Nghĩ về Hào Anh, xin đừng đổ lỗi cho sự bao bọc của xã hội

08/07/2015 09:48
Thùy Linh
(GDVN) - Năm 2014, Hào Anh đã được xã hội bao bọc, thương xót nhưng nay cậu bé ấy lại biến thành kẻ cướp để xã hội khinh thường. Vậy cốt lõi vấn đề nằm ở đâu?

Từ một cậu bé bất hạnh từng bị vợ chồng chủ trang trại tôm hành hạ dã man như thời trung cổ, Hào Anh đã may mắn nhận được sự quan tâm từ các nhà hảo tâm. Nhưng ngay sau đó, Hào Anh đã có hành vi đuổi cha mẹ ra đường gây bức xúc dư luận. 

Chưa được bao lâu thì vào 6/7/2015, Hào Anh lại vướng vào vụ trộm cắp máy tính tại Đơn Dương, Lâm Đồng. 

Nhiều người đặt ra câu hỏi: Phải chăng Hào Anh chính là “sản phẩm” của sự bao bọc không đúng cách của xã hội?

Vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc phỏng vấn với Nhà nghiên cứu tâm lý - PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Phóng viên: Từ một cậu bé được xã hội bao bọc, thương xót thì nay Hào Anh lại trở thành kẻ cướp để người ta khinh bỉ? PGS.TS nghĩ sao về sự chuyển biến tâm lý này?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Có thể nói rằng hành vi của bé Hào Anh là sai trái và phạm pháp, nhưng đứng ở góc độ khác nhìn nhận sự việc một cách hệ thống là điều cần làm. 

Dưới góc độ cá nhân, tôi nhận thấy rằng những hành vi của bé Hào Anh không vô cớ mà hình thành. Những hành vi đó đều xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa bên trong. 

Quay ngược về quá khứ, Hào Anh có một tuổi thơ cơ cực, quãng thời gian bị bạo hành đã làm cho bản thân em có những chấn động về tâm lý.

Nhà nghiên cứu tâm lý - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn
Nhà nghiên cứu tâm lý - PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Việc dùng giẻ lau nhà nhét vào miệng, dùng búa đập vào tay, nước đang sôi hắt thẳng vào người, bỏ đói thường xuyên, treo ngược lên mái nhà, dùng đũa than đang nóng dí vào mặt, vào đầu... đã tạo nên những vết “hằn” trong chính tâm hồn của một đứa trẻ 12 tuổi. 

Đặt vào hoàn cảnh ấy, có lẽ chưa hẳn ai trong chúng ta có thể chịu đựng để tiếp tục sống, học sửa xe… hay trở thành công nhân một cách nhẹ nhõm. Hệ lụy của những sự vỡ về nhận thức, thái độ và hành vi đã làm cho Hào Anh rất dễ có những sai sót trong cuộc sống.

Năm 2014, sau khi nhận được gần 1 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm, Hào Anh đã có hành vi đuổi bố mẹ ra đường. Và đến nay là lao vào vụ trộm cắp. 

Vậy theo PGS.TS, liệu đã chắc chắn để khẳng định Hào Anh là sản phẩm của sự bao bọc không đúng cách của xã hội chưa?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Từ một đứa trẻ bất hạnh em đột nhiên nhận được sự quan tâm của rất nhiều người, được báo chí quan tâm săn đón đã làm em trở thành “tâm điểm” của sự chú ý. 

Em cho rằng bản thân mình bị bất công và bây giờ mọi người buộc phải yêu thương em, buộc phải “cung phụng” em như chính sự bù đắp mà cuộc sống này đã mắc nợ mình. 

Khi không được, em bỏ đi làm công nhân, những thói xấu được điều chỉnh hay chưa từ thực tế? 

Từ một cậu bé nghèo khổ, quanh năm chỉ biết bán sức cho chủ chỉ mong kiếm được miếng cơm bỗng nhiên có trong tay trên dưới 800 triệu, một số tiền mà cả trong mơ em cũng chưa bao giờ nghĩ tới thì việc tiêu xài hoang phí là một điều có thể dự đoán trước.

Khi không tiết kiệm, hết tiền, em đi làm... Không chịu khổ và dễ ăn cắp là vậy...

Vậy gia đình Hào Anh nói riêng và xã hội nói chung cần chung tay làm gì để có biện pháp dạy dỗ cậu bé đúng cách, thưa ông?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Đành rằng xã hội yêu thương và bù đắp cho em rất nhiều về vật chất nhưng rõ ràng sự bù đắp này không đủ, những tổn thương trong tâm hồn của em vẫn chưa “lành lặn” hoàn toàn. 

Cũng đồng ý rằng xã hội này đã cho em một cuộc đời mới, nhưng điều đó không có nghĩa là em phải sống như hết thảy mọi người kì vọng. 

Chúng ta chưa cho Hào Anh những thứ khác nhiều hơn những gì đã qua nếu thương em một cách trọn vẹn và nhân ái… Đó là các tác động có chủ đích, các hành vi giáo dục phù hợp... Lỗi này không thuộc về cộng đồng mà mang hiệu ứng từ nhiều phía. 

Dù cho Hào Anh có đủ tuổi trưởng thành nhưng vai trò của gia đình và cả chuyên viên có kinh nghiệm làm việc với con người, chuyên viên công tác xã hội nên được khai thác…

Thưa PGS.TS, qua vụ việc trên liệu xã hội có cần cảnh giác mỗi khi giúp đỡ người nghèo và người có hoàn cảnh đặc biệt không?

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn: Xin đừng đổ lỗi cho sự thương yêu hay bao bọc của xã hội. Có thể nói sự yêu thương ấy là chưa đủ đầy nhưng rất cần thiết.

Nếu không có dư luận và không có tấm lòng hảo tâm, điều gì xảy ra hay hệ lụy phải chăng không xuất hiện?

Tuy vậy, vấn đề là công tác kế hoạch, giám sát và định hướng cho một cá nhân, một con người là rất quan trọng.

Hơn hết, cần sự định hướng bài bản, sự theo dõi và giúp đỡ đúng lộ trình cũng như sự hỗ trợ liên tục. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng và các chuyên viên hay những người có kinh nghiệm và kỹ năng thực thụ.

Xin cảm ơn PGS.TS Huỳnh Văn Sơn. 

Thùy Linh