Người dân Vũng Chùa tự hào được Đại tướng chọn làm nơi an nghỉ

09/10/2013 17:00
Xuân Hoà
(GDVN) - Khi nước mắt khóc thương Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cạn thì người dân Thọ Sơn, xã Quảng Đông lại tự hào và hãnh diện được Đại tướng chọn nơi an nghỉ cuối cùng..
Vùng đất đẹp và thiêng liêng
Chiều ngày 7/10 sau khi có cuộc họp với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và UBND tỉnh Quảng Bình; Ban Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các bên đã thống nhất vị trí nơi an táng thi hài Đại tướng tại khu vực Vũng Chùa  - Đảo Yến thuộc địa bàn xóm Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ngày 8/10 PV báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại Vũng Chùa – Đảo Yến để tìm hiểu về vùng đất này. Vũng Chùa là vùng đất được bao bọc bởi 3 hòn là Hòn La, Hòn Nồm và Đảo Yến cùng với Mũi Ông, Mũi Rồng nên mặc dù mưa bão to thì vùng biển này luôn yên sóng. Do đó vùng biển này trở thành âu thuyền trú tránh bão của ngư dân nơi đây.

Vũng Chùa - Đảo Yến được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi an nghỉ vĩnh cửu
Vũng Chùa - Đảo Yến được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi an nghỉ vĩnh cửu

Trên hòn đảo Yến nằm cách bờ khoảng 1 km có hang đá nhiều nên là nơi chim Yến sinh sống và làm tổ. Trước đây trên đảo có một ngôi chùa nhưng đã bị sóng cuốn xuống biển. Vùng biển nơi ngôi chùa bị cuốn trôi xuống sau đó được người dân gọi là Vũng Chùa ngày nay. 
Vị trí an táng Đại tướng được xác định là khu vực núi Rồng ở độ cao 110m so với mặt nước biển, núi có độ cao hơn 130m ở chính giữa trục Đông Nam, phía Tây là ngọn núi Sú cao 136m, phía Bắc là ngọn núi cao hơn chắn gió mùa, phía Đông là Mũi Rồng hướng ra biển. Theo các cụ cao niên tại đây thì Vũng Chùa vốn phía nam tựa lưng vào ngọn núi Rồng. Nơi ngọn núi Rồng nhô ra biển có hai hang đá giống hình Mũi Rồng nên người dân đặt tên là Mũi Rồng.

Địa thế nơi Vũng Chùa - Đảo Yến đẹp và hùng vĩ
Địa thế nơi Vũng Chùa - Đảo Yến đẹp và hùng vĩ

Phía trên đỉnh núi Rồng có 2 giếng nước ngọt tự nhiên chỉ sâu khoảng 40cm nhưng quanh năm không bao giờ hết nước. Ngay cả mùa hạn nước giếng người dân xung quanh hết nước thì hai chiếc giếng này vẫn đầy nước.
“Quanh năm hai giếng nước này đều ăm ắp nước. Ngay cả khi đến mùa hạn, giếng nước của người dân xung quanh hết nước nhưng hai giếng nước này vẫn đầy ắp nước”, ông Chu Văn An – Bí thư xóm Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình cho biết.
Hãnh diện là nơi dừng chân an nghỉ cuối đời của Đại tướng  
Ông Chu Văn An ở thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình tâm sự: “Lúc đó mới nghe tin mặc dù chưa chính thức nhưng người dân nơi đây đã hồi hộp chờ đợi. Được bác chọn là nơi dừng chân thì chúng tôi hãnh diện và cảm thấy vinh dự lắm. Nên khi có thông tin chính thức bác chọn vùng Vũng Chùa – Đảo Yến người dân quê tôi đã không khỏi tự hào được người chọn nơi dừng chân”, 

Cụ ông Tưởng Văn Kế hãnh diện khi biết tin Đại tướng chọn quê hương mình làm nơi an nghỉ vĩnh hằng
Cụ ông Tưởng Văn Kế hãnh diện khi biết tin Đại tướng chọn quê hương mình làm nơi an nghỉ vĩnh hằng

Vốn là vùng quê nghèo chuyên làm nghề chài lưới nhưng ở vùng đất này con người lại hiền hoà, bình dị. Cũng như vùng Vũng Chùa bao năm nay vùng đất này luôn yên ả đến tĩnh lặng. Nay vùng đất lành này lại được Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người con Quảng Bình, vị tướng tài chọn làm nơi an nghỉ vĩnh cửu càng tôn lên vẻ tôn nghiêm của vùng đất này. 

“Vừa khóc vì xót thương về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng giờ đây người dân quê tôi lại cảm thấy tự hào và hồi hộp đợi ngày đón Đại tướng về đây an nghỉ. Đó là niềm vinh dự lớn của người dân quê tôi”, ông Tưởng Văn Kế (77 tuổi, sống tại xóm Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) chia sẻ.
Ngọn núi Rồng linh thiêng nay càng linh thiêng hơn với người dân Thọ Sơn khi được Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ
Ngọn núi Rồng linh thiêng nay càng linh thiêng hơn với người dân Thọ Sơn khi được Đại tướng chọn làm nơi yên nghỉ

Xóm Thọ Sơn chính là vùng nằm trong khu vực Vũng Chùa sát với nơi an nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Xóm Thọ Sơn nằm tựa lưng bên phía tây núi Rồng. Phía bên kia ngọn núi Rồng chính là nơi an táng Đại tướng.

“Tự hào và hãnh diện lắm mấy chú ạ! Khi nghe tin bác (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV) mất xót xa lắm. Nhưng từ khi nghe tin bác sẽ về đây an nghỉ thì chúng tôi hãnh diện và mừng lắm mấy chú ạ! Bác là con người vĩ đại của quê hương và của đất nước nên việc bác chọn nơi đây là nơi an nghỉ vĩnh cửu là một sự tự hào cho người dân chúng tôi”, cụ ông Nguyễn Tình (85 tuôi, sống tại xóm Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch tâm sự.
 
Mấy ngày qua khi biết tin quê mình đươc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi dừng chân người dân xóm Thọ Sơn hồi hôp, tự hào chờ đợi ngày đón người về
Mấy ngày qua khi biết tin quê mình đươc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi dừng chân người dân xóm Thọ Sơn hồi hôp, tự hào chờ đợi ngày đón người về

“Có nằm trong mơ tôi cũng không nghĩ rằng Đại tướng lại chọn núi Rồng Vũng Chùa quê tôi làm nơi yên nghỉ. Hãnh diện và tự hào quá khi được đón một vị Tướng tài của quê hương về yên nghỉ”, bà Lê Thị Hồng (65 tuổi, trú thôn Thọ Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch rưng rưng nước mắt nói.
Cả thôn Thọ Sơn với 267 hộ dân mấy ngày nay cứ tất bật mọi việc để chuẩn bị cho Lễ đưa tang Đại tướng về với quê hương họ. Nhiều gia đình cũng đã lập bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp để đón người về Vũng Chùa – Núi Rồng quê họ.
Xuân Hoà