Nghị quyết của Quốc hội là Luật, không thi hành là mất chức

23/09/2014 07:36
Ngọc Quang
(GDVN) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nhấn mạnh như vậy trong buổi làm việc cho ý kiến về dự án Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật chiều 22/9.

Buổi thảo luận tại Thường Vụ Quốc hội “nóng” lên với hai luồng ý kiến trái chiều khi Bộ Tư pháp bảo vệ quan điểm trình “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, tuy nhiên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề “Luật ban hành văn bản pháp luật”.

Khái niệm "quy phạm pháp luật" mơ hồ

Dự thảo Luật quy định văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội là Hiến pháp, Luật và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là Pháp lệnh; không quy định Nghị quyết của Quốc hội và của Ủy ban thường vụ Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật.

Trước vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói thẳng: “Nghị quyết của Quốc hội không phải văn bản pháp luật là chả hiểu gì cả. Ví dụ như bổ nhiệm đại sứ không có Nghị quyết của Quốc hội thông qua thì Chủ tịch nước lấy gì mà bổ nhiệm? Hay bổ nhiệm bộ trưởng, nếu không được Quốc hội thông qua thì làm sao lên được bộ trưởng? Nghị quyết không có giá trị pháp luật thì gọi là gì? Nói thế đâu được. Hiến pháp đã nói rõ Nghị quyết của Quốc hội có giá trị như luật, còn giấy trắng mực đen mà giờ bỏ béng đi coi không phải là pháp luật. Giờ nói không thi hành là thế nào? Không thi hành là mất chức. Cũng như Chính phủ mà không ra Nghị quyết còn gì là tập thể Chính phủ? Phải có Nghị quyết, người thi hành chứ”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Khái niệm quy phạm pháp luật rất mơ hồ.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Khái niệm quy phạm pháp luật rất mơ hồ.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khái niệm “quy phạm pháp luật” rất mơ hồ, so với Hiến pháp có nhiều cái phân chia. Từ ngữ luật pháp nghe phải hiểu ngay chứ không phải khoa học viễn tưởng. Luật, Nghị quyết là phải thi hành. Ai không thi hành là trái pháp luật.

"Giờ coi Nghị quyết của Quốc hội không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Vậy là bỏ béng lệnh của người ta đi là sai cả Hiến pháp. Văn bản hành chính cũng phải có quy phạm của nó chứ, cũng phải có người thi hành chứ. Tôi lấy thí dụ như việc bổ nhiệm ông Thứ trưởng, chỉ một cái giấy cho một ông thôi nhưng nó cũng có giá trị pháp luật chứ và cũng phải có quy phạm, quy trình chứ... Các đồng chí lại đưa vào đây một loại quy phạm, loại không phải quy phạm thì chỉ có mà bôi mỡ cho kiến cắn. Vấn đề là bây giờ các đồng chí nghiên cứu bỏ bớt được cái gì thì bỏ đi để đỡ thủ tục hành chính rườm rà. Các anh cứ bày vẽ ra văn bản quy phạm pháp luật, rồi lại thêm cả pháp quy làm gì? Có bản án nào tuyên bố căn cứ vào văn bản quy phạm luật không? Ở đó chỉ nói là căn cứ vào điều mấy luật gì? Căn cứ vào điều mấy nghị định bao nhiêu? Căn cứ vào điều mấy thông tư bao nhiêu?

Một ông Chủ tịch xã, một ông Chủ tịch huyện được quyền ra một số loại văn bản, nhưng vấn đề là các đồng chí làm thế nào để họ không ra văn bản bừa bãi, ra không đúng thẩm quyền. Tất cả những khái niệm này tôi không phản đối, các học thuật chúng ta tha hồ nghiên cứu, nhưng đã là Nghị quyết của Đảng thì phải xúc tích để làm, Nghị quyết của Quốc hội là văn bản pháp luật phải rõ ràng minh bạch, sau đó văn bản cấp trên mới giao cho cấp dưới. Tinh thần là phải đi thẳng vào văn bản pháp luật. Các anh cứ thả lá diêu bông ra đuổi mãi không được đâu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Dự thảo luật bộc lộ nhiều "lỗ hổng"

Phó Chủ tịch Quốc hội – bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đặt vấn đề: Nếu coi Nghị quyết của Quốc hội không phải là văn bản quy phạm pháp luật thì lấy văn bản gì để Quốc hội đình chỉ văn bản của Chính phủ, Thủ tướng, Tòa án, Viện kiểm sát trái với Hiến pháp?

Tại báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đề nghị giữ lại quy định về hình thức Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật.

Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội chỉ rõ: “Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp quy định, thì trong một số trường hợp Quốc hội cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật không phải là hình thức luật như một số nghị quyết về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, quy định về ngân sách, tài chính, về kinh tế-xã hội, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đây là các văn bản có chứa quy tắc xử sự chung, đáp ứng các tiêu chí về khái niệm văn bản quy phạm pháp luật”.

Cũng theo ông Lý,  ngoài thẩm quyền lập pháp, Quốc hội còn quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hình thức của văn bản để quyết định những vấn đề quan trọng này là Nghị quyết của Quốc hội.

Về việc ban hành Nghị định quy định những vấn đề mới, cần thiết để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh (khoản 3 Điều 16), dự thảo Luật quy định giao Chính phủ ban hành Nghị định để điều chỉnh những vấn đề mới, cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, quản lý xã hội nhưng chưa đủ điều kiện xây dựng thành luật, pháp lệnh là kế thừa quy định của Luật hiện hành.

Tuy nhiên, theo ông Phan Trung Lý, quy định này được đặt ra từ nhiều năm trước đây khi mà hệ thống pháp luật còn thiếu nhiều văn bản điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, nhất là khả năng thông qua luật, pháp lệnh của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Đến nay, tình hình đã có nhiều biến chuyển tích cực, hệ thống pháp luật về cơ bản đã được hình thành làm cơ sở cho quản lý nhà nước; năng lực xây dựng pháp luật của Chính phủ đã được nâng cao có thể đáp ứng được yêu cầu trong hoạt động lập pháp. Do vậy, đề nghị không nên tiếp tục duy trì quy định này. Trường hợp cần thiết, có thể trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng và các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra những điểm còn thiếu sót.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: “Những điều các đồng chí vừa nêu là khuyết điểm của ban soạn thảo, việc giải thích từ ngữ không được rõ và phụ thuộc nhiều vào luật 2008. Mình dựa vào một cái đang bàn cãi, đang tìm cái lá diêu bông thực hư thế nào để đưa vào thì đúng là vấn đề. Thí dụ tôi nói ngay từ đầu rồi, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có giá trị pháp luật, trong đó chứa đựng quy phạm pháp luật… Chúng ta phải làm theo hướng rút gọn hơn, chứ làm cho phức tạp hơn thì cải cách hành chính thế nào được”.

Phó Thủ tướng yêu cầu cơ quan soạn thảo cần phải rà soát lại các nội dung đã được góp ý để chỉnh sửa theo hướng ban hành “văn bản pháp luật”, không gọi là “văn bản quy phạm pháp luật”, không phụ thuộc vào luật 2008 để xây dựng luật.

Ngọc Quang