Ngu muội đến thế là cùng!

05/11/2013 10:25
Theo PetroTimes
(GDVN) - Không còn có thể hiểu nổi nữa khi mà những cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Chính sách Xã hội, là những Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, thủ lĩnh Công đoàn, Đoàn Thanh niên… khúm núm, há hốc mồm nghe một kẻ lừa đảo phán bảo và chỉ trỏ những nơi có hài cốt. Rồi lại cả những nam thanh nữ tú của ngân hàng mê muội đi theo một người đang bị “vong nhập”. Như Thổ (NLM số 271)
Những hình ảnh trên đã được Đài Truyền hình Việt Nam phát trong một phóng sự vạch trần sự thật về gã mà được người ta ngu muội gọi là “cậu Thủy”.
Xem phóng sự ấy, người ta căm giận cái gã tên là “cậu Thủy” ấy một thì căm giận, ghê sợ một số cán bộ chủ chốt của Ngân hàng Chính sách Xã hội mười.
Ừ thì cái gã “cậu Thủy” là kẻ lừa đảo, từng có tiền án về tội lừa đảo 10 năm tù, gã sống bằng nghề lừa đảo, lợi dụng sự mê tín của người dân để làm giàu… đó là bản chất của gã.
Nhưng những cán bộ như ông Tổng giám đốc rồi một số Phó tổng giám đốc, rồi cán bộ phụ trách các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên... thì họ là những người được học hành tử tế, có quá trình công tác và rõ ràng họ là những người có hiểu biết. Ấy vậy mà họ đã ngu muội để cho gã lừa đảo kia dẫn đi hết sai lầm này đến sai lầm khác. Trong vụ việc lừa đảo hài cốt liệt sĩ đang gây chấn động dư luận vừa bị công an, quân đội phát giác thì rõ ràng họ không thể vô can.
"Cậu Thủy" đang "chỉ đạo" đào bới phần mộ liệt sĩ
"Cậu Thủy" đang "chỉ đạo" đào bới phần mộ liệt sĩ
Họ đã cung cấp tiền bạc một cách rộng rãi cho gã “ngoại cảm” này, rồi họ còn tác động tới nhiều ngành, nhiều cấp để tạo điều kiện cho gã lừa đảo trên xương máu của những anh hùng liệt sĩ.
Những người này không đáng được gọi là đảng viên, là cán bộ Nhà nước đang được giao cho trọng trách to lớn ấy là dùng tiền của Nhà nước, của dân để thực hiện các chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Một điều kỳ lạ nữa là khi biết bị kẻ lừa đảo kia đưa vào bẫy, biết mình đã sai nhưng họ vẫn cố tìm cách bào chữa, rồi giải thích, thuyết phục các cơ quan chức năng “chấp nhận”, những khúc xương lợn, xương trâu, bò, những cục xi măng… kia là xương… là hài cốt liệt sĩ.
Chắc chắn cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ động cơ, mục đích của những cán bộ chủ chốt Ngân hàng Chính sách Xã hội trong cái gọi là “chương trình đi tìm mộ liệt sĩ” do gã lừa đảo kia đạo diễn.
Người ta sẽ tự hỏi là tại sao những người có hiểu biết như lãnh đạo của ngân hàng này lại có thể dễ dàng nghe theo một kẻ lừa đảo như vậy? Và có thực họ ngu muội đến mức thế hay không? Hay đằng sau sự việc ấy có “hơi tiền”?
Những năm gần đây, phải thừa nhận một thực tế rằng, tình trạng mê tín dị đoan đang tràn lan khắp hang cùng ngõ hẻm. Người dân trí thấp thì thôi không nói làm gì nhưng rất nhiều cán bộ cũng “chăm chút phần âm”, rất chịu khó đi cầu cúng, lễ bái; xem ngày, xem giờ, chọn hướng chỗ ngồi, hướng văn phòng; thậm chí khi khai trương động thổ những công trình họ cũng phải xem xét, lễ bái hết sức cầu kỳ, tốn kém…
Ừ thì người xưa có câu, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Câu đó nhằm khuyên bảo người dương gian là phải biết kính trọng những người đã khuất, những người có công với dân, với nước; những người được nhân dân kính trọng, công ơn của họ đã ghi sâu vào trong tâm khảm người đang sống; và người dương gian đừng có xúc phạm người đã khuất.
Nhưng tình trạng lễ bái một cách vô lối như hiện nay thì quả là khó chấp nhận. Hầu như cái gì người ta cũng phải xem “phần âm” trước khi tiến hành công việc trên “phần dương”.
Cứ nhìn cái cảnh người ta chen chúc, xô đẩy nhau khi đi xin ấn đền Trần, rồi đi cầu cúng đền chùa, miếu mạo ngày một đông thì thấy rõ điều này.
Trong một xã hội đang phát triển như vũ bão về khoa học công nghệ, vậy mà chuyện mê tín dị đoan, xem ra cũng đang phát triển với tốc độ chóng mặt.
Tại sao có chuyện như vậy?
Tại sao dân trí ngày một cao mà những suy nghĩ, những việc làm ngu muội như kiểu các vị lãnh đạo của Ngân hàng Chính sách Xã hội vừa rồi lại càng nảy nở?
Tại sao khắp nơi khắp chốn tu bổ đình chùa miếu mạo hoặc xây mới trong khi chúng ta thiếu trường học, thiếu bệnh viện? Người ta sẵn sàng bỏ tiền bỏ của ra để xây dựng những khu chùa, những khu vườn tâm linh với vốn đầu tư hàng ngàn tỉ? Chả thế người ta bảo rằng, không gì lãi bằng đầu tư vào đền chùa. Những đền chùa có từ xưa, thờ thần phật, thờ những người có công với nước đã đành, mà những ngôi chùa mới mọc lên với những thứ kiến trúc tạp nham, chẳng phải ta, chẳng phải Tây và cũng chẳng phải Tàu, ấy thế mà vẫn nườm nượp người đến khấn vái, cầu xin.
Điều dễ nhận thấy rằng, xã hội hiện nay đang chứa đựng quá nhiều những rủi ro, bất trắc và bản thân mỗi cá nhân không còn đủ tự tin để làm việc, để sống.
Một người đang khỏe mạnh có khi chỉ sau một bữa ăn, bị nhiễm độc thực phẩm là lăn ra ốm đau, bệnh tật đã đành nhưng có khi còn mất mạng.
Một người đang ngồi trong nhà, có khi bị xe ôtô lạc tay lái hoặc do một gã lên “cơn vật” thiếu thuốc… lái xe lao vào.
Rồi ô nhiễm môi trường gây nên đủ các căn bệnh quái ác; rồi tai nạn giao thông; rồi trật tự an toàn xã hội… và vô vàn những điều rủi ro khác đang chờ đợi, rình rập, không từ bất cứ một ai.
Rồi lại những chuyện tiêu cực trong xã hội nảy nở ngày một nhiều, len lỏi vào khắp các lĩnh vực… khiến người ta không còn tin vào sự cố gắng nỗ lực của bản thân nữa. Chính vì vậy mà người ta đành phải dựa dẫm vào những thế lực siêu nhiên nào đó.
Nhiều năm nay Đảng, Nhà nước đã có những biện pháp nhằm cố gắng hạn chế tình trạng mê tín dị đoan, nhưng mới chỉ tập trung ở mức vận động người dân tổ chức ma chay, cưới hỏi tiết kiệm, không tổ chức cầu kỳ tốn kém và làm những việc mang nặng yếu tố tâm linh. Nhưng tất cả những cuộc vận động đó chẳng có một chút kết quả nào cả, nếu như không nói đang trở thành… chuyện đùa!
Bây giờ người ta đi lễ quanh năm và hình như cán bộ, đảng viên chăm đi lễ hơn người dân. Người dân thường đi lễ chỉ có thẻ hương; đĩa hoa quả… Còn người giàu đi lễ thì có khi họ chở cả xe tải vàng mã đến đốt cho người âm. Và sự lễ bái đã trở thành trò cười khi họ đến cửa Phật xin phù hộ cho trúng đề; thắng cờ bạc… Rồi được thăng quan, tiến chức. Hình như mọi người không biết rằng, thần phật không cho ai những gì thuộc về lợi lộc.
Có một câu cửa miệng là, với người bệnh thì phải “Đông Tây y kết hợp với… cúng”, rồi quan chức muốn được thăng tiến thì lại nhủ nhau rằng “cúng người âm và phải biết lễ người dương…” nghe mà thấy buồn làm sao!
Chuyện lễ bái bây giờ không còn là một “nét đẹp văn hóa truyền thống nữa” mà đang trở thành một vấn nạn và có tác động tiêu cực đến tất cả mọi mặt trong đời sống xã hội.
Có một điều lạ là không ít cán bộ, đảng viên có chức, có quyền hẳn hoi lại là những người “đầu têu” trong việc lễ bái, cầu cúng và người dân thì thường cứ trông người trên mà làm theo. Đây mới là cái họa cho xã hội. Một khi cán bộ, đảng viên không gương mẫu, sa đà vào mê tín dị đoan và đã có những việc làm tiếp tay cho những kẻ lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để lừa đảo thì đúng là không còn gì để nói nữa.
Bài học đau xót của các cán bộ chủ chốt Ngân hàng Chính sách Xã hội đã tiếp tay cho kẻ lừa đào Nguyễn Thanh Thúy là một ví dụ điển hình.
Đến cửa chùa, đền miếu, đứng trước bàn thờ tổ tiên, thắp nén hương để tưởng nhớ và tâm niệm học theo những phẩm chất tốt đẹp của người xưa, đó là việc nên làm và phải coi đó là một nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng tâm linh.
Nhưng mê muội đến mức nhất nhất làm theo chỉ dẫn của “thầy”, nghe theo những lời phán bảo nhăng cuội và trông mong người cõi âm phù hộ, giúp đỡ để có tài có lộc, để được lên chức ông nọ bà kia thì đúng là ngu muội lắm./.

Theo PetroTimes