Nghe Bí thư Đà Nẵng tâm sự với thanh thiếu niên nghiện ma túy

18/06/2015 12:02
THÙY LINH
(GDVN) - Bây giờ các cháu đã lỡ nghiện rồi, cái quyết định cai nghiện thành công hay không là tự bản thân mình. Đấu tranh chiến thắng chính mình – cái đó mới khó.

Sáng 18/6, tại buổi “Gặp mặt vận động thanh thiếu niên nói không với ma túy”, trước 100 thanh thiếu niên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ đã xúc động nói “các cháu như con, như cháu của chú thôi. Nên hôm nay cứ mạnh dạn phát biểu, tâm sự. Có vướng mắc, khó khăn gì thì chú sẽ cùng với các ngành chức năng giúp đỡ để các cháu từ bỏ ma túy, trở thành người tốt”.

Nghe lời tâm sự mở đầu của người lãnh đạo cao nhất thành phố biển, 100 thanh thiếu niên từng “dính” đến ma túy cảm thấy nhẹ lòng. Nhiều em trút hết nỗi lòng, mong muốn, quyết tâm từ bỏ “nàng tiên nâu” để trở về hòa nhập với cộng đồng.

Quang cảnh buổi gặp mặt vận động thanh thiếu niên nói không với ma túy. Ảnh Thùy Linh
Quang cảnh buổi gặp mặt vận động thanh thiếu niên nói không với ma túy. Ảnh Thùy Linh

Đa số các em đều hối hận, tâm sự rằng chỉ vì một lần nghe theo bạn bè xấu “thử” ma túy. Có em thử một lần rồi thôi, có em thử một lần rồi tiếp tục thử thêm nhiều lần nữa…rồi lún sâu vào sử dụng, đến lúc trở thành con nghiện.

“Hôm đó đi dự sinh nhật bạn, được một người bạn rủ thử ma túy. Em nghĩ chắc thử một lần cho biết rồi thôi chứ không ngờ tác hại ghê gớm của ma túy. Từ nay em sẽ cố gắng cai nghiện và đoạn tuyệt với ma túy…”, một em nữ đứng dậy tâm sự.

Sau khi nghe các em tâm sự, Bí thư Trần Thọ nhẹ nhàng khuyên bảo 100 thanh thiếu niên. Theo ông, mục đích buổi gặp mặt này là từ bỏ ma túy, nói không với ma túy, làm lại cuộc đời.

“Bây giờ các cháu đang là nạn nhân nhưng nếu lún sâu hơn một tý nữa là thành tội phạm. Giữa nạn nhân và tội phạm lằn ranh giới nó gần nhau ghê gớm lắm. Bởi vì nghiện thuốc, không có tiền thì đi trộm cắp, đi cướp giật…trở thành tội phạm. Cho nên các cháu hết sức lưu ý điều này. Trước hết là tác hại với bản thân, rồi tới gia đình”, Bí thư Trần Thọ nói.

Rồi ông phân tích, trong gia đình có người con nghiện, tới mức nghiện nặng thì tài sản “đội nón” ra đi hết, cả gia đình trở nên nghèo khổ. Mình làm con mình phải biết thương cha mẹ; mình làm anh thì phải biết thương em út.

Không những ảnh hưởng tới gia đình, mà ảnh hưởng tới xã hội, nòi giống bị ảnh hưởng, trật tự xã hội, tệ nạn xã hội bị ảnh hưởng. Nên cần phòng tránh và nói không với ma túy, dù chỉ có thử một lần thôi.

Đa số các em mong muốn sau khi cai nghiện thành công muốn được hỗ trợ học nghề, công ăn việc làm...để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình...Ảnh Thùy Linh
Đa số các em mong muốn sau khi cai nghiện thành công muốn được hỗ trợ học nghề, công ăn việc làm...để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình...Ảnh Thùy Linh

“Bây giờ các cháu đã lỡ nghiện rồi, thì nói tới cách cai nghiện. Cái quyết định thành công hay không thành công là tự bản thân mình. Đấu tranh chiến thắng chính mình – cái đó mới khó. Chứ còn bây giờ các cô, các chú, các bác có giúp đỡ, có hỗ trợ thì cũng chỉ một phần thôi, nhưng phần chính là quyết tâm của các cháu”, Bí thư Trần Thọ cho biết.

Người lãnh đạo cao nhất thành phố cho rằng, muốn quyết tâm thì phải tránh xa, tránh những nơi giao tiếp dẫn mình tới với ma túy. Bạn bè rủ rê đi quán bar, vũ trường…thì tránh đi. Tránh chơi với những bạn xấu đi. Chịu khó học tập, chịu khó cai nghiện.

Bí thư Trần Thọ đưa ra hai hình ảnh so sánh: “Các cháu xem phóng sự về ma túy thì thấy đó. Vừa rồi có một anh cai nghiện được và được thành phố cấp cho chung cư ở, lập gia đình, ổn định cuộc sống. Còn một anh không cai nghiện thành công, tiếp tục đi theo “cái chết trắng”, bị công an bắt…Đó là hai hình ảnh đối lập, các cháu chọn cái nào?”.

Bí thư Trần Thọ cho rằng, để giúp các em cai nghiện, gia đình cũng phải có trách nhiệm. Còn trách nhiệm của xã hội là không có phân biệt, kỳ thị với các cháu. Bởi vì các cháu chỉ mới là nạn nhân, chưa phải là tội phạm. Mà nếu là tội phạm thì cũng tìm cách giúp đỡ.

Bản thân mình không đủ sức để cai nghiện thì đăng ký với Sở LĐ TB&XH để lên Trung tâm 05-06 cai nghiện.

Nếu ở nhà không tự giác cai nghiện được thì sẽ bắt đi cai nghiện, đưa ra tòa xét xử chứ không để lởn vởn ngoài xã hội đi trộm cắp, cướp giật…

Một thiếu nữ lỡ thử ma túy một lần trong dịp sinh nhật bạn, hứa sẽ đoạn tuyệt với ma túy tại buổi gặp mặt. Ảnh Thùy Linh
Một thiếu nữ lỡ thử ma túy một lần trong dịp sinh nhật bạn, hứa sẽ đoạn tuyệt với ma túy tại buổi gặp mặt. Ảnh Thùy Linh

“Anh không tự nguyện, anh không tự cai, cai nghiện mà không được thì đưa ra tòa xét xử, đưa lên Trung tâm 05-06 cai nghiện thành công rồi cho về nhà”, Bí thư Trần Thọ nhấn mạnh.

Ông cũng khuyên các em, bản thân mình cai nghiện nhưng phải tố giác với các cơ quan công an, đoàn thể, địa phương…những người gieo “cái chết trắng” này. Ai bán thuốc cho mình? Các cháu biết hết mà lại giấu.

Chính người bán này nguy hiểm hơn gây ra tội lỗi, tội ác cho xã hội. Đưa các cháu từ một người đàng hoàng, lương thiện, trẻ trung, trong sáng như thế trở thành một người hư hỏng. Các cháu với tố giác với cơ quan công an để bắt những người này; phải xét xử tột khung đối với những người này để răn đe.

Nói về những đề nghị của các em thanh thiếu niên như hỗ trợ học nghề, mua xe, tạo công ăn việc làm…sau cai nghiện, Bí thư Trần Thọ cho rằng đó là những đề nghị hoàn toàn chính đáng, nhưng bản thân các cháu phải để cho thành phố có niềm tin để giúp đỡ.

Chứ ví dụ hỗ trợ cho xe máy mà về không tu chí làm ăn, đưa đi bán để lấy tiền hút tiếp thì không còn gì để nói nữa.

Hai vị lãnh đạo cao nhất TP Đà Nẵng - Bí thư Trần Thọ (bên trái) và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ tại buổi gặp mặt. Ảnh Thùy Linh
Hai vị lãnh đạo cao nhất TP Đà Nẵng - Bí thư Trần Thọ (bên trái) và Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ tại buổi gặp mặt. Ảnh Thùy Linh

“Chú với chú Thơ (Chủ tịch UBND TP - PV) đã bàn với nhau rồi, hôm nay UBND TP sẽ ban hành một Kế hoạch giúp đỡ cho 100 cháu mới sử dụng ma túy một vài lần, kết quả test dương tính; giao cho Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ phối hợp với Công an, Sở LĐ TB&XH giúp cho 100 cháu có mặt trong hội trường hôm nay.

Trong vòng 6 tháng đến 1 năm, cháu nào có tiến bộ thì thành phố sẽ có giúp đỡ hỗ trợ cho học nghề; bố trí việc làm trong các doanh nghiệp sau khi các cháu cai nghiện thành công; sẽ hỗ trợ kinh phí cho các cháu mua sắm phương tiện để làm ăn, nuôi sống vợ con, gia đình; nếu các cháu có nhu cầu vay vốn để làm ăn (mở tiệm sửa xe, cắt tóc…) thì thành phố sẽ hỗ trợ cho vay với mức lãi suất ưu đãi đặc biệt. Với điều kiện các cháu phải cai nghiện thành công, từ bỏ con đường ma túy.

Trước mắt thành phố giao 1 tỷ đồng để triển khai cho Kế hoạch này, nếu không có tiền thì tôi với anh Thơ sẽ đi xin các nhà hảo tâm, doanh nghiệp để làm.

5 ban ngành: Sở LĐ TB&XH, Công an, Hội phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên ngồi lại phân công, kèm cặp 100 em này. Cuối năm tổng kết lại, nếu em nào thực sự tiến bộ thì sẽ đề xuất hỗ trợ cho các em.

Chúng ta làm 100 em này thành công thì sẽ tiếp tục mở rộng ra làm cho các đối tượng khác. Phấn đấu trong đợt sơ kết 1 năm, trong 100 em này mà đạt được khoảng 70-80 em trở lại đời thường, học hành tiến bộ là hạnh phúc rồi…”, Bí thư Trần Thọ nói.

Bí thư Trần Thọ: "Bây giờ các cháu đã lỡ nghiện rồi, thì nói tới cách cai nghiện. Cái quyết định thành công hay không thành công là tự bản thân mình. Đấu tranh chiến thắng chính mình – cái đó mới khó". Ảnh Thùy Linh
Bí thư Trần Thọ: "Bây giờ các cháu đã lỡ nghiện rồi, thì nói tới cách cai nghiện. Cái quyết định thành công hay không thành công là tự bản thân mình. Đấu tranh chiến thắng chính mình – cái đó mới khó". Ảnh Thùy Linh

Cuối buổi gặp gỡ, người đứng đầu thành phố Đà Nẵng chùn giọng xuống tâm sự trước sự chăm chú theo giõi của 100 thanh thiếu niên: Thành phố nghèo, tích cóp từng đồng để xây dựng nên những công trình, cây cầu, con đường, những khu dân cư mới…để nhân dân thành phố thụ hưởng, cái đó cần lắm.

Nhưng mà nếu như chỉ lo kinh tế không mà không lo cho tuổi trẻ, thế hệ mai sau, để các cháu băng hoại, tiêm nhiễm ma túy, trở thành tội phạm, tệ nạn xã hội thì mấy cây cầu, công trình…đó không có ý nghĩa gì hết.

Cũng như trong nhà các cháu thôi, bố mẹ còng lưng ra làm kiếm đồng tiền để nuôi các cháu ăn học, cho nở mày nở mặt nhưng các cháu không ý thức được, sa vào nghiện ngập, làm khổ bố mẹ, người thân…

Được biết, tính đến ngày 31/3/2015, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 2.016 người nghiện ma túy, trong đó đang ở ngoài cộng đồng là 1.680 người (chiếm tỷ lệ 83,3%), đang ở Trung tâm 05-06 là 211 người (chiếm 10,47%)…

Tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn Đà Nẵng diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng (tăng 6,7% so với năm 2014).

Hiện tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, nhất là “dạng đá” ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ cao. Trong khi đó, ma túy “dạng đá” thường tạo ra những ảo giác mạnh và kéo dài sẽ làm cho người sử dụng không kiểm soát được nhận thức và hành vi dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật.

THÙY LINH