Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật: 0917.84.9911

Ngôi làng... "gõ ra tiền" ở Thủ đô Hà Nội

02/10/2012 07:53
Theo Dân Việt
Gần đến thôn Phú Thứ, từ tỉnh lộ 70 đã nghe tiếng gõ rộn rã của làng nghề gò, hàn tôn thiếc. Có lẽ vì thế, nên nhiều người nói Phú Thứ là thôn “gõ” ra tiền.
Gò, hàn tôn thiếc là nghề truyền thống lâu đời của người dân thôn Phú Thứ, xã Tây Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội). Qua thăng trầm của thời gian, nghề này vẫn tạo ra nhiều việc làm với thu nhập tốt.

Là người hiểu biết cặn kẽ về lịch sử truyền thống của làng Phú Thứ, bà Nguyễn Thị Hải - Bí thư chi bộ thôn Phú Thứ nói chắc nịch: “Đất nông nghiệp bị lấy hết, nếu không có nghề gò hàn tôn thiếc thì dân làng Phú Thứ không biết bám vào đâu mà sống...”.

Với nghề gò hàn tôn thiếc, mỗi ngày vợ chồng anh Nguyễn Đăng Long lãi 300.000 đồng.
Với nghề gò hàn tôn thiếc, mỗi ngày vợ chồng anh Nguyễn Đăng Long lãi 300.000 đồng.

Hết đất vẫn có việc làm

Như thường lệ, ăn sáng xong, vợ chồng anh Nguyễn Đăng Long - Bùi Thị Hằng lại cặm cụi với công việc gõ, dập, lắp ghép các chi tiết làm nên các sản phẩm tôn thiếc dân dụng. Sản phẩm nổi tiếng và được nhiều bạn hàng ở các địa phương đặt mua tại xưởng của gia đình anh Long là các loại thùng tưới rau màu, cây...

“Nhà cũng còn 2 miếng đất nông nghiệp, nhưng toàn đất xen kẹt, chuột phá quá không làm gì được. Nếu không có nghề gò hàn không biết nhà tôi lấy gì mà sống” - anh Long cho biết. Mỗi ngày vợ chồng anh làm 20 cái thùng doa, sau khi trừ chi phí vẫn còn lãi hơn 300.000 đồng.

Làm như hộ anh Long chỉ là quy mô nhỏ, ở thôn Phú Thứ có những hộ đầu tư vốn, máy móc làm ăn lớn với nhiều chủng loại sản phẩm, trong đó có doanh nghiệp Đỗ Như. Doanh nghiệp này trước đây là tổ hợp tác của thôn, quy tụ hơn 100 hộ tham gia làm hàng gia dụng, hàng công nghiệp tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Chị Bùi Thị Bình-chủ doanh nghiệp Đỗ Như cho biết, ngoài số lao động của các gia đình góp vốn, doanh nghiệp còn thuê thêm hàng chục lao động trong làng, ngoài xã. Với lao động làm công việc giản đơn thì ngày công cũng tới 150.000 - 200.000 đồng/người.

Bà Hải bộc bạch: “Nghề gò hàn tôn thiếc vốn rèn cho con người tính kiên trì, có lẽ vì thế nên thanh niên trai tráng trong làng hiền lành hơn những nơi khác. Cũng nhờ có nghề, thôn Phú Thứ bình yên và có môi trường xã hội tốt...”.

“Gõ” ra tiền

Gần đến thôn Phú Thứ, từ tỉnh lộ 70 đã nghe tiếng gõ rộn rã của làng nghề gò, hàn tôn thiếc. Có lẽ vì thế, nên nhiều người nói Phú Thứ là thôn “gõ” ra tiền.

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh - Chi hội trưởng ND thôn Phú Thứ, năm 2011-2012 này, kinh tế khó khăn nên nhiều hộ tạm ngừng làm nghề. Mấy năm trước, không khí làm hàng xuất khẩu náo nức lắm. Nhà này tắt đèn đi ngủ, nghe bên hàng xóm vẫn gõ đều đều sốt ruột lại dậy làm tiếp...”.

Bà Nguyễn Thị Thuý Nga - Phó Chủ tịch Hội ND xã Tây Mỗ cho biết: “Nhiều năm nay, chi hội ND thôn Phú Thứ, Hội ND xã tích cực vận động, hỗ trợ ND phát triển nghề truyền thống, nhất là trong bối cảnh đất nông nghiệp bị thu hẹp. Thông qua Hội ND, nhiều hộ được vay vốn Quỹ HTND, vốn giải quyết việc làm... để đầu tư phát triển nghề”.

Nghề gò hàn tôn thiếc ở thôn Phú Thứ đã trải qua nhiều thăng trầm, có thời điểm tưởng chừng như không còn phát triển. Những năm gần đây, nhiều loại vật liệu mới ra đời làm nguyên liệu cho các đồ dân dụng và công nghiệp, xây dựng, thay thế các mặt hàng tôn thiếc.

Trong cái khó, ló cái khôn, các hộ trong thôn năng động tìm kiếm các mối hàng mới, trong đó thành công nhất là việc xuất khẩu sang Canada và Hà Lan các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp trồng hoa.

Chị Bình cho biết: “Năm nay, các loại hàng tiêu thụ trong nước giảm, nhưng may là hàng xuất khẩu đi Hà Lan vẫn ổn định nên công ăn việc làm vẫn duy trì tốt. Lao động chưa khi nào hết việc. Ngày 25.9 vừa rồi, doanh nghiệp của tôi xuất đi Hà Lan khoảng 6 vạn sản phẩm tôn thiếc phục vụ cho ngành trồng hoa”.


Theo Dân Việt