Ngư dân trên 2 tàu bị TQ tấn công vẫn quyết tâm bám biển Hoàng Sa

11/07/2013 13:52
Tấn Tài
(GDVN) - Vụ việc tàu Trung Quốc khống chế, phá hại ngư lưới cụ và đánh đập ngư dân, phía Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh chúng tôi cực lực phản đối hành động  này.

Liên quan đến vụ việc ngày 10-7, sáng 9-7, 2 tàu cá mang số hiệu QNg 96787 TS của ông Võ Minh Vương và QNg 90153 TS của ông Mai Văn Cường, cùng ngụ xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn, đã cập cảng Lý Sơn trong tình trạng ngư cụ cùng nhiều vật dụng trên tàu hỏng hóc do bị đập phá. Ngay sau đó, lực lượng Đồn Biên phòng Lý Sơn đã đến hiện trường, kiểm tra và lập biên bản vụ việc.

Thuyền trưởng Võ Minh Vương xót xa trước những mảnh kính vỡ cabin tàu sau khi bị nhóm người của tàu Trung Quốc đập phá ở vùng biển Hoàng Sa sáng ngày 7/7. Ảnh: Trí Tín - vnexpress.
Thuyền trưởng Võ Minh Vương xót xa trước những mảnh kính vỡ cabin tàu sau khi bị nhóm người của tàu Trung Quốc đập phá ở vùng biển Hoàng Sa sáng ngày 7/7. Ảnh: Trí Tín - vnexpress.



Trao đổi với phóng viên Báo Giáo Dục Việt Nam ông Lê Khuân Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) Khẳng định; Việc tàu Trung Quốc tấn công và phá hại tải sản trên hai chiếc tàu của ngư dân Võ Minh Vương (Qng 96787) và ngư dân Lê Văn Cường (Qng 90153)  là một hành động vô nhân đạo của phía tàu Trung Quốc gây nên cho ngư dân Lý Sơn.

Ông Lê Khuân cho biết: Sau khi xảy ra sự việc chúng tôi đã kịp thời đến thăm hỏi và động viên các ngư dân trên hai chiếc tàu bị nạn nhưng vì kinh phí có hạn nên Nghiệp đoàn nghề cá chúng tôi chỉ hỗ trợ cho mỗi tàu bị hại 500.000 đồng. Hiện tại, ngư dân trên hai chiếc tàu bị tàu Trung Quốc tấn công, phá hại đang gặp rất nhiều khó khăn, ngư lưới cụ bị hư hại, các thiết bị máy dò, máy Icom đều bị tịch thu hết...

Ông Khuân cũng cho biết thêm, đây là một trong những trường hợp cụ thể nhất về việc tàu Trung Quốc đối xử với thô bạo, không có tình người với ngư dân Lý Sơn trong thời gian qua. Hành động này của tàu Trung Quốc là rất phi lý vì Hoàng Sa là vùng biển mà người dân Lý Sơn đã ra đó cắm mốc thể hiện chủ quyền từ xa xưa.

Vùng biển này là ngư trường quen thuộc của ngư dân Lý Sơn từ bao đời nay, vùng biển này ngư dân Lý Sơn đã phải mất biết bao nhiêu công sức và tính mạng để khai phá và giữ gìn. Anh biết đấy, ở đất đảo Lý Sơn từ ngày xa xưa đã có những câu ca truyền miệng thể hiện chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, công sức của những người bám biển, giữ gìn biển đảo cho tổ quốc:
“Hoàng Sa trời nước mênh mông

Người đi thì có mà không thấy về

Hoàng Sa mây nước bốn bề

Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa"

Vì những lẽ đó, nên ngư dân Lý Sơn ngày nay ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt cá là việc rất bình thường. Từ bao đời nay, ngư dân Lý Sơn chúng tôi luôn xem Hoàng Sa như vườn rau, ao cá của của tổ quốc, như máu thịt của mình vậy. Vì vậy, ngư dân chúng tôi quyết tâm phải ra vùng biển này để khai thác thủy hải sản để cải thiện đời sống đồng thời thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân Mai Văn Lê, máy trưởng tàu QNg 90153 TS bên hệ thống máy Icom và các trang thiết bị khác đều bị Trung Quốc thu giữ
Ngư dân Mai Văn Lê, máy trưởng tàu QNg 90153 TS bên hệ thống máy Icom và các trang thiết bị khác đều bị Trung Quốc thu giữ

Tôi đã đến động viên ngư dân trên hai chiếc tàu vừa bị tàu Trung Quốc phá hại và đánh đập. Tất cả ngư dân đều nói họ phải kiên quyết ra vùng biển Hoàng Sa để đánh bắt cá, mặt cho phía Trung Quốc có phá hại có đánh đập như thế nào thì họ vẫn bám biển Hoàng Sa để đánh bắt cá. Hiện tại, tàu của ngư dân bị thiệt hại khoảng gần 700 triệu, họ đang gặp rất nhiều khó khăn vì thế mong được sự giúp đỡ từ các cấp, các ngành.

Vụ việc tàu Trung Quốc khống chế, phá hại ngư lưới cụ và đánh đập ngư dân phía Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh chúng tôi cực phản đối hành động vô nhân đạo của phía tàu Trung Quốc gây ra cho ngư dân. Qua đây cũng mong muốn và đề nghị với Bộ Ngoại giao cần lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc và yêu cầu đền bù thiệt hại cho ngư dân chúng tôi, đồng thời các lực lượng chức năng như Bộ đội Biên phòng, Hải quân cần có những biện pháp để bảo vệ ngư dân khai thác thủy hải sản trên vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước.                                                                                                      

Tấn Tài