

Trên các hướng, Việt Nam sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, dân quân tự vệ và một bộ phận bộ đội chủ lực để đánh trả. 

Cả hai bên đều chưa sử dụng không quân. Từ ngày 6/3 quân Trung Quốc vừa đánh vừa rút, đến 16/3 kết thúc rút quân (thực tế còn rải rác thêm các ngày sau đó). 

Trong cuộc chiến tranh này, Trung Quốc đã gây cho nhân dân Việt Nam nhiều tổn thất về sinh mạng, tài sản và làm tổn thương nghiêm trọng tình hữu nghị Việt - Trung.

* Tài liệu tham khảo:
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm từ điển Bách khoa quân sự, "Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2004.
- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Quân đội nhân dân Việt Nam Biên niên sự kiện)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nôi - 2002.
- Bộ Tư lệnh Quân khu 1, "Lịch sử lực lượng vũ trang Quân khu 1 (1975-2010)", Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội - 2010.

Đại tá Đặng Việt Thủy